Đổi mới tư duy cho hội nhập - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Đổi mới tư duy cho hội nhập

Chuẩn bị cho giai đoạn hội nhập sâu như hiện nay, các doanh nghiệp đã phải chuẩn bị cho mình một tư duy sẵn sàng đổi mới. Nhưng “đổi mới tư duy” lại là vấn đề dễ hiểu nhưng không hề dễ dàng thực hiện. Mời độc giả tham khảo các chia sẻ của các diễn giả tại Diễn đàn Nữ Doanh Nhân – Sẵn Sàng Hội Nhập do tạp chí Nữ Doanh Nhân và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) diễn ra vào cuối tháng 8/2015 vừa qua.

Với chủ đề đổi mới tư duy nâng tầm hội nhập, phiên thảo luận đầu tiên đã đi sâu phân tích về đổi mới tư duy là gì, tiếp cận thông tin như thế nào và cách thức giúp các nữ doanh nhân chuẩn bị đổi mới dễ dàng hơn.

Phiên thảo luận gồm các diễn giả: Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT & TGĐ Công ty CP Cơ Điện lạnh – REE, bà Lê Hồng Thủy Tiên – TGĐ Tập đoàn Imex Pan-Pacific với sự điều phối của bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam & Chủ tịch Mạng Doanh nhân nữ ASEAN.

Cần đổi mới tư duy quản trị

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Để hiểu thực sự tư duy là gì, đặc biệt là tư duy kinh doanh, tôi muốn hỏi ông Lộc: “Người ta có nói rằng, ông Lộc vừa có tư duy của nhà kinh doanh, vừa có tư duy nhà tư vấn và tư duy của nhà chính trị. Vậy việc gắn kết ba tư duy trong một con người của thủ lĩnh doanh nhân Việt Nam liệu có phải là sự đổi mới tư duy để sẵn sàng hội nhập thành công, hoàn thành nhiệm vụ cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng cũng như nhà nước giao phó? 

Ông Vũ Tiến Lộc: Một câu hỏi khá khó. Tôi có tư duy của nhà chính trị, mà nhà chính trị chỉ nói chứ không làm, thứ hai là tư duy của nhà tư vấn – nghĩ được nhưng cũng không làm được. Tôi nhớ người Anh có câu: “Những ai làm được thì làm, những ai không làm được thì đi dạy học, không đi dạy được thì làm tư vấn. Kết lại là tôi không làm được gì cả nên tôi làm chính trị và tư vấn. “VIP” của xã hội này là doanh nhân – những người nghĩ được và làm được. Tôi nghĩ tư duy của họ sẽ quyết định sự phát triển của xã hội. Họ không chỉ tư duy mà còn chứng minh tư duy bằng hành động. Mục tiêu quan trọng nhất mà mọi chính phủ đều theo đuổi chính là công ăn việc làm, ai tạo ra công ăn việc làm cho xã hội người đó là anh hùng, là người đáng trân trọng nhất. Và các nhà chính trị, tư vấn, khoa học sẽ làm nhiệm vụ phục vụ cho doanh nghiệp – người giữ vị trí trung tâm. Cho nên, nếu nói tôi có tư duy của 3 nhà, tôi nghĩ quan trọng nhất với tôi là tư duy của nhà kinh doanh. Tôi rất mong muốn làm sao cả xã hội đều có tư duy của nhà kinh doanh và chỉ có bằng cách đó chúng ta mới chiến thắng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Cảm ơn ông Lộc. Tôi muốn hỏi thêm bà Victoria Kwakwa, trong hội nhập toàn cầu có một khái niệm “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương – “Think globally, act locally” với kinh nghiệm của mình, bà có thể chia sẻ quan điểm về câu nói này?

Bà Victoria Kwakwa: Tôi nghĩ, tư duy toàn cầu, hành động địa phương là điều rất quan trọng. Suy nghĩ của chúng ta không nên chỉ dừng lại ở doanh nghiệp hay trong đất nước mình mà phải suy nghĩ rộng ra, vươn ra khu vực cũng như toàn cầu. Sau khi suy nghĩ, chúng ta phải làm thế nào để hành động cho đúng. Cũng không phải lấy tất cả những gì trên thế giới về làm cái của ta mà phải lấy những cái thích hợp để thích ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Vậy xin hỏi, làm thế nào để lấy tư duy toàn cầu về làm cái của mình và biến thành hành động địa phương?

Bà Victoria Kwakwa: Ngày nay có rất nhiều thông tin và cách tiếp cận thông tin, vấn đề là lấy thông tin nào phù hợp. Đầu tiên, chúng ta nên lấy thông tin về một số vấn đề, sau đó thử và lần lượt tìm ra thông tin đúng. Thông tin rất nhiều, nhưng nên tập trung và giải quyết vấn đề của chính mình.

shutterstock_259535411Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Từ câu trả lời của bà Victoria Kwakwa, tôi muốn hỏi bà Lê Hồng Thủy Tiên một doanh nhân trẻ thành đạt. Chị hướng đến những thương hiệu thời trang đẳng cấp, vậy lúc bắt đầu chị đã tư duy thế nào để đi đến quyết định này?

Bà Lê Hồng Thủy Tiên: Thực sự mà nói, Imex Pan-Pacific là một doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong đó mảng chính là kinh doanh thời trang hàng hiệu. Đây là một ngành không đơn giản. Chúng tôi phải nghiên cứu thật kỹ từng phân khúc khách hàng, tập trung suy nghĩ chọn lựa thương hiệu phù hợp về giá cả, thị hiếu mua sắm của người Việt. Chúng tôi tập trung và sáng tạo dựa trên thế mạnh của mình chứ không đi lan man, chọn lọc điều mới và áp dụng đúng ngành nghề, nội lực mình đang có. Lan man và mạo hiểm chưa hẳn đã thành công.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Cảm ơn bà! Tôi muốn hỏi bà Nguyễn Thị Mai Thanh, một người phụ nữ nhỏ bé làm thủ lĩnh một doanh nghiệp dành cho nam giới và điều hành rất thành công, bà đã dẫn dắt REE như thế nào để có ngày nay?

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Thực sự tôi đã làm nhiều, nghe nhiều nhưng để đưa ra một khái niệm thì vẫn chưa đủ. Tôi nghĩ, tư duy là quá trình tìm kiếm cách thức để thực hiện được mục tiêu, ý định và giấc mơ của mình. Với REE, cũng khá đơn giản, xuất phát từ thực tiễn xã hội, tôi muốn có thể chủ động hơn nên đã tiên phong cổ phần hóa năm 1993, chúng tôi như đang khát nước, đang thiếu không khí nên khi luồng gió mới đến chúng tôi đã nắm bắt lấy. Tại sao tôi lại chọn một ngành dành cho nam giới, thực ra là tôi được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật và REE là một công ty về kỹ thuật với đội ngũ hiểu biết về hành chính. Tôi nghĩ, tiếng nói của mình trong đội ngũ đơn giản vô cùng, tôi cũng không có những quyết định phức tạp, đen là đen và trắng là trắng. Chúng tôi có cùng tiếng nói và mục tiêu. Điều này không phải một hay vài ngày có thể làm được mà phải mất nhiều năm. Tiếng nói chung là điều tiên quyết để tư duy thành công.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Vâng, tôi nghĩ một người muốn thành công, muốn đổi mới tư duy thì trước hết phải biết chọn lọc thông tin. Tôi muốn hỏi người “đàn bà thép” người đưa PNJ trở thành tập đoàn hàng đầu và đảm nhận nhiều vai trò khác nhau – bà Cao Thị Ngọc Dung, chị làm thế nào để có thể hoàn thành tốt các vai trò đó?.

Bà Cao Thị Ngọc Dung: Tôi thấy rất lý thú khi nghe các bài phát biểu về tư duy và tư duy sáng tạo hay việc nhiều doanh nhân quá đặt nặng vấn đề tài chính mà không có tầm nhìn xa. Điều này rất đúng và giá trị, bản thân tôi cũng như các nữ doanh nhân khác cũng không quá quan tâm đến vấn đề tài chính, vấn đề những người lãnh đạo cần là tầm nhìn, chọn lọc thông tin để có tư duy đổi mới trong quá trình hoạt động. Một điều nữa, nếu chúng ta cứ nhìn vào đối thủ có thể sẽ đi theo lối mòn, vấn đề là chúng ta hãy nhìn vào khách hàng, nhìn vào người chúng ta phục vụ để có sự đổi mới tư duy trong đường hướng phát triển chiến lược kinh doanh.

Trong 27 năm qua, tôi luôn đề cao sự đổi mới trong doanh nghiệp, tôi không đứng yên trên đỉnh thành công hay đóng khung những gì mình đã làm được. Chúng tôi tự hào nhưng không tự mãn, mỗi 5 năm tôi luôn dừng lại để xem mình đã làm được gì và phải làm cái gì đó mới. Đó là chuỗi liên tục trong quá trình đổi mới mà quan trọng nhất là đổi mới về quản trị. Đến lúc chúng ta phải hướng đến tầm nhìn khu vực và tư duy toàn cầu. Riêng tôi rất rạch ròi giữa công việc xã hội, gia đình và kinh doanh. Thời gian và kế hoạch luôn rõ ràng. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng nhưng cũng có không ít chị em vẫn tự ti. Phần lớn mọi người vẫn làm theo kinh nghiệm, ít chuyên môn và phần lớn chưa nhận thức được đổi mới tư duy quản trị là cực kỳ quan trọng với nữ doanh nhân. Chúng ta là một lực lượng mạnh, nếu có định hướng và tập trung lại sẽ tạo được sức mạnh nội lực rất lớn. Khi có sức mạnh tinh thần thì không ai mạnh bằng doanh nhân nữ.

Đơn giản hóa việc tiếp cận đổi mới

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Đã từng có nhiều ý kiến cho rằng không cần quan tâm đến thách thức và cơ hội của hội nhập mà hãy làm mình mạnh hơn là đủ, tôi muốn hỏi quan điểm của ông Lộc về việc này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tư duy sáng tạo và tư duy chuỗi là hai mặt của tư duy rộng trong thời đại mới. Tư duy sáng tạo có thể giúp chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt còn tư duy chuỗi giúp chúng ta có thể vươn tới chuẩn mực chung. Tôi nghĩ, các nữ doanh nhân hãy có niềm tin và niềm tin sẽ chứng minh tất cả. Các nữ doanh nhân Việt đã đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế tại Việt Nam, tuy nhiên tôi rất mong các nữ doanh nhân trước hết hãy chăm sóc chính mình. Hiện nay, các nữ doanh nhân quan tâm nhiều đến doanh nghiệp, lợi nhuận, xã hội, từ thiện, gia đình… nhưng quan tâm nhiều nhất đến chính mình là trách nhiệm của nữ doanh nhân với xã hội, với đất nước.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Thế tôi muốn hỏi bà Victoria Kwakwa đối với doanh nghiệp nữ tại Việt Nam, hầu hết nằm trong lĩnh vực nhỏ và vừa thậm chí là rất nhỏ, vậy họ có cần đổi mới tư duy để hội nhập không?

Bà Victoria Kwakwa: Tôi phải nói ngay là đồng ý rằng phải có sự đổi mới để thích ứng với sự thay đổi của thị trường. Chúng ta phải nhìn lại doanh nghiệp của mình, có thể phải sửa chữa ở đâu đó để phù hợp với môi trường. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chỉ nghĩ đến thị trường địa phương, nhưng cần phải nghĩ khác đi, để có cách tiếp cận mới.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Người ta nói, phụ nữ là nhân viên của nam giới thì tốt, là đồng nghiệp sẽ khó và là lãnh đạo càng khó hơn. Xin hỏi chị Mai Thanh, người thủ lĩnh của nhiều nam nhân viên tài ba, chị có thể chia sẻ tư duy quản trị nhân lực của mình?

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Chúng ta đang nói về tư duy mở, tư duy sáng tạo. Tôi nghĩ chúng ta không nên nghĩ đó là điều gì đó quá trừu tượng hoặc cao siêu. Có một điều đơn giản tôi luôn áp dụng đó là đặt ra những câu hỏi cho chính mình. Những áp lực từ thị trường, khi thua trận thầu hay nhân viên nghỉ việc… tôi luôn đặt câu hỏi tại sao? Khi thiết lập một cơ cấu kinh tế đòi hỏi phải có phương cách để dễ dàng quan sát hàng ngày, từ đó biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu và đã làm được gì. Nếu nhà lãnh đạo biết đặt những câu hỏi đúng, biết kích thích sự phát triển tức là đã làm được một điều rất lớn.

shutterstock_198307223_supersize_resize

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Vậy nhân đây, tôi rất muốn nghe chị Cao Thị Ngọc Dung chia sẻ thêm về tư duy quản trị thời gian khi kiêm nhiều vai trò khác nhau?

Bà Cao Thị Ngọc Dung: Thực ra tôi cũng không quá bận vì luôn rất rạch ròi. Với nhân viên tôi rất tình cảm nhưng khi xử lý công việc lại rất nghiêm khắc. Đối với tôi, mọi việc đều được lên lịch và có kế hoạch rõ ràng. Thời gian nào dành cho việc nào và chỉ tập trung cho nó sau đó mới đến việc khác. Tôi không bao giờ để sự lẫn lộn giữa việc này với việc kia khiến mình bối rối.

man jumping on the rocks against blue skymountain

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh: Thế còn chị Lê Hồng Thủy Tiên, với các doanh nghiệp trẻ chị nghĩ họ nên tư duy thế nào để đón nhận hội nhập một cách thành công?

Bà Lê Hồng Thủy Tiên: Tư duy đổi mới không chỉ dừng lại ở các lãnh đạo mà còn cần truyền tải đến các nhân viên để nâng tầm tư duy của họ. Nếu người lãnh đạo tư duy tốt nhưng cấp dưới lại không hiểu sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Khi đặt ra câu hỏi đúng và có tư duy đổi mới mang đến những giá trị nhất định cho doanh nghiệp và xã hội, chắc chắn sẽ nhận được sự hưởng ứng. Với các doanh nhân trẻ, tôi nghĩ thứ nhất phải sắp xếp thời gian thật hợp lý, thứ hai là tập trung suy nghĩ về những ngành nghề mình thực sự có nội lực để phát huy tối đa, thứ ba là mạnh dạn có những kiến nghị bằng cách tham dự các Hội đoàn thể để giúp ta có tư duy đúng, suy nghĩ đúng.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: Thanh Xuân – Photographer: Đại Ngô

Comment