Một trong những sự kiện bê bối đầu năm 2018 không thể không nhắc đến Facebook. Sau sự cố rò rỉ hơn 87 triệu thông tin người dùng, trang web mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới đang đứng trước bờ vực “sống còn”. Thay vì theo dõi chi tiết thông tin và truyền tai nhau về sự tình xem CEO Facebook sẽ xin lỗi như thế nào, chúng ta cần nhìn lại xem những gì mình thể hiện trên mạng xã hội đã thực sự an toàn cho bản thân chưa?
Có thể nói Social Media (Truyền thông Xã hội) là một trong những tính năng tốt nhất trên internet, nhưng chính nó cũng là một trong những công cụ tồi tệ nhất của phương tiện truyền thông hiện đại. Chưa bao giờ vấn đề an ninh mạng lại trở nên nóng bỏng như hiện nay, người dùng trở nên hoang mang khi không gian cá nhân không còn đáng tin cậy với độ bảo mật có thể bị ‘đâm thủng’ bất cứ lúc nào. Từ những “bạn bè” đáng ngờ có thể kết nối trên phạm vi toàn cầu, đến các ứng dụng hay sự có mặt của những kẻ lừa đảo trực tuyến, tất cả đã biến mạng xã hội trở thành một đầm lầy nguy hiểm. Đừng để bạn trở thành nạn nhân của những rò rỉ thông tin chỉ vì thói quen dùng mạng xã hội, tất cả những gì cần làm ngay lúc này là thực hiện các biện pháp phòng ngừa đúng đắn sau đây:
1Nắm rõ cách cài đặt bảo mật
Hầu như tất cả các trang web mạng xã hội đều có cài đặt bảo mật mặc định. Mọi người thường cảm thấy rằng những thiết lập này là không quá cần thiết và chưa thật sự nỗ lực để tìm hiểu và cân nhắc. Tuy nhiên, bước đầu tiên để giữ an toàn chính là nắm rõ các cài đặt cũng như giới hạn cho phép chủ tài khoản sử dụng. Nhằm tăng cường cơ chế bảo vệ tài khoản cá nhân, hiện nay các mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter… đều áp dụng tính năng xác thực 2 bước (two-factor authentication) – phương pháp buộc người dùng phải thực hiện hai bước để xác thực tài khoản. Ví dụ, khi bạn đăng nhập Facebook trên thiết bị không cùng địa chỉ IP, Facebook sẽ bắt người dùng nhập mã bằng cách gửi qua mail hoặc tin nhắn điện thoại. Bạn thậm chí có thể kiểm soát xem ai đăng nhập vào tài khoản của mình từ máy tính, điện thoại vào thời điểm cụ thể nào đó để nhận biết và đề phòng. Ngoài ra, hãy nhớ kiểm tra thường xuyên xem các cài đặt bảo mật của mình có bị thay đổi hay cập nhật hay không.
2Năm điều không được công khai
Không bao giờ chia sẻ công khai số chứng minh nhân dân (kể cả chỉ 4 con số cuối cùng), ngày sinh, địa chỉ nơi ở và quốc gia nơi bạn sinh ra. Không cần biết mạng xã hội bạn sử dụng là gì, hãy đảm bảo trang web đó cho phép bạn “giấu” những thông tin trên với các tính năng bảo mật cơ bản. Bên cạnh đó, hãy xóa hết những thông tin và hồ sơ như nơi làm việc hay trường học cũ. Nhiều trang web yêu cầu bạn phải nhập những thông tin này như là câu hỏi bảo mật, tuy nhiên, đây sẽ là cơ hội cho những ai đang cố tìm ra gợi ý mật khẩu của bạn.
3Kết nối giới hạn
Để đảm bảo an toàn, chúng ta chỉ nên kết bạn với những người mà mình quen biết, chỉ một cú click đồng ý kết bạn với một người xa lạ có thể ẩn chứa những mối nguy hiểm khôn lường. Tốt hơn, bạn chỉ nên giới hạn những người có thể kết bạn là những người có mối quan hệ trong phạm vi bạn quan tâm. Còn lại, hãy tắt đi chức năng kết bạn để những người xa lạ không thể dò ra “profile” của chính bạn trên thanh công cụ tìm kiếm hoặc gợi ý.
4Tránh chia sẻ vô tội vạ
Đi ăn, tập thể dục, tản bộ, khoe cún cưng… tất tần tật những gì bạn chia sẻ trên mạng xã hội có thể làm cho bạn lọt vào tầm ngắm của những kẻ theo dõi và lừa đảo. Hãy suy nghĩ kỹ càng trước khi chia sẻ bất cứ điều gì. Ngày nay, việc đăng trạng thái thậm chí không còn phổ biến khi mà Snapchat, Instagram còn cho phép bạn cập nhật “story” từng giây từng phút, việc bạn làm gì hay ở đâu sẽ hiển thị cả địa điểm và thời gian cụ thể nhất. Vì vậy, hãy tắt ứng dụng định vị GPS nếu như nó không thật sự cần thiết và hạn chế check-in ngay khi bạn đang ở địa điểm đó.
5Không liên kết tài khoản và cẩn thận ứng dụng của bên thứ ba
Nhiều trang web và ứng dụng cung cấp cho bạn tùy chọn “Đăng nhập bằng Facebook” chứ không phải tạo một tài khoản riêng mất thời gian. Nhưng bằng cách làm như vậy, mạng xã hội của bạn có thể chia sẻ tất cả thông tin về bạn, bao gồm ngày và nơi sinh, địa chỉ email và thông tin về việc làm cùng với tất cả ảnh và video mà bạn chia sẻ. Ngoài ra, khi bạn sử dụng một ứng dụng của bên thứ ba, nó sẽ yêu cầu quyền truy cập vào tài khoản của bạn. Hãy chắc chắn rằng ứng dụng này là hợp pháp và đọc kỹ chi tiết về những gì bạn đang cho phép ứng dụng truy cập vào.
6Bảo vệ máy tính và điện thoại di động
Giữ máy tính và điện thoại an toàn từ nội dung cho đến cài đặt. Cập nhật các chương trình phần mềm hiện có thường xuyên và đặt mật khẩu hoặc dấu vân tay, nhận diện khuôn mặt cho các thiết bị cá nhân của chính mình. Đảm bảo bạn biết cách đăng nhập vào iCloud hoặc Android để có thể tìm ra thiết bị bất cứ lúc nào nếu không may đánh mất.
Theo lời khuyên của các chuyên gia an ninh mạng, chúng ta nên tắt máy và đặc biệt ngắt kết nối wifi nếu không có nhu cầu sử dụng máy tính hay điện thoại vào ban đêm, đây là cách ngăn chặn các cuộc xâm nhập không mong muốn vào mạng máy chủ.
***
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Text: Hong Dang
Có thể bạn quan tâm: