PGĐ, Cty Trang Hà, Nguyễn Mai Hương: KIẾM TIỀN DƯỠNG NUÔI HẠNH PHÚC! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

PGĐ, Cty Trang Hà, Nguyễn Mai Hương: KIẾM TIỀN DƯỠNG NUÔI HẠNH PHÚC!

Cuộc đổi thay của Mai Hương từ một công ty IT nước ngoài về làm một công ty phân phối mỹ phẩm cao cấp do gia đình chị sáng lập có thể nói là một bước ngoặt quan trọng. Từng sống và làm việc tại nước ngoài, Mai Hương có cái nhìn cởi mở về cuộc sống và hôn nhân. Nhưng chị lại chọn cho mình cách chăm sóc gia đình thuần Việt. Có vẻ như, có hai con người trong Mai Hương, một người quyết liệt và chấp nhận đổi thay, một người lại muốn giữ gìn sự yên bình trong một mái ấm hạnh phúc…

Làm nghề dịch vụ là làm dâu trăm họ

Chị từng rất thành công với công việc tại công ty máy tính nước ngoài. Nhưng rồi chị sẵn sàng rời bỏ nó để bắt đầu với công việc kinh doanh mỹ phẩm cao cấp, một lĩnh vực hoàn toàn khác. Điều này có là một bước ngoặt? Và nghề máy tính giúp được gì cho nghề kinh doanh mỹ phẩm không, thưa chị?

Làm nghề IT vì tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ở Đại học Khoa học tự nhiên. Và được qua Ireland học tập và làm việc tại tập đoàn viễn thông Nortel Networks khoảng 2 năm, một cơ hội rất quý. Với bất cứ ai trong ngành này đều hiểu đây là một cơ hội tốt. Kinh nghiệm làm việc tại Nortel Networks đem lại cho tôi thói quen phân tích để đưa ra giải pháp tốt nhất. Tôi ngày hôm nay trở nên kiên nhẫn hơn, hòa nhã với mọi người, đồng thời cũng quyết đoán, trưởng thành, thận trọng và mạnh mẽ hơn trong công việc. Vừa làm công việc quản lý vừa tìm đường hướng cho sự phát triển của công ty Trang Hà, có lúc phải mềm lúc phải cứng rắn để có được thỏa thuận tốt. Tôi làm nghề dịch vụ hay còn gọi là làm dâu trăm họ thì tính kiên nhẫn, biết cách lắng nghe và hòa nhã giúp tôi rất nhiều trong việc phục vụ và thuyết phục các thượng đế của mình.

Kinh doanh mỹ phẩm cao cấp là lĩnh vực vẻ như rất sang trọng, nhưng sự cạnh tranh thì khủng khiếp. Đó có là một áp lực?

Có cạnh tranh mới có phát triển, có phát triển thì xã hội mới tiến bộ, con người trong xã hội ấy cũng tiến bộ. Tuy nhiên, nếu cạnh tranh theo hướng xấu và hướng xấu này chiếm ưu thế thì sẽ đem lại kết quả ngược lại. Với lĩnh vực kinh doanh mỹ phẩm, điều quan trọng nhất không phải là bạn cạnh tranh bằng các chiêu thức kém lành mạnh, mà trước hết phải cạnh tranh bằng sản phẩm. Tôi kể bạn nghe câu chuyện mà tôi quyết định rẽ qua làm kinh doanh mỹ phẩm: Trong chuyến du lịch qua Pháp năm 2007, trong lúc tìm mua hàng make-up, tôi ấn tượng với thương hiệu có cái tên Nhật khá đặc biệt Annayake. Thôi thúc tò mò, tôi đến xem và tham khảo thì nhận ra ngoài makeup đẹp, sản phẩm dưỡng da màu sắc đẹp cùng mùi thơm nhẹ. Tôi là người rất khó tính khi chọn mua mỹ phẩm thoa trực tiếp lên da mặt, nhưng với cảm giác thôi thúc lạ kỳ với thương hiệu này, tôi đã thử hàng makeup, kem dưỡng ẩm và nước hoa. Tôi thật sự hài lòng về màu sắc, độ mịn của phấn, mùi thơm của kem và da tôi hoàn toàn được dưỡng ẩm. Sau đó tôi quyết định tìm hiểu và biết được đứng sau cái tên Annayake là tình yêu mãnh liệt của nhà hóa học Shinobu Suzuki và vợ ông. Với tình yêu sâu sắc ông đã làm ra kem dành riêng cho vợ mình nữ diễn viên xinh đẹp người Mỹ PolaNegri. Nhà máy POLA tại Nhật được vợ ông đặt và ra đời năm 1929. Đến năm 1988, tạo ra nhãn hiệu Annayake với mục tiêu đem đến tinh hoa sản phẩm sản xuất tại Nhật phù hợp và bảo vệ làn da của cả nam và nữ phương Tây. Năm 2000, Annayake trở thành thương hiệu quốc tế. Năm 2013 tôi quyết định đem sản phẩm này về Việt Nam với mục đích đem cái nhìn và triết lý làm đẹp khoa học của Annayake và hoàn toàn phù hợp với làn da của phụ nữ Á châu… Kể câu chuyện dài như vậy để bạn hiểu rằng, khi tôi chọn Annayake làm món đồ trang điểm đầu tiên trong đời mình, tôi hoàn toàn không chịu sự ảnh hưởng từ chiến lược hay kế hoạch marketing nào của các nhãn hàng. Tôi chọn vì thấy nó hợp với mình và vì câu chuyện tình yêu tha thiết cửa người sáng lập ra thương hiệu. Sự cạnh tranh, trước hết phải là từ chất lượng sản phẩm, sau đó mới là chuyện bạn giới thiệu nó như thế nào. Nên tôi hoàn toàn tin vào những sản phẩm của mình, sự cạnh tranh của chúng tôi là làm sao sản phẩm của mình khiến khách hàng đẹp hơn.

“Để có kết quả tốt, tôi quan niệm mình cần tôn trọng sự thật, lấy sức khỏe và lợi ích khách hàng là điều quan trọng tối thượng. Và kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua những thất bại khó khăn hay đơn giản là bạn sẽ nhìn thấy con đường của mình thú vị hơn”

Như chị nói, có vẻ công việc kinh doanh mỹ phẩm của chị khá thuận lợi. Nhưng có một tỷ phú nói rằng, kiếm tiền không bao giờ là việc dễ dàng và hoàn toàn thuận lợi, vì miếng pho mát miễn phí thường chỉ có ở trong cái bẫy chuột mà thôi. Công việc của chị không có khó khăn gì đáng kể sao?

Công việc của tôi là làm đẹp, khỏe cho làn da, mái tóc cho mọi người. Thị trường thì có một, trong khi hiện nay có rất nhiều sự canh tranh mới từ nhiều spa, các trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ… ra đời. Những thủ thuật xâm lấn gây tổn thương cho da sau một thời gian dài, nhưng nó lại mang đến cái đẹp chóng vánh khiến nhiều người bất chấp sự nguy hại. Những quan điểm về cái đẹp đang theo hướng thị trường do nhu cầu làm đẹp nhanh và lung linh trong tích tắc, trắng bằng mọi cách, bất chấp hậu quả đang tràn lan, thậm chí còn được “tiếp tay” bởi những trang báo không chính thống… Trong khi đó, sản phẩm của Trang Hà (sản phẩm dưỡng da Orlane, dưỡng tóc Leonor Greyl, makeup và nước hoa Annayake – người viết) tập trung vào việc làm đẹp nhưng theo khoa học và thuận theo sự phát triển tự nhiên của làn da. Và việc này đòi hỏi phải có thời gian để đẹp từ bên trong và cần khách hàng yêu vẻ đẹp “healthy”, thích cái đẹp thuần túy từ bên trong, cái đẹp khoa học. Khách hàng sẽ là người tự lựa chọn cho mình giải pháp làm đẹp khoa học hay phản khoa học. Và điều này, muốn thành công, chúng tôi phải rất kiên trì. Mà khi bạn kiên trì, nghĩa là bạn chấp nhận thời gian đầu lợi nhuận không cao. Điều đó chúng tôi chấp nhận và đang kiên định con đường đó. Khó khăn lắm, chứ không phải chúng tôi thích miếng pho mát miễn phí mà anh nói đâu (cười). Tuy nhiên, thuận lợi tôi có được là khách hàng đang ngày càng ý thức được sự dưỡng nuôi từ bên trong để cái đẹp khỏe mạnh phát triển. Đó chính là điểm mạnh của chúng tôi.

Dẫu khó khăn, nhưng tôi thấy chị vẫn phát triển được con đường kinh doanh của mình. Thành công, theo chị cần những gì?

Tâm nghĩ gì thì hành động sẽ theo như thế. Gieo nhân nào sẽ gặt quả ấy. Để có kết quả tốt, tôi quan niệm mình cần tôn trọng sự thật, lấy sức khỏe và lợi ích khách hàng là điều quan trọng tối thượng. Và kiên nhẫn sẽ giúp bạn vượt qua những thất bại khó khăn hay đơn giản là bạn sẽ nhìn thấy con đường của mình thú vị hơn.

Gia đình là động lực lớn

Tính cách của chị ảnh hưởng thế nào đến vai trò, trách nhiệm, quyết định của chị trong công việc?

Làm quản lý của nhiều nhân viên, tôi cần đảm bảo việc làm ổn định cho họ. Điều đó đòi hỏi tôi phải luôn có trách nhiệm biết lắng nghe nghiêm túc và quyết đoán trong mọi việc. Bên cạnh đó, tôi phải đóng vai trò người chèo thuyền để tránh va phải đá hay khi vượt qua sóng gió, tôi phải phán đoán tìm đường tốt cho con thuyền của mình. Có thể tôi cũng được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình nên chưa có quyết định nào gọi là thay đổi số phận, mọi chuyện theo tự nhiên thôi. Với tôi, thì việc quyết định làm lại từ đầu, từ bỏ những gì đã đạt được trong lĩnh vực IT để đầu quân vào lĩnh vực hoàn toàn mới là kinh doanh mỹ phẩm có lẽ là quyết định tôi phải đắn đo, suy nghĩ và quyết tâm rất nhiều. Bây giờ, tôi vui vì quyết định của mình. Đây có thể gọi thay đổi số phận chăng?

Chị đã từng di chuyển, sống và làm việc ở nhiều môi trường khác nhau. Nhưng có vẻ như chị không bị tác động nhiều lắm. Chị vẫn làm việc trong môi trường công ty gia đình và chị vẫn duy trì cuộc sống của một người vợ, người mẹ rất… thuần Việt. Tại sao lại như vậy, khi người ta đang dấy lên quyền của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ có quyền lực và độc lập về kinh tế như chị?

Tôi đi nhiều và cũng trải qua rất nhiều những câu chuyện khác trong cuộc sống, và tôi nhận ra, người phụ nữ muốn thành công thì gia đình phải vững. Tôi khá cổ điển trong suy nghĩ thì phải. Tôi gặp chồng tôi vào năm đầu đại học và rồi sau đó tôi đã cưới anh ấy, mối tình đầu của mình. Cuộc sống nhiều lúc khó khăn, cãi vã ghen tuông cũng có khi xảy đến, nhưng cơ bản chúng tôi đã chung thuyền và sẽ hết lòng vì con thuyền gia đình. Tôi nghĩ, tôi có động lực làm việc như hiện tại là vì tôi có gia đình của mình. Và xét cho cùng, quyền bình đẳng của phụ nữ có ý nghĩa gì, nếu như chúng ta không thực sự có được hạnh phúc? Tiền và quyền lực với tôi cũng không bằng nụ cười của hai đứa con mỗi sáng thức dậy…

Gia đình có lẽ là chỗ để chị trốn về mỗi khi công việc gặp mệt mỏi? Hay chị có thú vui nào đó, để lên dây cót lại tinh thần cho mình?

Cuộc sống không thể nào không có lúc mệt mỏi và áp lực, và tôi cực hơn một chút tham lam và luôn muốn mọi thứ hoàn hảo. Tôi từng tham lam làm 2 “jobs” cùng lúc: một bên là ngành IT khô khan luôn quan tâm đến logic, một bên thì nhiều màu sắc hơn nhưng lại cạnh tranh nhiều. Cả hai công việc đều cùng đem lại áp lực như nhau. Tôi nhớ có một lần, áp lực công việc nhiều mà đứa con đầu lòng ốm bệnh phải nhập viện. Khi đó thật sự stress, tôi đã từng nghĩ thôi thì cứ quay về làm mẹ làm vợ thôi, bớt bon chen cho đỡ mệt, đỡ già. Để lấy lại tinh thần, tôi đã đi đến thăm em bé tại trại trẻ mồ côi được ni cô chăm sóc. Khi đến đây, nhìn các con mình đã bật khóc. Dù không được sống trong môi trường cơm ngon, ấm êm trong vòng tay ba mẹ nhưng các con vẫn vui tươi và sống hạnh phúc. Các thầy, các sư làm mọi thứ cho các con dù kinh phí eo hẹp. Nhờ hình ảnh này, tôi thấy mình may mắn hơn rất nhiều người, nên cần phải cố gắng làm tốt nhưng gì mình đã dự định vì gia đình, vì bản thân và to lớn hơn vì mình muốn góp chút gì đó cho các con. Tôi có thêm động lực và mục tiêu trong công việc. Cứ thế, cố gắng mỗi ngày, và mọi chuyện sẽ ổn, sẽ qua…

Chị thấy mình thế nào khi không còn “dính líu” gì tới kinh doanh hay tiền bạc?

Tôi hết sức bình thường. Đi làm về, chăm lo chồng và con cái. Tôi quan niệm dù bên ngoài mình có là ai thì khi về nhà, thiên chức một người mẹ và một người vợ phải đảm bảo để ngôi nhà thực sự là mái ấm. Có thể nói, khi không là con người của công việc, mình là người hòa đồng, đơn giản. Còn nhân viên của tôi bảo, hết việc là sếp quậy quá, nhưng vẫn hiền lành. Tôi thích làm ra tiền, rồi cả nhà dắt nhau đi du lịch, được sống tự do là một hạnh phúc thực sự với tôi…

Xin cảm ơn chị!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: Dương Bình Nguyên – Creative Director: Hiepleduc – Photo: Vinh VLK

Make-up: VIỄN DƯƠNG – Hair: thanh phạm

Comment