Khi cảm xúc lên ngôi giữa những cái đầu lạnh - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Khi cảm xúc lên ngôi giữa những cái đầu lạnh

Dĩ nhiên, chỉ số thông minh là nền tảng cần có của những người làm kinh doanh, nhưng chính chỉ số cảm xúc mới là điều kiện đủ đóng góp vào thành tựu cuối, dù ở lĩnh vực nào.  

Chỉ số cảm xúc EQ – Emotion Quotient dùng để mô tả khả năng hay kỹ năng tự nhận thức để xác định, đánh giá, điều tiết cảm xúc của chính mỗi người cũng như những người xung quanh, tách biệt các nhóm cảm xúc và phân ra từng khu vực riêng. Những dữ liệu từ đó sẽ giúp bạn định hướng hành vi, suy nghĩ của mình trở nên phù hợp hơn. Nghe thì có vẻ đầy cảm tính, nhưng tại sao chỉ số này lại quan trọng với những doanh nhân?

Khác với chỉ số thông minh là yếu tố bẩm sinh, EQ hoàn toàn có thể do bạn tự học hỏi, tập luyện, phù hợp cho cả những người mới bắt đầu hay những người đã có kinh nghiệm. Hiện tại, trí tuệ xúc cảm ngày càng có vai trò quan trọng khi đứng trước yêu cầu kết nối mạnh mẽ các bộ phận khác nhau, tạo nên những mối quan hệ chặt chẽ và bền vững trên thương trường.

“Đối với người khác, họ có thể quên đi những gì bạn nói, những gì bạn làm, nhưng không bao giờ quên bạn đã làm họ cảm thấy thế nào.”

EQ ẩn chứa trong mình khả năng thích ứng, cộng tác, được luyện tập thông qua cách lắng nghe, bình tĩnh trước những rắc rối, giúp đỡ mọi người, kết nối và thấu hiểu đối tác. Trong môi trường công sở, EQ giúp ích rất nhiều trong quan hệ của bạn với đồng nghiệp, cấp trên, khách hàng và quan hệ với chính bản thân thông qua khả năng tự nhận thức.

Vậy, cụ thể của việc luyện tập EQ được ứng dụng như thế nào?

1Khả năng tự nhận thức/thích ứng

Được nhấn mạnh hàng đầu trong những yếu tố thuộc trí tuệ xúc cảm, tự nhận thức là khả năng hiểu rõ về ưu, nhược điểm của bản thân cũng như cách những điều này tác động tới suy nghĩ, hành vi của bạn. Chính vì thái độ “biết người biết ta này”, bạn sẽ có thể thích ứng với nhiều kiểu người hay các nhóm tính cách khác nhau, khiến các mối quan hệ và hợp tác khi cần thiết sẽ trở nên suôn sẻ hơn.

Khả năng này cũng rất hữu ích khi bạn tiến thêm một bước trên nấc thang sự nghiệp trong việc thích ứng với cấp bậc và trách nhiệm mới. Khả năng tự nhận thức, linh hoạt với mọi việc, mở mang những ý tưởng, dự án, con người mới sẽ mang đến nhiều kinh nghiệm, tăng cường sự chuyên nghiệp để bạn luôn sẵn sàng với những thách thức mới trong tương lai. Bên cạnh đó, hãy thường xuyên hỏi thăm ý kiến của những người xung quanh để xem những ý kiến khách quan đánh giá về mình, từ đó điều chỉnh bản thân để tăng cường sự linh hoạt đó.

2Khả năng nuôi dưỡng động lực

Điều này bao gồm khả năng động viên bản thân và cả những người xung quanh. Những lãnh đạo tài giỏi đều có tầm nhìn rõ ràng, đặt ra tiêu chuẩn cao về những gì muốn đạt được và cố gắng hoàn thành chúng. Việc này đòi hỏi bản thân phải luôn hiểu cần làm những gì, và đâu là niềm tin để sản sinh động lực đi suốt con đường đó. Với phần trí tuệ cảm xúc này, động lực đó cũng sẽ giúp lan tỏa đến nhiều người, thúc đẩy hiệu suất tổng thể truyền cảm hứng, tạo động lực và kích thích năng suất làm việc. Từng cá nhân cũng sẽ sẵn lòng cống hiến cho người mà họ tin tưởng và tôn trọng.

3Khả năng thấu cảm

Đây là khả năng hiểu được cảm xúc của người khác, xuất phát từ kinh nghiệm bản thân hoặc cách bạn dùng để hiểu người đối diện. Sự thấu cảm sẽ là nền tảng cho phép xây dựng niềm tin với khách hàng. Để có thể làm được như vậy, hãy học cách tập trung lắng nghe để hiểu, hỏi ngược lại khách hàng để bóc tách từng vấn đề nhỏ, khi họ cảm thấy thoải mái và có sự tương đồng nhất định, họ sẽ thật sự chia sẻ những vấn đề muốn giải quyết. Đây chính là câu trả lời cho mọi câu hỏi liên quan đến vấn đề: Chúng ta nên đối xử thế nào với vị khách ấy? Đối với nhân viên, đó là cách bạn sẽ quản lý dễ dàng và chủ động hơn trong việc dự đoán phản ứng của từng người. 

4Khả năng phối hợp

Trong bối cảnh đòi hỏi tinh thần làm việc nhóm (teamwork), khả năng này giúp bạn có thể “sống sót” ở bất kỳ đội nhóm cũng như những loại hình kinh doanh mới mẻ. Phối hợp tốt với các đồng nghiệp hay các nhân viên khác sẽ mang lại lợi ích tập thể. Để làm được điều này, hãy học cách tôn trọng khả năng của từng cá nhân, góc nhìn, ý tưởng của mọi người. Với tư cách là người đứng đầu, hãy sắp xếp để ưu điểm của họ có thể phát huy tối đa hiệu quả khi làm việc nhóm.

***

Những thói quen thuộc về EQ để thành công trong công việc và cuộc sống cá nhân:

  • Nói ít, làm nhiều: hãy hoàn thành nhiệm vụ được giao, đừng chỉ dừng lại ở lời nói.
  • Tự vấn chính mình: kiểm soát tốt những cảm xúc tiêu cực của bản thân trước khi ảnh hưởng đến công việc.
  • Loại bỏ các yếu tố có hại: chỉ thật sự tập trung vào những yếu tố có lợi nhằm tiết kiệm thời gian quản lý.
  • Giữ liên lạc các mối quan hệ: xây dựng và giữ vững mạng lưới xã hội nhằm nuôi dưỡng cơ hội trong tương lai.
  • Suy nghĩ về mục tiêu sau cùng: giữ tầm nhìn đủ lớn, bỏ qua những điều nhỏ nhặt và tập trung vào mục tiêu quan trọng.

Bài viết của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Đọc thêm: 

#BIZTrends: Nền kinh tế chia sẻ

6 thói quen thành công xuất phát từ tinh thần mạnh mẽ

Comment