Bác sĩ Lê Đức Tuấn: “Luôn hết lòng vì bệnh nhân cấp cứu” - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Bác sĩ Lê Đức Tuấn: “Luôn hết lòng vì bệnh nhân cấp cứu”

Bác sĩ Lê Đức Tuấn đã khẳng định một cách rất hình ảnh nhưng cũng đầy quả quyết với chúng tôi trong một cuộc trò chuyện về nghề y: “Bác sĩ cần có cặp mắt đại bàng, trái tim sư tử và đôi tay phụ nữ”. Có lẽ đó cũng là một phần chân dung của chính ông trong vai trò bác sĩ khoa ngoại tổng quát, ngày ngày làm việc tại phòng cấp cứu Bệnh viện FV.

Bác sĩ ngoại khoa đa năng

Gặp BS Tuấn ngay sau một ca mổ cấp cứu, chúng tôi bị cuốn ngay vào các câu chuyện đầy kịch tính nhưng không kém nhân văn thông qua lối kể chuyện sôi nổi, cuốn hút và có chút khôi hài của ông. Công việc của bác sĩ cấp cứu là gì ư? Là luôn phải đối mặt với các tình huống khẩn cấp. Bệnh nhân vào viện với nguyên con dao cắm ngập trong cổ, được đưa đi cấp cứu với một cái tô úp lại trên cổ để máu bớt phọt ra sau cuộc ẩu đả phát sinh từ bữa nhậu. Là những tai nạn giao thông khiến nhiều bộ phận trên cơ thể bệnh nhân bị dập nát… Khẩn cấp, xử lý nhanh – đó là công việc mà ông và các đồng nghiệp của mình luôn xoay trở hàng ngày.FV2015_4949_resize

Với vai trò một bác sĩ ngoại khoa thường xuyên chinh chiến trong các tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” và cả những ca bệnh khó, Lê Đức Tuấn là một bác sĩ ngoại khoa đa năng, có thể mổ tuyến giáp, khối u lớn, ung thư, trĩ cho tới các dạng mổ cấp cứu. Có được khả năng này là nhờ gần 20 năm cầm dao mổ, tu nghiệp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, “chinh chiến” cấp cứu nhiều năm cho ông sự nhạy bén đặc biệt. “Bác sĩ ngoại khoa có liên quan tới phòng cấp cứu luôn đối mặt với những tình huống hết sức bất ngờ. Bên cạnh việc chữa bệnh trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, chúng tôi không ít lần phải thuyết phục người nhà bệnh nhân để cứu sống họ”, BS Tuấn chia sẻ..

Cách đây ít lâu, ông gặp một trường hợp khá đặc biệt: một ông bố người Hàn Quốc đưa con tới khám tại FV, BS Tuấn chẩn đoán bé bị viêm ruột thừa và đề nghị mổ. Tuy nhiên, gia đình có tâm lý không tin tưởng các bác sĩ Việt, họ chuyển đi khám ở bác sĩ Hàn Quốc. Câu chuyện tưởng dừng lại ở đó nhưng bỗng sau đó, gia đình đưa bé quay lại trong tình trạng cấp cứu nguy kịch. BS Tuấn và đồng nghiệp lúc này chỉ còn rất ít thời gian để cứu sống em bé bị viêm phúc mạc do ruột thừa viêm và vỡ mủ. Rất may ê-kíp của ông đã cứu sống bé trong gang tấc bằng biện pháp mổ nội soi.

Một trường hợp khác, BS Tuấn khám và chẩn đoán một phụ nữ bị viêm đại tràng và tràn mủ trong bụng, cần được mổ gấp. Quyết định của ông vấp phải sự phản đối của người chồng vì anh nghĩ tình trạng vợ mình không đến nỗi phải mổ. BS Tuấn vẫn nhẫn nại và cương quyết thuyết phục; thái độ hoài nghi của anh làm ông vô cùng sốt ruột bởi mỗi giây phút trôi qua là bớt đi cơ hội cứu bệnh nhân. Cuối cùng thì ông cũng thành công, tuy nhiên thời gian dành cho ca mổ đã bị thu hẹp nên ê-kíp mổ phải thao tác cực kỳ khẩn trương. Sau ca mổ, ông mới thấm cảm giác như mới “vừa đi trên dây xong”, nếu chỉ chậm thêm ít phút nữa rất khó biết chuyện gì sẽ xảy ra đối với kết quả ca mổ!

“Công việc ở phòng cấp cứu luôn đòi hỏi sự khẩn trương, chính xác, vì thế tôi thường hay nói đùa với đồng nghiệp rằng bác sĩ ngoại khoa phải có con mắt đại bàng, trái tim sư tử và bàn tay phụ nữ. Đôi mắt đại bàng tinh anh để nhìn nhận rõ tình huống; trong nhiều trường hợp, bác sĩ cần có sự dũng cảm, quyết đoán của sư tử. Tuy nhiên, việc thực hiện các ca mổ lại đòi hỏi sự nhẹ nhàng, khéo léo của đôi tay phụ nữ”, BS Tuấn chia sẻ như vậy về công việc của mình, đôi mắt ánh lên nét quả quyết. Chúng tôi hiểu rằng “trái tim sư tử” dũng cảm của bác sĩ phòng mổ cấp cứu phải rất lớn, bởi trong nhiều tình huống khẩn cấp, bác sĩ phải là người đưa ra quyết định thay cho bệnh nhân và người nhà của họ.

Nhiều đồng nghiệp của BS Tuấn còn nhớ một tình huống rất đặc biệt mà ông từng trải qua cách đây 1 năm. Trong một ca trực, ông tiếp nhận 1 sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng bị xe tải húc, hôn mê sâu, toàn thân xây xát, gãy tay, đùi cũng có dấu hiệu bị gãy. Bệnh nhân nguy kịch nhưng không có người thân nào bên cạnh để ký giấy phẫu thuật. “Nhìn cô gái trẻ thoi thóp, lịm dần, tôi không cam tâm. Tôi quyết định tự chịu trách nhiệm về ca mổ này, dùng tất cả năng lực và kinh nghiệm mình có để cứu sống cô ấy…”, BS Tuấn nhớ lại quyết định của mình khi đó.

Ca mổ là một thách thức lớn vì lá lách của bệnh nhân bị dập nát, ruột non bị đứt làm đôi, ruột già bị dập nhiều đoạn. Phải mất 6 tiếng đằng đẵng để ông thu gom từng mảnh vỡ của lá lách, cắt bỏ những phần bị dập và khéo léo khâu vá những mảnh vỡ. Sau đó, ông cắt và nối lại đoạn ruột bị dập vỡ và tiếp tục cầm máu cho tất cả những vùng bị tổn thương. Cho đến khi cô sinh viên hồi phục thì người nhà mới được báo tin, họ òa khóc biết ơn, coi ông là người đã sinh ra con họ một lần nữa.

Tự chịu trách nhiệm trước bệnh nhân trong các tình huống khẩn cấp chính là một tiêu chuẩn y đức quan trọng của người thầy thuốc. Tuy vậy, với BS Tuấn, người đối mặt với những tình huống sống còn của bệnh nhân, đó dường như chỉ là một công việc bình thường, và thật sự đó là công việc mà ông gắn bó và say mê.

hinh bac si Tuan_resize

Trong thời điểm khẩn cấp, tính mạng con người là quan trọng, bác sĩ phải bước ra khỏi sự cẩn trọng thông thường để bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân. Đó chính là trách nhiệm cao nhất của người thầy thuốc – BS Lê Đức Tuấn

Quyết định đúng giúp thay đổi mọi chuyện

Vì sao ông chọn trở thành bác sĩ phẫu thuật?

Gia đình lớn của tôi có truyền thống làm nghề giáo. Tôi thi vào Y hồi đó cũng vì câu “nhất y nhì dược”. Tuy vậy, khi vào trường, tôi may mắn gặp được những người thầy, người cô tốt làm tôi có động lực học tập mạnh mẽ. Tôi rất biết ơn những thầy giáo đáng kính như bác sĩ Nguyễn Thanh Minh, người mà tôi kính nể suốt cuộc đời. Hồi ấy sinh viên đi thực tập hiếm khi được vào phòng mổ để học vì không có đồ phòng mổ để mặc; thầy Minh dù 12 giờ đêm vẫn đưa tôi đi mượn đồ. Từ đó, tôi say mê với nghề cầm dao mổ.

Ông có thể kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất của mình?

Sau khi ra trường, tôi được phân công về một bệnh viện tỉnh, nơi mà mọi thứ không thể so sánh với các bệnh viện ở Sài Gòn. Ngày đầu tiên chúng tôi gặp 1 ca sinh khó, tôi quyết định mổ, khiến mọi người đều thấy… hết hồn với anh bác sĩ mới toanh này. Tuy nhiên, ca mổ thành công tốt đẹp, người nhà bệnh nhân mừng lắm. Họ xuống căng-tin làm gà, nấu cháo, mời ê-kíp mổ ăn rất thân tình. Trong lúc ăn, tôi quay sang hỏi điều dưỡng phụ mổ: “Em có đếm gạc kỹ không?”. Cô thủng thẳng đáp: “Bác sĩ mổ thì bác sĩ biết chứ em sao biết được?”. Câu trả lời khiến miếng thịt gà nghẹn đứng giữa cổ tôi… Rất may không có sai sót gì xảy ra, nhưng có lẽ vì thế mà sau này tôi là người yêu cầu điều dưỡng đếm gạc sau ca mổ rất kỹ, đếm xong đổ ra đếm lại tới mấy lần!

Được biết phòng cấp cứu FV luôn được đặt trong tình trạng sẵn sàng với đội ngũ bác sĩ giỏi túc trực để xử lý tình huống kịp thời. Thường xuyên phải xử lý những ca thập tử nhất sinh, bác sĩ có cảm thấy bị áp lực hay không?

Thực tình, tôi rất yêu công việc ở phòng mổ cấp cứu. Ngày nào không mổ thì thấy bần thần, thiếu thốn. Cảm giác này làm tôi nhớ đến một người thầy rất tận tụy với nghề, thường tìm kiếm các ca để mổ khiến sinh viên chúng tôi hồi đó thường đùa: ông thầy mình có “say máu” không mà lùng sục các ca mổ hoài(!?). Giờ đây chúng tôi hiểu rằng công việc này đem lại cho người bác sĩ sự tưởng thưởng. Bệnh nhân đến trong tình trạng thập tử nhất sinh, quyết định đúng của mình sẽ thay đổi mọi chuyện. Làm một công việc có ý nghĩa khiến tôi có cảm giác gắn bó và muốn được cống hiến nhiều hơn.

Cảm ơn bác sĩ!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

 

Comment