Mùa Trăng lên cao sáng và tỏa dịu bầu trời sẽ khiến khoảnh khắc quây quần bên bữa tiệc gia đình càng thêm viên mãn. Cảm giác ngồi cạnh những người mà ta yêu thương, cùng đánh thức vị giác rồi gói kết bằng mẩu bánh nướng hòa trong vị trà sen đậm đà sẽ khiến lòng bạn mùa này như ấm lên từng phút…
Buổi Trăng tròn tháng Tám âm lịch dường như khiến người ta nhận ra mọi thứ đều chuyển động chậm rãi hơn và bình yên đến lạ, khiến cảm giác nơi tâm hồn bỗng đầy ắp yêu thương và nảy ra bao điều ý vị. Dịp này, tạp chí Nữ Doanh Nhân muốn gửi đến độc giả một thực đơn mới về bữa tiệc nhỏ để bạn và gia đình có thể cùng ngồi lại bên nhau thưởng thức hương vị mặn, thanh, ngọt, lành của ẩm thực mang sắc màu truyền thống. Đặc biệt, đây cũng là món quà nhỏ dành tặng những ai yêu gian bếp ấm cúng, yêu cảm giác say sưa chuẩn bị, cắt tỉa rồi bày trí thưởng thức từng món ngon cho chính mình và những người thân yêu trong những dịp đặc biệt. Sẽ tuyệt vời nhường nào khi cả gia đình cùng “xắn tay” vào bếp chuẩn bị bữa ăn có chút “cầu kỳ” hơn mọi ngày để đón đêm Trăng rằm tròn vạnh! Chỉ với những nguyên liệu gần gũi, các món ăn từ thịt, trứng, tôm càng, có nếp thơm, đậu hạt và rau củ sẽ khiến bữa ăn của bạn được thanh đạm, đẹp mắt nhưng vẫn đủ dinh dưỡng và đảm bảo cân bằng vị giác. Hơn nữa, lối pha tạo công thức mới lạ, hài hòa từ những nguyên liệu quen thuộc hẳn sẽ mang lại nhiều bất ngờ vừa ý nơi mỗi người thưởng thức…
Bánh Nhật Nguyệt
Bánh cuốn áp chảo nhân thịt (bánh Nhật tượng trưng cho mặt trời)
Nguyên liệu:
Bánh ướt (vỏ bánh cuốn): 12 cái | Thịt nạc heo xay: 150g | Nấm mèo thái sợi nhỏ: 20g | Hành tím bằm: 30g | Tỏi bằm: 10g | Củ năng thái hạt lựu: 40g | Gia vị: mắm, muối, bột nêm gà, tiêu, dầu ăn, mỡ hành.
Chế biến:
Phần nhân: Xào hành tím, tỏi bằm với dầu ăn ở lửa vừa phải trong 3 phút, rồi cho thịt heo xay vào xào cho đến thịt săn lại. Tiếp tục cho nấm mèo (nấm mèo tránh xào lâu) và củ năng vào xào rồi nêm nếm theo khẩu vị. Để nhân nguội rồi bắt đầu gói vào vỏ bánh được cắt tùy theo kích thước và sở thích. Áp chảo phần bánh đã gói (tránh bị nhiều dầu) đến khi vàng giòn 2 mặt sau đó trang trí thêm mỡ hành.
Bánh ít nhân nấm đậu xanh (bánh Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng)
Nguyên liệu:
Bột gạo nếp: 200g | Bột gạo tẻ: 50g | Đậu xanh không vỏ: 100g | Nấm tươi tùy thích: 50g | Nấm hương: 20g | Đường vàng: 150g | Đường trắng: 80g | Muối: 20g | Nước khoai môn tím: vừa đủ.
Chế biến:
Phần nhân: Đậu xanh không vỏ ngâm ít nhất 2 tiếng rồi nấu chín và nghiền mịn. Sau đó trộn đều cùng các loại nấm thái nhỏ đã được xào chín và nêm nếm vừa khẩu vị. Vo viên lại theo hình tròn. Đun đường vàng với 250ml nước cho đến khi hơi sánh rồi đổ từ từ vào hỗn hợp 2 loại bột. Tiếp tục trộn đều tay đến khi bột dẻo. Muốn món ăn bắt mắt hơn có thể đun nước khoai môn tím với đường để vỏ bánh có màu tím nhạt. Hấp phần bánh đã chuẩn bị trong 15 phút và dùng khi còn nóng, món ăn ngon hơn khi dùng kèm nước mắm chua ngọt.
Súp ánh trăng
Nguyên liệu:
Bí xanh: 1kg | Sò điệp cỡ lớn: 6 con | Gừng thái lát: 15g | Lòng trắng trứng: 2 quả | Nước dùng gà/heo: 1.5lít | Gia vị: muối, tiêu, hạt nêm gà, bột năng.
Chế biến:
Hấp nửa quả bí xanh đã gọt vỏ với nước dùng và gừng. Đợi bí chín mềm và cho vào máy xay mịn để tạo súp màu xanh cùng với nước dùng đã chuẩn bị. Đun sôi súp và nêm nếm gia vị tùy khẩu vị. Cho thêm bột năng tạo độ sánh của súp rồi nhẹ tay cho lòng trắng trứng gà vào để tạo vân mây và chờ súp chín hoàn toàn. Trang trí theo sở thích cùng với sò điệp đã áp chảo chín trước đó.
Tôm hấp vân mây
Nguyên liệu:
Tôm càng: 6 con | Lòng trắng trứng: 12 quả | Sữa tươi không đường: 150ml | Nước dùng gà/heo: 250ml | Tỏi phi: 20g | Gia vị: muối, tiêu, hạt nêm gà, bột năng, dầu mè.
Chế biến vân mây:
Đánh nổi lòng trắng trứng rồi chậm tay trộn đều với sữa tươi và 150 ml nước dùng từ gà. Cho hỗn hợp lên mặt đĩa (đường kính đủ lớn để đặt tôm lên trên ở các bước tiếp theo) và hấp trong 10 phút để tạo lớp thạch trắng như mây và giòn xốp như đậu hũ rán.
Chế biến tôm hấp:
Sơ chế tôm sạch sẽ và hấp chín vừa để giữ độ ngọt thanh của hải sản. Làm nước sốt từ 100ml nước dùng còn lại, tỏi phi và gia vị được nêm nếm theo khẩu vị. Đặt tôm đã hấp chín lên mặt đĩa vừa được tạo vân mây và cho nước sốt phủ đều khắp thân tôm. Trang trí với bố cục và màu sắc theo sở thích.
***
Bài viết và hình ảnh độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Cám ơn đội ngũ nhà hàng Hội An Sense đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chuyên mục này!
Độc giả đang đọc bài viết “Chút vị ngọt lành ngày phá cỗ” tại chuyên mục Du lịch & Ẩm thực của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm:
WASOKU – Nghệ thuật hài hòa và tinh túy của ẩm thực Nhật Bản