CEO, Học viện Mầm non The First Academy, Mai Nhung: Những giọt mồ hôi hạnh phúc • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

CEO, Học viện Mầm non The First Academy, Mai Nhung: Những giọt mồ hôi hạnh phúc

Gặp Mai Nhung một sớm đầu tuần – thời điểm dễ khiến người ta uể oải sau những ngày nghỉ nhưng chị thì khác, rạng rỡ trẻ trung và tràn đầy năng lượng. Càng trò chuyện lại càng thấy rõ, có lẽ chị vốn vậy, luôn nhiệt huyết và hết mình với những gì đã chọn như chính chị đã nói, những ngày tháng vất vả nhất cũng là tháng ngày hạnh phúc nhất – niềm hạnh phúc giản dị bởi những giọt mồ hôi đầy ý nghĩa!

“Mắc bệnh” chỉn chu

Xin được hỏi, The First Academy có phải là khởi đầu sự nghiệp kinh doanh của chị? Tại sao chị lại chọn giáo dục để đầu tư mà không phải là lĩnh vực nào khác?

Tôi được sinh ra trong gia đình có truyền thống nho giáo từ đời cụ và đời ông của mình, tuy bố mẹ đều không theo nghiệp “gõ đầu trẻ” nhưng tôi luôn nghĩ, giáo dục đến với tôi rất tự nhiên và cứ thế diễn ra nhẹ nhàng như “cái nghiệp” đã dành cho. Câu chuyện bắt đầu từ nhiều năm trước khi tôi theo chồng sang Malaysia công tác một thời gian. Trong lúc tìm nhà trẻ cho con, nhờ sự hỗ trợ của các đồng nghiệp của chồng, tôi may mắn được tiếp cận một mô hình giáo dục mới lạ, gây rất nhiều ngạc nhiên cho một người mẹ mới lần đầu tìm trường cho connhư tôi. Ở đó, các bé được làm quen cách giặt và gấp quần áo, lấm lem bùn đất khi trồng cây, tự sắp xếp đồ dùng cá nhân hay tự phục vụ trong bữa ăn trưa tại nhà trường… Sau khi cho con nhập học, tôi cũng đã đề nghị được trở thành cộng tác viên hỗ trợ các bé tại trường.

Phải nói rằng, tôi rất thích quan sát, học hỏi và “mắc bệnh” tự sáng chế, thế nên tôi thường dành thời gian mày mò làm giáo cụ bằng nguyên liệu tái chế, nghiên cứu các tài liệu trường gửi về hàng tuần cho con và quan sát kỹ quá trình dạy của giáo viên đứng lớp. Sự tò mò thúc đẩy tôi phải học và nghiên cứu nhiều hơn, rồi cũng đến lúc tôi muốn có một ngôi trường nhỏ cho riêng mình, cho con và cảm thấy bản thân đã sẵn sàng làm gì đó từ vốn liếng kiến thức thu thập được, tôi quyết định về Việt Nam. Với nguồn vốn ít ỏi ban đầu chỉ khoảng nửa tỉ đồng nhưng thú thật lúc ấy tôi rất tự tin với những điều mới mẻ mình vừa học được. Thế là tôi tự mày mò lập kế hoạch, tìm địa điểm, vay mượn của người thân và kêu gọi đầu tư … để rồi một ngày vào đầu tháng 7/2007, Wonderland Preschool ra đời ở Hà Nội.

Trải qua bốn năm đầu mà với tôi đó là bốn năm định mệnh, tất cả thời gian, công sức và tiền bạc đều đổ hết vào trường. Có lẽ vì “mắc bệnh” chỉn chu, tôi muốn đưa mọi thứ tốt nhất, đẹp nhất vào ngôi trường như cho chính con mình. Và chính sự chỉn nhu ấy đã gây khó khăn về nguồn vốn, khiến tôi chịu nhiều thua thiệt khi có nhiều phụ huynh không tin những gì tôi đang làm là sự thật. Đã có thời điểm tôi tưởng không thể duy trì và nghĩ tới phải đóng cửa vì không còn vốn hoạt động do lượng học sinh quá ít so với chi phí hoạt động quá cao . Tuy nhiên may thay lứa học sinh đầu tiên ra trường đã chứng minh hiệu quả đào tạo của phương pháp mới này khi tham gia những cuộc thi sát hạch đầu vào tại các trường tiểu học Nguyễn Siêu và Đoàn Thị Điểm. Từ đó, chúng tôi dần được biết đến và đón nhận, trường bắt đầu có đông học sinh hơn, hoạt động cũng ổn định hơn.

Thế còn câu chuyện với The First Academy bắt đầu như thế nào? Đây là sự phát triển song song với ngôi trường vốn có hay là bước ngoặc khác của chị?

Đúng là một bước ngoặc mới lại đến, tám năm sau ngày thành lập Wonderland Preschool, tôi quyết định chuyển nhượng cho đối tác để vào TP. HCM sinh sống. Cũng trải qua giai đoạn bấp bênh tìm việc không phù hợp, tôi lại quyết định phải làm gì đó cho riêng mình. Vốn thích tìm tòi, nghiên cứu và trót yêu lĩnh vực giáo dục nên tôi bắt đầu viết một bản kế hoạch khác, tìm một mô hình mới và gõ cửa nhiều nơi khác nhau để kêu gọi đầu tư. Suốt một năm trời tìm kiếm, câu trả lời tôi nhận được luôn là: “Mô hình thì hay đấy, nhưng hình như em đang ở trên mây!”.Tôi hiểu, ở góc độ nghiên cứu và cống hiến, bản thân tôi tâm niệm chắc chắn sẽ thành công, sẽ hiệu quả nhưng điều đó là chưa đủ vì khi đầu tư người ta thường quan tâm họ sẽ “rót” bao nhiêu vốn, kinh doanh thế nào, bao lâu sẽ sinh lời… mà giáo dục thì cần phải lâu dài, có lẽ nhiều người không thể đợi!

“Là người làm kinh doanh tôi phải cam kết với các nhà đầu tư để không bị lỗ và có lợi nhuận, nhưng không phải vì lợi nhuận mà bỏ qua những giá trị, những mục đích cao đẹp khác”.

Với The First Academy, có thể tôi đã hơi mạo hiểm, vì cho đến thời điểm này dù nhiều hay ít tiền thì phụ huynh nào cũng muốn con họ luôn được chăm nom theo cách riêng và phải theo sát mọi lúc. Còn ở The First Academy, học sinh sẽ được rèn luyện và làm quen các kỹ năng bằng cách va chạm thực tế thực sự, được dùng dao, bếp từ, lò nướng, máy xay… Có nhiều nhà đầu tư lo ngại về trách nhiệm cũng như sự lo lắng của phụ huynh sẽ không thu hút được học sinh nên không mấy hào hứng. May sao, tôi tìm được một đối tác rất tốt, một người tin tưởng tôi, có cùng chí hướng, cùng niềm đam mê giáo dục và và cũng mong muốn có một trường giáo dục tốt dành cho trẻ em, trang bị cho chúng điều mà thế hệ cha mẹ như chúng tôi thuở nhỏ không có được.

Kỹ năng sống là một trong những điều được rất nhiều phụ huynh lẫn xã hội hiện đại đặc biệt quan tâm, có vẻ như chị đã chọn hướng đi đúng, nhưng như vậy cũng không có nghĩa là không có thử thách hay chông gai, đúng không ạ?

Lúc đầu, vì chưa định vị thị trường nên tôi cũng khá loay hoay tìm cách thu hút học sinh. Song song đó là làm sao tư vấn cho phụ huynh hiểu về mô hình để chấp nhận phương thức giáo dục riêng của mình, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh giữa các nhà đầu tư khi chưa thực sự hiểu nhau trong quá trình hợp tác… Sau 9 tháng hoạt động, mọi thứ đi vào guồng, trường bắt đầu được phụ huynh tin tưởng và quyết định gửi gắm học sinh thì lại phải lo đến việc mở thêm các chi nhánh khác vì số lượng học sinh chờ và mong được học tại The FIRST Academy lên tới gần 500 trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc phải tìm được đối tác tin cậy, thuê và xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân sự đáp ứng được mô hình. Riêng về nhân sự, tôi phải có kế hoạch tuyển dụng cho từng giai đoạn, gặp gỡ các trường đào tạo giáo viên mầm non đặt vấn đề với họ. Tôi luôn ưu tiên người trẻ vì họ có sức trẻ, sự năng động và cởi mở trong việc tiếp cận với cái mới. Mặt khác, hàng ngày vẫn có một nhóm nhân sự cấp cao xuống từng cơ sở để trực tiếp huấn luyện và hỗ trợ giáo viên.

Xác định đường dài

Mặc dù quan tâm nhưng chưa hẳn phụ huynh nào cũng ý thức được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ cũng như biết cách để hỗ trợ các bé tại nhà. Trong phương pháp của mình, chị đã giải quyết điều này thế nào?

Phương châm tôi đặt ra cho The First Academy chính là trang bị những kỹ năng cần thiết phù hợp cho từng độ tuổi của học sinh đồng thời muốn xoay chuyển phụ huynh để họ có thể hiểu rõ mô hình giáo dục là quan trọng chứ không phải việc con họ ăn gì, uống gì hàng ngày. Kỹ năng là một quá trình được lặp đi lặp lại, hình thành thói quen sau khi được va chạm thực tế. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh lo lắng khi con họ đối mặt với những thực tế đó mà không hiểu rằng chúng tôi đang giúp trẻ hình thành thói quen để tự sinh tồn, dám suy nghĩ dám hành động hay tự lập và tự bảo vệ mình trong tương lai. Tôi biết, cái khó của hầu hết các trường quốc tế khác chính là môi trường gia đình chưa hỗ trợ nhiều cho trẻ. Vì 50% sự phát triển của trẻ là do môi trường gia đình, thế nên, chúng tôi dành rất nhiều thời gian chia sẻ và tư vấn với phụ huynh những quan điểm, nguyên tắc của trường thậm chí có những hành động rõ ràng để phụ huynh kết nối nhiều hơn con em mình, để trẻ cảm thấy bố mẹ luôn cùng đồng hành như những người bạn.

Quả thực làm giáo dục là một ngành khó, đặc biệt với lứa tuổi mầm non. Do vậy, tôi muốn hỏi, đích đến mà chị luôn theo đuổi là gì khi lựa chọn con đường khó đi này?

Nhiều người nhìn vào sự phát triển này cho rằng tôi thắng lợi lớn về doanh thu, lợi nhuận khi các cơ sở liên tục được khai trương thời gian qua. Tuy nhiên, mấy ai biết được chi phí ban đầu, duy trì hoạt động, nhân sự chủ chốt và để có cơ sở vật chất tốt nhất phải được đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, càng được đầu tư tốt, càng chỉn chu thì thế hệ sau càng được hưởng lợi. Do vậy, tôi luôn cho rằng xác định đi đường dài chính là điều đúng đắn nhất. Tôi biết, rất nhiều nơi vẫn luôn dùng việc đầu tư rèn luyện kỹ năng như một cách đánh vào tâm lý phụ huynh, nhưng khi nghe những lời có cánh đó, phụ huynh thông thái phải tìm hiểu kỹ lưỡng để biết đó chỉ là theo mốt, theo trào lưu hay đầu tư thực sự vì mô hình này rất tốn kém. Dĩ nhiên, là người làm kinh doanh tôi phải cam kết với các nhà đầu tư khác không để lỗ và phải mang về lợi nhuận, nhưng không phải vì lợi nhuận mà bỏ qua những giá trị, những mục đích cao đẹp khác. Làm giáo dục đừng mong sẽ thu lợi nhuận ngay, nhưng nếu làm tốt, tôi khẳng định doanh thu sẽ không thấp nhưng cần có thời gian.

Trải qua một chặng đường không hẳn là dài nhưng cũng không ngắn, với chị chắc hẳn hành trình này mang nhiều ý nghĩa đặc biệt?

Có đôi lúc tôi không thể tưởng tượng được sẽ có ngày hôm nay bởi ngay từ đầu, tôi không làm vì mục đích gì đó quá to lớn. Thực sự, quãng đường từ những ngày đầu đến nay, có thể nói yếu tố may mắn chiếm đến 50%. Khi được đón nhận, mọi việc đến với tôi quá nhanh. Tôi không được phép ngoái lại mà chỉ có thể phấn đấu hết sức để tiến tới phía trước và chỉnh sửa ngay lập tức ở những thời điểm cần thiết.Phải nói rằng, thời gian bốn mươi lăm ngày để cơ sở The First Academy đầu tiên có thể khai trương vào giữa tháng 7/2012 chính là bốn mươi lăm ngày vất vả nhưng hạnh phúc nhất của tôi. Không chỉ bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng đến tận 2 giờ khuya, chưa bao giờ biết đói và khát vì quá tập trung đến quên bữa, tôi còn tự tay khâu từng món đồ “hand made” để trang trí toàn ngôi trường. Khi rời khỏi trường, lên xe về nhà là tôi ngủ như “chết” trên cả quãng đường đi, thậm chí lúc ăn, các đầu ngón tay tê rần như kim châm rớt cả đũa đang cầm nhưng trong lòng tôi cảm thấy niềm vui vì những gì làm được. Cũng vì tự mình làm mọi thứ và bắt đầu từ điểm thấp nhất nên với tôi, những kỷ niệm vui buồn và mọi trải nghiệm đều rất sâu sắc, nó dường như đã ngấm vào từng mạch máu của mình.

Vâng, cảm ơn chị đã chia sẻ!

Một Mai Nhung không công việc là:

Tôi là người ủy mị, rất tình cảm và đàn bà. Dễ bị “mua chuộc” bởi sự mềm mỏng, tình cảm. Tôi là người phụ nữ mà nhiều người không nghĩ rằng sẽ biết nấu ăn, thích trang trí nhà cửa, đặc biệt yêu thích nội thất. Tôi nghĩ, nếu không chọn giáo dục có lẽ tôi sẽ theo đuổi công việc liên quan đến thiết kế thời trang, nội thất hoặc ẩm thực. Không biết có thể làm được không nhưng tôi luôn ao ước có thể tạo được một hệ thống fastfood Việt tiện ích cho giới văn phòng.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: Xuân N.T.T – Creative Director: Hiepleduc – Photo: Vinh VLK – Make up: Viễn Dương

Comment