Vòng đời nhân viên: Cách giữ chân và phát triển nhân tài bền vững

Vòng đời nhân viên: Cách giữ chân và phát triển nhân tài bền vững

Vòng đời nhân viên được xem là hành trình của một nhân viên từ khi họ bắt đầu làm việc tại một công ty. 

Vòng đời nhân viên (Employee Lifecycle, viết tắt: ELC) là một phương pháp tổ chức trực quan hóa cách quản lý nhân viên phù hợp. Mô hình này giúp người sử dụng lao động hiểu được giá trị và những đóng góp của người lao động. Thêm vào đó, mô hình vòng đời nhân viên còn giúp người sử dụng lao động xác định những thay đổi cần thực hiện để quản lý nhân viên tốt hơn. Khi những người sếp hiểu rõ về điểm mạnh, điểm yếu, cũng như là những kỳ vọng của nhân viên, sẽ giúp họ ủy thác công việc và nhiệm vụ một cách phù hợp hơn cho từng nhân sự. Việc tạo ra mô hình vòng đời nhân viên bắt nguồn từ ý tưởng cho rằng trải nghiệm của nhân viên cũng quan trọng như của khách hàng. Và điều đó cần được thực hiện ở bất kể quy mô công ty lớn nhỏ nào. 

6 giai đoạn của vòng đời nhân viên

Thấu hiểu các giai đoạn của vòng đời nhân viên là điều cần thiết để quản lý hiệu suất và khả năng phát triển của nhân viên. 6 giai đoạn của vòng đời nhân viên là:

1. Sự hấp dẫn

Điều này đề cập đến việc thu hút những nhân tài tiềm năng đầu quân vào doanh nghiệp. Để chiêu mộ những nhân viên giỏi vào làm việc tại các vị trí trọng yếu trong công ty, bạn cần phải có một chiến lược thu hút nhân tài hấp dẫn, chẳng hạn như: cung cấp các phúc lợi và lương thưởng cạnh tranh cho nhân viên; thúc đẩy văn hóa công ty và môi trường làm việc lành mạnh và nâng cao nhận thức về sự phát triển của thương hiệu. 

2. Tuyển dụng 

Tuyển dụng không chỉ là việc thuê tạm bợ những người mới để lấp đầy vào các chỗ trống trong công ty. Mà còn là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tuyển chọn ra những nhân tài phù hợp với đường lối của doanh nghiệp. Để làm được điều đó, hãy bắt đầu với một bản mô tả công việc rõ ràng và sự thống nhất về kinh nghiệm yêu cầu đối với các ứng viên. Điều này sẽ giúp bạn hợp lý hóa quá trình xét duyệt hồ sơ và phỏng vấn. Ngoài ra, việc xác định rõ những kỳ vọng của hai bên sẽ tránh làm mất thời gian cho bạn và cả các ứng viên.  

3. Giới thiệu

Ngày đầu tiên làm việc có thể khiến những nhân viên mới cảm thấy căng thẳng. Vì vậy, có một quy trình giới thiệu và đào tạo nhân tài hiệu quả sẽ giúp nhân viên nhanh chóng thích nghi với môi trường làm việc mới. Khi giai đoạn chuyển tiếp này diễn ra suôn sẻ, mọi người sẽ cảm thấy được hoan nghênh và háo hức bắt đầu đóng góp vào công việc. Trong quá trình đào tạo nhân viên mới, họ chắc chắn sẽ cần:

  • Được biết về trách nhiệm và công việc chuyên môn của mình.
  • Đánh giá động lực làm việc của các đồng nghiệp đi trước.
  • Hiểu được giá trị công ty và kỳ vọng công việc.
  • Thường xuyên nhận được phản hồi và đánh giá hiệu suất làm việc từ cấp trên.  

4. Phát triển

Phát triển nhân viên là bước quan trọng đầu tiên để đưa doanh nghiệp của bạn tiến xa hơn. Nhân viên vui vẻ và ra sức cống hiến hết mình cho doanh nghiệp chính là một nền tảng vững chắc cho bất kỳ tổ chức thành công nào. Giai đoạn này nhấn mạnh đến sự phát triển toàn diện về chuyên môn, chủ yếu là cải thiện và nâng cao các kỹ năng cá nhân của một nhân viên mới. Một số phương pháp để những nhà quản lý có thể thúc đẩy sự phát triển chuyên nghiệp của nhân viên bao gồm: 

  • Khuyến khích nhân viên tham gia những sự kiện, hội nghị bên ngoài để học hỏi, cải thiện nhiều kỹ năng mới.  
  • Cung cấp sự cố vấn, hỗ trợ cho nhân viên. 
  • Công nhận và khen ngợi trước những cống hiến của nhân viên.

5. Giữ chân

Giữ chân nhân tài hay những nhân viên lâu năm nhấn mạnh đến sự hài lòng và hạnh phúc của họ trong công việc. Người lao động nên cảm thấy bản thân vừa có thể làm việc hiệu quả và vừa được thử thách, học hỏi trong vai trò của mình. Nếu nhân viên của bạn thiếu một trong những kỳ vọng công việc trên, rất có thể tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên sẽ tăng lên rất cao. Với tư cách là một nhà quản lý, bạn cần liên tục thúc đẩy tinh thần đồng đội và củng cố các mối quan hệ công việc sâu sắc. Nếu bạn hoàn toàn không biết gì về nhân viên của mình như: sự kỳ vọng của nhân viên; yếu tố thúc đẩy sự phát triển và thế mạnh tiềm năng của họ. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ rất khó để xây dựng một đội nhóm làm việc tận tâm và hiệu quả.

Nhân viên phải cảm thấy yêu thích và xứng đáng với vị trí công việc của mình. Ngoài ra, họ còn phải cảm thấy bản thân mình luôn được lắng nghe và phát huy hết giá trị của bản thân. Chỉ như vậy mới có thể làm gia tăng mức độ tin cậy của nhân viên để họ hết mình ra sức cống hiến cho doanh nghiệp. 

6. Tách biệt

Tách biệt có thể được xuất hiện trong giai đoạn giới thiệu ban đầu hay nằm trong giai đoạn cuối cùng của một vòng đời nhân viên. Đến một thời điểm nào đó trong đời, mọi người đều tìm kiếm và đòi hỏi một đích đến và cuộc sống mới. Sự tách biệt và thay đổi có thể xảy ra dưới nhiều hình thức như: tìm một công việc mới, thay đổi nghề nghiệp, nghỉ hưu hoặc rời đi vì lý do cá nhân. Người sử dụng lao động có trách nhiệm tạo ra một quá trình chuyển đổi suôn sẻ khi một nhân viên đệ đơn nghỉ việc. Sau khi một người rời đi, động lực nội bộ của nhóm sẽ ít nhiều có sự ảnh hưởng. Hãy đảm bảo rằng những nhân viên ở lại vẫn cảm thấy lạc quan để tiếp tục tiến về phía trước dưới sự vắng mặt của một nhân viên chủ chốt. Việc thu thập phản hồi của nhân viên có thể hữu ích để thấu hiểu về cảm nhận của họ về một sự thay đổi, điều chỉnh hay các quyết định mới từ cấp trên.  

Tại sao vòng đời nhân viên lại quan trọng?

Người lao động là tiền tuyến và nếu không có họ, một tổ chức không thể tồn tại và mở rộng. Đó là lý do tại sao vòng đời nhân viên lại được chú trọng đến vậy. Công việc của mọi công ty là chăm sóc nhân viên của họ. Và vòng đời nhân viên là một công cụ hữu hiệu cho mọi nhà tuyển dụng. Nó cho phép họ có được một cái nhìn sâu sắc và những thông tin hữu ích trong việc thực hiện những thay đổi cần thiết trong tương lai.  

Bằng cách áp dụng mô hình vòng đời nhân viên, các doanh nghiệp có thể khai thác tiềm năng của nhân viên một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, nhân viên sẽ có sự tin tưởng, hợp tác và cống hiến tốt hơn cho công ty. Cuối cùng, họ sẽ cảm thấy giá trị của mình được nâng cao hơn khi được làm việc dưới một tổ chức phù hợp, luôn quan tâm đến tiếng nói và kỳ vọng của nhân viên.

Thực hiện phương pháp vòng đời nhân viên đôi khi lại khó khăn hơn chúng ta vẫn nghĩ. Không dễ để chiêu mộ những nhân tài cho doanh nghiệp và việc giữ chân họ lại là một vấn đề nan giải khác. Nhưng, nếu bạn nghĩ rằng tất cả chúng ta đang cùng ở trên một chiếc thuyền để hướng tới những đỉnh cao mới cho doanh nghiệp, thì bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn khi có thể mang đến những cơ hội tốt nhất cho nhân viên của mình.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment