Là một chuyên gia dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi tiêu hóa, đặc biệt là điều trị thành công rất nhiều ca ung thư thực quản, bác sĩ (BS) Đỗ Minh Hùng ngoài đời lại là một người đàn ông rất kiệm lời khi nói về bản thân. Với ông, con đường để trở thành một trong những BS phẫu thuật nội soi tiêu hóa giỏi đó là phải “say nghề và luôn đặt chất lượng điều trị cho bệnh nhân lên hàng đầu”.
Chuyện về lá thư tay của gia đình bệnh nhân ung thư thực quản
Anh Nguyễn Văn Trung (53 tuổi, quê Sông Cầu, Phú Yên) bất ngờ phát hiện mình bị ung thư thực quản sau một lần đi khám sức khỏe. Đây thực sự là một tin sét đánh với anh và vợ, chị Huỳnh Thị Lạc. Những tiên liệu bi quan của các BS ở tỉnh khiến cả hai vợ chồng suy sụp hoàn toàn.
Với quyết tâm bằng mọi cách cứu chồng, chị Lạc thu xếp đưa anh đến Bệnh viện FV (TP.HCM) tìm cách cứu chữa. Người trực tiếp khám cho anh Trung là BS Đỗ Minh Hùng, Trưởng khoa Ngoại tổng quát. Tại đây, BS Hùng cho biết bệnh ung thư của anh Trung đã ở giai đoạn khá trễ và di căn hạch nhưng may mắn chưa xâm lấn, nên cơ hội phẫu thuật thành công lên đến 99%. Đặc biệt, với phương pháp mổ nội soi, anh Trung sẽ nhanh chóng hồi phục sau ca phẫu thuật. Được BS tận tình tư vấn, vợ chồng anh Trung đang trong hoảng loạn và sợ hãi như trút được đá tảng đè nặng trên ngực. Vợ chồng anh chuyển từ tuyệt vọng sang hy vọng. Với bệnh nhân ung thư, hy vọng chính là vũ khí quan trọng để chiến thắng lưỡi hái tử thần.
Ca phẫu thuật cho anh Trung diễn ra vào ngày 25/8, do chính BS Đỗ Minh Hùng thực hiện. Từ kết quả thăm khám, ê-kíp chẩn đoán và quyết định phẫu thuật nội soi để nạo bỏ hết tất cả các hạch, cắt bỏ thực quản, nối dạ dày lên vùng cổ bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ngã ngực với tư thế nằm sấp, mê nội khí quản một nòng, phẫu thuật nội soi hoàn toàn bằng ngã bụng tạo hình ống dạ dày để nối lên thực quản cổ và nạo hạch theo hướng dẫn điều trị của Hội Ung thư thực quản Nhật Bản. Riêng với trường hợp anh Trung lại là một ca đặc biệt khó vì còn phải nạo hạch vùng trung thất – nơi tập trung nhiều mạch máu lớn và dây thần kinh, lại gần tim nên rủi ro cao hơn và dễ bị biến chứng. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Đó cũng là những giờ phút vừa cầu nguyện vừa lo lắng đến nghẹt thở của chị Lạc bên ngoài phòng mổ. Khi bóng áo blouse trắng của BS Hùng vừa xuất hiện, chị Lạc đứng bật dậy, vỡ oà trong niềm sung sướng và xúc động nghẹn ngào khi BS thông báo báo ca phẫu thuật thành công như tiên liệu.
Anh Trung được chăm sóc ở phòng hậu phẫu 8 ngày trước khi xuất viện. Các vết mổ rất nhỏ, nhìn thoáng qua giống như vết trầy trên da. Anh hồi phục nhanh và tinh thần rất tốt. Ngày4/10 vừa qua, anh Trung trở lại bệnh viện tái khám và kết quả rất khả quan. BS Hùng kể rằng, ông rất vui vì bệnh tình anh Trung tiến triển tốt. Ông còn thực sự bất ngờ khi nhận được lá thư tay do chị Lạc viết. Đó là những lời lẽ cảm động và chân thành từ đáy lòng của một người vợ chân quê mộc mạc cảm ơn ông và ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện FV đã cứu sống người chồng mà chị hết lòng yêu thương, đem lại niềm vui vô bờ cho mái ấm gia đình chị.
“Tôi vui và xúc động vì tình cảm của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và vui vì mình cùng ê-kíp cũng đã có chút công sức giúp anh Trungvượt qua giai đoạn khó khăn nhất để chiến thắng căn bệnh ung thư”, BS Hùng chia sẻ.
Vị nhạc trưởng của khoa ngoại tổng quát bệnh viện FV
BS Đỗ Minh Hùng tham gia công tác tại FV từ tháng 8/2016, với mong muốn phát triển khoa Ngoại tổng quát của bệnh viện lên một tầm cao mới. Điều khiến BS Hùng trăn trở là các bệnh nan y về tiêu hóa gan mật, đặc biệt căn bệnh ung thư những năm gần đây ở Việt Nam đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Giọng ông đầy tâm tư: “Ở Việt Nam thiếu sự tầm soát ung thư mang tính quốc gia, nên khi bệnh nhân tìm tới các trung tâm y tế đa phần là đã muộn.Ở bệnh viện nơi tôi công tác trước đây, mỗi ngày khoa tiêu hóa mổ 2-3 ca ung thư về tiêu hoá trong một phòng mổ, có ngày mổ 2 phòng, chưa kể các bệnh nhân mổ ở khu dịch vụ”.
Theo bác sĩ Hùng, nguyên tắc phẫu thuật ung thư là phải triệt căn, nạo sạch hạch. Nếu hình dung khối u như một đồn địch, thì hạch chính là quân lính, nhiệm vụ của BS phẫu thuật ngoài việc đánh sập đồn thì còn phải tiêu diệt hết quân lính. Dĩ nhiên có những vùng không thể nạo hết hạch thì phải dùng tới hóa trị.
Là một chuyên gia phẫu thuật ung thư bằng phương pháp nội soi, BS Hùng luôn say mê tìm tòi và nghiên cứu trong lĩnh vực này. “Tôi luôn tâm đắc với lĩnh vực nội soi trong ngoại khoa. Trước đây khi chưa có kỹ thuật mổ nội soi, với những ca như bệnh ung thư thực quản phải mổ hở cả ngực và bụng, bệnh nhân rất đau đớn và mất sức, hồi phục rất chậm, nguy cơ nhiễm trùng cao, đồng thời để lại vết sẹo lớn. Kỹ thuật mổ nội soi giúp bệnh nhân phục hồi nhanh, nguy cơ nhiễm trùng thấp, không có vết sẹo và cơ hội thành công cao hơn hẳn. Với nội soi, dù BS sẽ phải mất công, tốn thời gian và phải rất cẩn thận khi phẫu thuật nhưng chất lượng điều trị cao: bệnh nhân sẽ hồi phục nhanh, ít biến chứng, ít chảy máu và ít đau”. Cũng theo BS Hùng, hiện tại, Việt Nam không có nhiều BS và bệnh viện có thể thực hiện thành công phẫu thuật nội soi cắt ung thư thực quản kèm nạo hạch, đặc biệt là hạch trung thất đi dọc thần kinh quặt ngược thanh quản là nhóm hạch có tỉ lệ di căn cao.
Tâm sự về nghề “cầm dao kéo”, BS Hùng bộc bạch: “Nghề này stress (căng thẳng) dữ lắm!”. Ông giải thích, stress thường đến từ áp lực công việc, nhất là khi một ca mổ gặp sự cố. Thành công của ca mổ đến từ nhiều yếu tố: BS mổ lành nghề, ê-kíp phẫu thuật viên giỏi, công tác hồi sức tốt, môi trường phẫu thuật an toàn nhằm hạn chế biến chứng do nhiễm trùng…
Dù tay nghề BS giỏi đến mấy song nếu ê-kíp không giỏi thì sai sót có thể xảy ra ở các khâu ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trong mắt người nhà bệnh nhân thì bác sĩ cầm dao mổ là người chịu trách nhiệm cuối cùng của một ca mổ. Theo BS Hùng, môi trường Bệnh viện như FV với các tiêu chuẩn chất lượng JCI sẽ giúp cho kết quả điều trị bệnh luôn ở mức cao nhất. Với ông, ca phẫu thuật thành công không chỉ chữa khỏi bệnh cho người bệnh, mà phải giúp cho bệnh nhân ít bị đau đớn nhất có thể.
Dù ngành y là nghề đòi hỏi nhiều sự dũng cảm và dấn thân, BS Minh Hùng vẫn rất “say” nghề. Cảm giác của người BS sau mỗi ca phẫu thuật thành công thật “đã”. Là một người giàu cảm xúc, BS Hùng rất trân trọng những tình cảm của bệnh nhân dành cho mình. “Có những bệnh nhân từ tỉnh xa lên tái khám, còn mang một bọc trứng gà làm quà gửi tôi nhân dịp Tết, thấy thương gì đâu!”. Kể đến đây, mắt BS Hùng ánh lên niềm xúc động. Ông đã cho chúng tôi xem một email dài không một dấu chấm câu nhưng trong đó là những lời lẽ gan ruột chân chất của một bệnh nhân ở tỉnh xa gửi cám ơn ông vì đã giữ lại mạng sống cho mình.
Với BS Hùng, tình cảm của bệnh nhân dành cho ông chính là sự tưởng thưởng lớn nhất cho sự nghiệp y khoa mà ông say mê theo đuổi.
Tốt nghiệp BS Y khoa hệ dài hạn, chuyên ngành đa khoa, Đại học Y dược TP.HCM năm 1994, BS Đỗ Minh Hùng hoàn tất chương trình Thạc sĩ Y học, chuyên ngành Ngoại tổng quát năm 2004 và lấy bằng Tiến sĩ Y học, chuyên ngành Ngoại tiêu hóa, Đại học Y dược TP.HCM năm 2015. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, BS Hùng đã có nhiều công trình nghiên cứu điều trị bệnh lý ngoại tổng quát được các đồng nghiệp đánh giá cao, đặc biệt trong chuyên môn điều trịphẫu thuật gan mật và tiêu hóa. |
Có thể bạn quan tâm: