“Săn đón” nhân sự giỏi, quản lý và thúc đẩy họ – những con người với rất nhiều xúc cảm phức tạp luôn khiến các nhà quản lý băn khoăn, đặc biệt trong một ngành dịch vụ mà lao động nữ chiếm số lượng áp đảo như giáo dục, tuy nhiên quý ông Michel Le Quellec đã có một cách vẹn toàn để giải quyết điều này.
1Lý do khiến ông quyết định thành lập Wall Street English Việt Nam cách đây 2 năm là gì, phải chăng ông đã nhìn thấy cơ hội phát triển lớn ở thị trường này?
Cách đây 13 năm tôi đã làm việc với tập đoàn giáo dục Pearson để đưa Wall Street English đến Thái Lan, sau đó là Indonesia và Hong Kong. Lý do đầu tiên để thành lập Wall Street English Việt Nam bắt nguồn từ việc tôi có hai con nuôi là người Việt Nam. Tôi thường đưa gia đình đến Việt Nam để các con hiểu hơn về nơi mình được sinh ra. Mỗi lần như vậy, tôi nhận thấy người Việt có nhu cầu cần học tiếng Anh rất cao, nhất là những người trẻ. Cũng như những thị trường khác trong khu vực, tôi nhận thấy Việt Nam có tiềm năng lớn và sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ không có nhiều đối thủ cạnh tranh bởi hầu như không có trường nào chuyên dạy tiếng Anh dành riêng cho người lớn với phương pháp như Wall Street English, do vậy tôi càng quyết tâm thuyết phục Pearson để đưa Wall Street English về Việt Nam. Tại thời điểm đó, tôi rất tin tưởng vào quyết định của mình.
2Thế khi Wall Street English chính thức hoạt động và va chạm thực tế, ông có gặp khó khăn nào không?
Những khó khăn buổi ban đầu chủ yếu gồm hai vấn đề. Thứ nhất là tìm được vị trí tốt, với tôi, trong kinh doanh vị trí tốt rất quan trọng. Vì thế, tôi đã dành nhiều thời gian và công sức để theo đuổi những tòa nhà có lợi thế tốt về mặt địa điểm cũng như dân cư. Khi tìm được những vị trí chiến lược, phải thuyết phục chủ đầu tư để có thể mở trường theo mô hình hoàn toàn mới của Wall Street.
Khó khăn thứ hai là thủ tục, giấy phép. Tôi mất khá nhiều thời gian và gặp khó khăn hơn so với các nước từng mở trường. Tuy nhiên, vì đã có kinh nghiệm nên có những vấn đề với người khác sẽ khó nhưng tôi vượt qua dễ dàng hơn. Có một điều đặc biệt tôi muốn chia sẻ đó là, tôi rất tự hào về lực lượng lao động tại đây. Rất dễ để tìm được người giỏi, người biết làm việc và chịu khó làm việc còn những điều khác tôi sẽ dùng kinh nghiệm của mình bù đắp cho họ. Khi tuyển được người, tôi huấn luyện và trao cho họ sự tự tin để họ có thể trở thành những đại diện cho thương hiệu của trường. Chúng tôi có hệ thống đào tạo bài bản, do vậy những người trẻ khi bắt đầu sự nghiệp tại Wall Street English sẽ rất tốt cho sự phát triển trong tương lai.
3 Cụ thể hơn, ông có thể cho biết các nhân sự nữ tại Wall Street English Việt Nam chiếm tỉ lệ thế nào và họ có cơ hội phát triển ra sao? Khi trao quyền cho họ, chắc hẳn ông cũng sẵn sàng chia sẻ những dự định quan trọng?
Chắc chắn rồi! Bởi tôi luôn muốn họ có thể làm tốt nhất công việc của mình. Không chỉ ở Việt Nam, mà tại Wall Street English ở các quốc gia khác tôi đều nhận thấy nhân sự nữ thường làm tốt hơn nam giới. Đây là ngành dịch vụ đòi hỏi sự chăm chút, kỹ lưỡng, quan tâm đến những chi tiết và để làm tốt, cần phải có độ nhạy về mặt cảm xúc đủ để có thể hiểu người khác và làm cho người khác thấy hạnh phúc, vui vẻ. Công việc này cũng đòi hỏi sự kiên trì, vốn là một trong những ưu điểm của giới nữ. Mặt khác, phụ nữ với thiên chức làm mẹ, chăm sóc, dạy dỗ con cái cũng thường quan tâm nhiều đến giáo dục hơn các ông bố, vậy nên khi tham gia lĩnh vực này tự thân họ đã cảm thấy hạnh phúc.
Ở Việt Nam hiện có 4 trung tâm Wall Street English thì có đến 3 trung tâm có giám đốc là nữ. Nhân sự nữ đảm nhận chức vụ Giám đốc phòng ban, Phó giám đốc trung tâm cũng chiếm phần lớn và tại các bộ phận khác, nhân viên nữ có số lượng áp đảo.
4Thế ngoài những đức tính nổi bật trên, ông có nhận xét gì về tư duy kinh doanh, cách họ tiếp nhận và thực hiện những chiến lược do ông đưa ra? Và khi họ gặp khó khăn, ông đã hỗ trợ thế nào?
Tôi nghĩ rằng, vấn đề tư duy chiến lược không phải là yếu tố quyết định ở lĩnh vực kinh doanh dịch vụ giáo dục như Wall Street English. Tôi cho rằng, các lãnh đạo nữ của trung tâm cần đảm bảo môi trường làm việc tốt, làm cho nhân viên cũng như các khách hàng hạnh phúc. Muốn vậy, họ phải huấn luyện, đào tạo, khuyến khích, thúc đẩy nhân viên cấp dưới, đồng thời làm cho khách hàng – những người lớn vốn mang rất nhiều trách nhiệm xã hội bên ngoài mỗi khi đến trung tâm đều thú vị và vui vẻ với việc học.
Còn khó khăn, có lẽ là áp lực bán hàng và những vấn đề kỹ thuật. Khối bán hàng và dịch vụ có áp lực rất lớn vì phải mang học viên đến trung tâm, khiến cho học viên hào hứng và không bỏ cuộc giữa chừng. Họ phải theo dõi học viên rất sát sao, hỗ trợ kịp thời để học viên chinh phục mục tiêu học tập. Về những vấn đề kỹ thuật, các quản lý nữ cũng phải biết cách tổ chức sự kiện, thiết lập hệ thống theo dõi học viên tốt hơn… Với những điều này, tôi tự tin rằng những nữ lãnh đạo cấp dưới mình có thể huấn luyện tốt cho nhân viên. Đặc biệt, tháng 11 này chúng tôi cũng đưa về một sản phẩm hoàn toàn mới – Havard Manage Mentor. Đây là chương trình học trực tuyến chuyên sâu về phát triển năng lực lãnh đạo, nâng tầm thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay.
Với Havard Manage Mentor, mục tiêu của tôi là để các nhân viên của mình được học và phát triển chính bản thân họ chứ không chỉ vì công việc phục vụ Wall Street English. Ngoài ra, đây cũng là giáo trình tuyệt vời cho hơn 60% học viên tại trung tâm – những chủ doanh nghiệp và người làm trong lĩnh vực kinh doanh – mang đến sự hoàn hảo về kiến thức, kỹ năng lẫn bằng cấp.
“Tôi không muốn nhân viên chỉ làm việc ngày qua ngày mà phải hướng đến mục tiêu cao nhất trong cuộc đời mình, đó sẽ là động lực mạnh mẽ cho họ”.
Chương trình được thiết kế bởi 38 vị cố vấn là các học giả trứ danh trong lĩnh vực nghiên cứu – giảng dạy và các nhà lãnh đạo tên tuổi trên thương trường quốc tế, tập trung vào 3 trọng tâm phát triển năng lực với 41 chủ đề là những thách thức thực tế mà các nhà quản lý, lãnh đạo đang phải đương đầu hằng ngày hằng giờ. Học viên bắt buộc trải nghiệm đầy đủ vòng tròn tiếp thu “Học hỏi – Thực hành – Suy ngẫm” trong mỗi bài học thuộc từng chủ đề (3-6 bài học/chủ đề). Khi kết thúc mỗi chủ đề, học viên được yêu cầu thiết lập mục tiêu và kế hoạch hành động để ứng dụng (On-the-job) ngay trong thực tế.
Bên cạnh hình thức học trực tuyến thông qua các Bài học đa phương tiện với hình thức đa dạng như video clip, bảng biểu, sơ đồ, các công cụ chuyên biệt, học viên sẽ được kết hợp học qua thảo luận thực tế thông qua hoạt động café được dẫn dắt bởi các giáo viên và chuyên gia từ Wall Street English
5Thế còn vấn đề về con người với rất nhiều cảm xúc và mối bận tâm khác ngoài công việc, ông làm cách nào để họ luôn hài lòng và đảm bảo hiệu quả công việc?
Tôi cũng cho rằng, khó khăn quan trọng nhất liên quan đến con người chính là mặt cảm xúc. Phụ nữ thường phải đối diện với nhiều cảm xúc về gia đình, xã hội, các mối quan hệ. Phương châm của tôi là ngăn ngừa trước khi nó xảy ra bằng cách chính mình tổ chức đào tạo cho từng nhóm nhân viên mới trong vòng 1 tuần liền về việc thiết lập mục tiêu lớn trong cuộc đời. Tôi chia sẻ và giúp họ hiểu được cơ chế cảm xúc, lý do xuất hiện và quản trị cảm xúc như thế nào để luôn giữ được tinh thần và nhiệt huyết cao. Nhiều nhân viên cũng tỏ ra bất ngờ khi được yêu cầu viết ra những mục tiêu của cuộc đời vào từng giai đoạn thời gian… Tôi không muốn nhân viên chỉ làm việc ngày qua ngày mà phải hướng đến mục tiêu cao nhất trong cuộc đời mình, đó sẽ là động lực mạnh mẽ cho họ. Mặt khác, khi đối mặt khó khăn trong quá trình làm việc, họ sẽ nhớ lại những bí quyết từng được tôi chia sẻ và tìm ra cách vượt qua chúng.
6Ngoài sự quan tâm dành cho các nữ nhân viên, ông có thể chia sẻ thêm về những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mình, những người đã mang lại nguồn cảm hứng cho ông?
Có năm người phụ nữ đã đi qua cuộc đời tôi và để lại những dấu ấn quan trọng. Đầu tiên là cô bạn gái khi tôi 13 tuổi. Tiếp đến là người phụ nữ tôi đã đính hôn khi 21 tuổi nhưng sau đó chia tay vì chúng tôi không có cùng quan điểm và cách nhìn. Ba người còn lại là mẹ, vợ và con gái tôi. Mẹ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời, tôi khâm phục bà vì có thể cùng lúc đảm trách hoàn hảo cả hai vai trò làm vợ và làm mẹ. Chính mẹ cũng là hình mẫu phụ nữ mà tôi muốn cưới làm vợ.
Khi gặp vợ tôi, Christine, ngay từ lần đầu tiên tôi đã tự nhủ, cô ấy chính là người mình vẫn tìm kiếm. Chúng tôi không chỉ có chung quan điểm sống, cách nuôi dạy con cái mà còn dễ chia sẻ với nhau mọi thứ. Cô ấy luôn ủng hộ và giúp đỡ tôi. Tôi nhớ, khi quyết định thành lập Wall Street English đầu tiên tại Thái Lan, tôi rất lo lắng và mâu thuẫn bởi trách nhiệm chăm lo chu toàn cho gia đình, mang lại cuộc sống đầy đủ cho người thân và mơ ước làm điều gì đó khác và lớn hơn. Khi biết được điều đó, cô ấy đã luôn sẵn sàng đồng hành và tin tưởng tôi. Chúng tôi đã bán căn hộ tại Pháp để chuyển đến Thái Lan, mua căn nhà nhỏ hơn, tiện nghi cũng không bằng… Riêng vợ tôi đã bỏ việc làm tốt, chấp nhận chậm lại một bước để hỗ trợ tôi nhiều hơn trong các dự án Wall Street English. Cô ấy rất quan trọng với tôi, tôi thường gọi Christine là “Pomme Dapi” (trong tiếng Pháp có nghĩa là quả táo nhỏ – PV). Văn phòng làm việc của tôi luôn có sẵn bàn riêng cho cô ấy.
Vâng, cảm ơn ông, rất thú vị!
Quý ông Michel Le Quellec rất yêu thích thể thao và chơi giỏi nhiều môn. Điển hình như lặn biển, tennis ở cấp độ huấn luyện viên. Thậm chí ông từng kiếm được nhiều tiền hơn cả bố mình, một bác sĩ phẫu thuật – khi ông làm huấn luyện viên tennis tại trường đại học. Ngoài ra, ông rất đam mê chụp ảnh, thường cùng vợ chụp cảnh thành phố lúc về đêm và là một quý ông người Pháp thích chạy xe máy trên đường phố Sài Gòn đông đúc.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Text: THANH XUÂN – Photo: VINH VLK – Make-up: VIỄN DƯƠNG