“Em lên giúp bảng kế hoạch chi tiết, sẽ bồi dưỡng 500% lương ngày nhé”, “Chị cần có số liệu ngay trong hôm nay, chi phí bao nhiêu không thành vấn đề”… Những lời mời ngọt lịm tưởng đủ khiến mình hoa mắt, ai dè vẫn chốt hạ:“Em bận quá”. Kỳ thực hôm đó, mình chả làm gì ngoài đi dự tiệc…
Bạn nói mình đích thị nghiện tiệc tùng? Mọi người đều bảo thế, và mình tất nhiên chưa bao giờ phủ nhận nó! Cuộc sống luôn cần sự tươi mới và tiệc tùng luôn giúp mình có cảm giác được sống cho bản thân một cách đúng nghĩa.
Cớ sao lại khoác tiếng xấu cho tiệc tùng
Chỉ còn nửa tiếng nữa là đến tiệc tri ân khách hàng vậy mà vẫn còn cả đống việc ngổn ngang trước mặt: Nào báo cáo ngày, nào tổng hợp lượng truy cập, nào tính hiệu suất… Mà rặt cái, việc nào cũng gấp, cũng phải hoàn thành trước giờ tan sở mới oái oăm. Những lúc như thế này chỉ ước có 10 tay, 2 đầu và vài cái máy tính… Cơ mà vẫn thấy phấn chấn lắm, tối nay, toàn “cạ cứng”, dự là xõa tưng bừng đến nửa đêm đây.
Ôi những ngày tháng tiệc tùng. Hôm trước vừa “quẩy” tưng bừng đến nửa đêm sau lễ tổng kết dự án. Hôm qua tiếp tục với liên hoan nhóm. Tối nay là vậy. Ngày mai, ngày kia và sau nữa lịch cũng đã cố định: gặp mặt cuối năm, tiệc Giáng Sinh, tổng kết cuối năm, liên hoan công ty…
Cầm chắc hết tuần này, mà có khi hết tháng này đều báo lỗi cơm nhà. Cuối năm nào chả vậy, đâu chỉ có tiệc tùng ở công ty, bạn bè và trăm mối quan hệ ngoài cũng nở rộ tiệc. Mà ngẫm lại cái nào cũng cần thiết, cũng không thể bỏ… Mà lạ lắm, tiệc tùng cứ như tiếp cho mình liều dopping, cả ngày làm việc quần quật với tốc độ gấp đôi, gấp rưỡi cho… kịp giờ, người rã rời. Ấy vậy mà sát đến giờ tiệc, thấy vài cái tin nhắn rủ rê của “đồng bọn” là lại thấy hừng hực sức sống, lại xúng xích váy áo, kẻ lại môi, viền lại mắt để… lên đường.
Người bảo mình ham chơi, kẻ gắn cho mác nghiện tiệc tùng. Không sai. Mình từng bỏ cả thù lao làm thêm giờ tiền triệu vì một buổi tiệc. Từng bị sếp mắng cho mất mặt vì bỏ việc đi chơi… Nhưng mặc kệ, với mình làm việc là để sống chứ không phải… để chết. Bởi vậy, mình “ngưỡng mộ” vô cùng mấy anh chị bám văn phòng suốt 8 tiếng mỗi ngày, đều đặn như vắt chanh, ăn cơm nhà 7 ngày/tuần và ngày nào cũng chỉ một con đường duy nhất: từ nhà đến công sở, từ công sở về nhà.
Mình mà như thế chắc… chết, chết vì tẻ nhạt, vì mòn mỏi.
Giới doanh nhân vẫn truyền nhau rằng vô vàn các hợp đồng làm ăn đều nảy sinh từ những bữa tiệc, rằng những mối lương duyên trong làm ăn đều bắt đầu trong ánh đèn đêm hội. Đó là chuyện của sếp còn với mình, một nữ nhân viên, thì đơn giản tiệc tùng là nơi tái sinh năng lượng và cảm hứng cho ngày mới.
“Trong tiếng nhạc dìu dặt và tiếng nói cười sảng khoái, mình thấy lòng thật vui sướng hạnh phúc, tâm hồn bay bổng, mắt bừng sáng lấp lánh, miệng cười không dừng lại được và trái tim ngập tràn tình yêu”.
Trong những căn phòng đẹp đẽ với không khí quảng giao, cuốn hút của những gương mặt mới, cũ, mình thấy thư giãn vô cùng. Trong tiếng nhạc dìu dặt và tiếng nói cười sảng khoái, mình thấy lòng thật vui sướng hạnh phúc, tâm hồn bay bổng, mắt bừng sáng lấp lánh, miệng cười không dừng lại được và trái tim ngập tràn tình yêu. Ở đó, mình như biến thành một con người khác, trẻ trung, phá cách và thoát hẳn khỏi bộ mặt nghiêm túc, căng thẳng của những giờ ngồi công sở. Mình gặp được thêm những người mới, lắng nghe trải nghiệm của họ và rồi để thấy rằng những khó khăn trong công việc hàng ngày là chuyện nhỏ, thấy bao dung hơn với những thói đố kỵ công sở, nhỏ nhen của đồng nghiệp. Và đôi khi mình cũng có được cơ hội làm thêm, những lời mời hợp tác để tự tin nhảy việc khi cần. Vậy cớ sao nhiều kẻ lại thích khoác tiếng xấu cho tiệc tùng?
“Vớ bở” từ những bữa tiệc
Nếu cứ theo cách tính của cô đồng nghiệp kế bên, một tháng cuối năm, nếu cộng thù lao làm thêm giờ với lương hiệu suất lao động và tiền bồi dưỡng thì thu nhập một tháng cuối năm sẽ gấp đôi, gấp ba tháng trong năm. Chưa kể nếu nhận làm thêm và chạy các công việc thời vụ nữa thì khỏi phải bàn, thu nhập cứ gọi là chót vót. Bảo sao, cuối năm bao vụ tiếp khách, giấy mời của công ty cứ là dồn về mỗi một mình mình.
Những kẻ ở lại đổ thừa lý do mình trẻ, mình độc thân hợp với tiệc tùng, nhưng mình thừa biết trong khi mình xúng xính váy áo dự tiệc họ chọn ở lại “cắm mặt” vào máy tính để… cày tiền. Nhưng kệ, đó là lựa chọn, là niềm đam mê bất tận của mình. Trong cuộc sống vốn dĩ quá ồn ào, phức tạp, đôi khi buồn tẻ và rất dễ dẫn đến stress này, ai chẳng cần đến niềm đam mê riêng để thổi bừng những hứng khởi và mang đến sự cân bằng cần thiết.
Có kẻ cười khẩy rằng mình phù phiếm đến khờ khạo khi suốt ngày la đà tiệc tùng để lỡ mất những cơ hội kiếm tiền nhưng nói không phải chê, mình thấy họ mới khờ. Một cách nôm na thế này, trong một công ty, cứ thử nhìn vào thời gian biểu, rõ ràng thấy công nhân, nhân viên là đối tượng bó buộc với trụ sở làm việc nhiều nhất. Họ rất thạo việc nhưng khi rời công việc quen thuộc là họ lơ ngơ như… bò đội nón…Mình không chăm, hiển nhiên, với một người ham vui như mình, cuối tháng nào cũng chỉ dám nhận mức hoàn thành đủ định mức công việc. Thu nhập từ công ty của mình vì vậy cũng thấp hơn khối người. Nhưng ai biết thu nhập ngoài của mình có khi gấp vài lần lương. Những mối quan hệ chằng chịt đã mở ra cho mình vô vàn cơ hội kiếm tiền và mình chỉ đơn giản chọn mối nào hời nhất. Thú vị hơn nữa là mình được tiếp xúc và trải nghiệm với nhiều loại việc khác nhau. Vậy nên khi công ty gặp khó khăn, trong khi những người chăm chăm bám văn phòng lo sốt vó thì mình lại điềm nhiên vì đang sẵn có vô vàn lời mời hợp tác mà không đâu khác chính từ những người bạn mình quen trong các bữa tiệc. Ai bảo ham chơi là vô bổ và tiệc tùng là phù phiếm?!.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN