Trà đạo là một trong những nét đặc sắc trong nền văn hóa Trung Quốc. Phong tục uống trà tại Trung Quốc, thậm chí, còn lan rộng sang châu Âu và nhiều khu vực khác thông qua “con đường tơ lụa” trong thời cổ đại.
Đất nước Trung Quốc đã viết nên một trang chói lọi cho văn hóa trà trong lịch sử văn minh thế giới. Việc phát triển và quảng bá trà là một trong những đóng góp chính của Trung Quốc đối với thế giới. Trà đạo tượng trưng cho tinh thần, linh hồn của văn hóa trà và đó cũng đại diện cho phong cách sống của người Trung Quốc. Trà đạo mang đến cho mọi người cơ hội thưởng thức và đánh giá cao những nét đẹp của trà. Uống trà thực chất là một thú thưởng thức tinh thần, một nghệ thuật hay một phương tiện để tu dưỡng nhân cách đạo đức của con người. Nói chung, bốn tinh thần cơ bản của Trà đạo Trung Quốc là: tôn vinh, vẻ đẹp, hài hòa và tôn trọng, có nghĩa là tôn trọng mọi thứ xung quanh bạn, đánh giá cao vẻ đẹp của thiên nhiên, theo đuổi sự hài hòa và tôn trọng con người và cuộc sống.
Một buổi trà đạo có thể làm đầu óc sảng khoái và suy nghĩ sáng suốt. Sự tinh tế của trà đạo được nhìn nhận qua 3 yếu tố: vị trí ngồi, số lượng người và sự đa dạng của trà. Ví dụ, trà xanh, tốt nhất nên được đựng trong một chiếc bình trong suốt không màu; một ấm trà Zisha bằng đất sét tím tinh luyện sẽ rất tuyệt vời dành cho trà ô long; trong khi trà ướp hương nên được uống từ những chiếc bát có nắp đậy để tránh làm mất mùi thơm. Xin mời các độc giả cùng tìm hiểu những nghi thức đặc biệt trong văn hóa trà đạo Trung Quốc do Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp sau đây.
Vị trí ngồi quy định
Ngày nay, ít người biết đến các nghi thức trong quán trà truyền thống của Trung Quốc. Thông thường, bên tay trái của chủ nhà chính là vị khách danh dự, quan trọng đầu tiên. Thông thường, vị trí này thuộc về những khách quý hay những vị bô lão lớn tuổi. Tầm quan trọng của các ghế sẽ theo thứ tự giảm dần từ trái sang bên phải của chủ nhà. Nếu có sự chênh lệch về tuổi tác giữa những vị khách quý này, phụ nữ sẽ được ưu tiên xếp vào những vị trí hạng cao hơn. Việc ngồi đối diện với chủ nhà được xem là không thích hợp; trường hợp duy nhất cho phép điều này đó là lúc không còn ghế nào khác và không gian này chỉ có trẻ em mới có thể sử dụng.
Phục vụ người khác trước chính mình
Mặc dù điều này cũng áp dụng cho với các quy tắc ăn uống thông thường, nhưng tinh thần này đặc biệt quan trọng trong trà đạo. Nếu bạn muốn thưởng thức một tách trà, một điều quan trọng cần nhớ trong văn hóa trà đạo đó là bạn không được phục vụ cho mình trước. Sau khi đã dâng trà cho các quan khách xung quanh, tách trà cuối cùng chính là dành cho bạn. Ngoài ra, việc cắt ngang cuộc trò chuyện để hỏi khách xem họ có yêu cầu, mong muốn thêm trà hay không cũng được xem là thô lỗ; trong trường hợp này, chỉ cần rót cho họ một cốc.
“Finger Kowtow” – “Khấu đầu” bằng ngón tay
“Finger Kowtow” hay còn được gọi là gõ ngón tay, là một nghi thức trà đạo được thực hiện như một lời tri ân thầm lặng đối với người phục vụ trà. Nguồn gốc của kowtow được cho là bắt đầu từ triều đại nhà Thanh, khi Hoàng đế Càn Long cải trang đi du hành đến phương Nam cùng với những người hầu cận. Trong một lần ghé thăm một quán trà, Hoàng đế đã rót một cốc trà cho người hầu cận của mình. Bình thường người hầu sẽ quỳ xuống lạy tạ hoàng đế vì vinh dự lớn lao này. Tuy nhiên, hành động này sẽ làm bại lộ danh tính của vị vua. Vì vậy, người hầu cận đã nhanh trí cúi hai ngón tay gõ lên bàn như thể đang quỳ lạy hoàng đế.
Ngày nay, nghi thức trà đạo này vẫn còn phổ biến ở miền Nam Trung Quốc. Tuy nhiên, trong các nghi lễ trà trang trọng, ngoài việc kowtow, thì một cái gật đầu tạ ơn sẽ càng thích hợp hơn.
Thưởng trà đúng cách
Trà có xu hướng được phục vụ trong một tách nhỏ, vì điều này cho phép trà nguội nhanh hơn để bạn có thể nhanh chóng thưởng thức. Tất nhiên, những tách trà mới sẽ vẫn còn rất nóng khi mới phục vụ, vì vậy điều quan trọng là phải chờ một chút trước khi nhấp một ngụm, để tránh bị bỏng lưỡi.
Bạn cũng có thể nhấp một ngụm nhỏ để kiểm tra nhiệt độ phù hợp của trà trước khi thưởng thức. Sau khi uống hết cốc đầu tiên, cốc của bạn sẽ nhanh chóng được đổ đầy lại. Tuy nhiên, không có áp lực nào để tiếp tục uống cốc thứ hai ngay lập tức. Hãy thư giãn và tận hưởng hương vị thanh tao của trà như một trải nghiệm tĩnh lặng cho tinh thần.
4 điều không nên làm khi thưởng trà:
1. Đừng uống hết trà cùng một lúc: Trà không phải là nước lã, vì chúng có thể nuôi dưỡng vòm miệng và tâm trí của bạn. Nếu bạn không khát, thì đừng uống hết trà ngay lập tức. Ngược lại, bạn nên nhấp một ngụm và thưởng thức hương vị, từ vị đắng, ngọt trên đầu lưỡi cho đến dư vị kéo dài đọng lại sau đó.
2. Đừng nhổ trà ra khỏi miệng: Nhổ trà khỏi miệng được xem là hành vi bất lịch sự lớn nhất của khách, đặc biệt là trước mặt người phục vụ trà. Cách cư xử này cũng có thể ám chỉ một sự khiêu khích và thiếu tôn trọng đối với chủ nhà.
3. Không hút thuốc: Hút thuốc lá trong lúc uống trà là hành vi thiếu tôn trọng đối với chủ nhà và các vị khách xung quanh. Nếu bạn là một người nghiện thuốc lá nặng, bạn nên hỏi ý của chủ nhà và xin phép ra ngoài vài lần trong buổi thưởng trà.
4. Đừng lơ đễnh: Giữ bình tĩnh và thư thái khi uống trà, thay vì lơ đễnh và mất tinh thần. Trà không chỉ là một loại nước giải khát tinh tế, nó còn có thể là người bạn tri kỷ của bạn. Khi bạn cảm thấy lo lắng, nó sẽ giúp bạn bình tĩnh lại; khi bạn cảm thấy mất tập trung, nó làm cho bạn thư giãn; trong khi khi bạn tìm thấy sự bình yên bên trong mình, nó sẽ nhảy múa trên vòm miệng của bạn và mang lại cho bạn hương vị khó tả.
Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: