Phải làm gì với người không có khả năng tự nhận thức? • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Phải làm gì với người không có khả năng tự nhận thức?

Mặc dù tự nhận thức – khả năng biết bản thân là ai và được nhìn nhận như thế nào – rất quan trọng đối với hiệu suất công việc, thành công trong nghề nghiệp và cách lãnh đạo, nhưng dường như không phải ai cũng có khả năng này.

Một nghiên cứu kéo dài trong 5 năm đã cho thấy kết quả khá bất ngờ, trong 95% người nghĩ rằng họ có khả năng tự nhận thức, chỉ có 10 đến 15% thực sự như vậy. 99% số người được hỏi từng làm việc với ít nhất một người như vậy, gần một nửa làm việc với ít nhất bốn người. Đồng nghiệp là đối tượng thường gặp nhất, tiếp theo là sếp và khách hàng.

Người không có khả năng tự nhận thức thường gây ra rất nhiều ức chế trong môi trường làm việc

Kiểu người như vậy trong công sở thường không chỉ gây bực mình mà còn ảnh hưởng đến cơ hội thành công của cả đội/nhóm, khiến những người khác cảm thấy căng thẳng, ức chế hơn và giảm động lực làm việc. Vậy làm thế nào để đối phó với những tình huống này? Liệu có thể giúp họ có nhận thức rõ ràng hơn? Và nếu chúng ta không thể, chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến sự thành công chung của tất cả mọi người?

Không phải tất cả các đồng nghiệp có hành vi xấu đều thiếu khả năng tự nhận thức và không phải tất cả họ đều có thể được giúp đỡ. Do đó, trước tiên bạn phải xác định xem nguồn gốc của vấn đề có thực sự là từ một người thiếu tự nhận thức hay không. Những khó khăn trong giao tiếp không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ việc thiếu sự tự nhận thức mà có thể phát sinh từ các ưu tiên khác nhau, các kiểu giao tiếp không tương thích hoặc thiếu sự tin tưởng xuất phát từ hai bên. Để xác định xem đối phương có phải kiểu người chúng ta đang bàn đến hay không, hãy hỏi ý kiến những người thường xuyên ở gần hoặc làm việc với họ, hay ngầm xác định xem họ có những hành vi sau không:

Những đặc điểm chung của người không tự nhận thức bản thân

Bạn có thể làm gì để giúp đỡ họ?

Lúc này, hãy tự hỏi liệu mình có phải là “người truyền tin” đúng? Đồng ý là bạn làm việc này với mục đích muốn họ tốt hơn, nhưng để một người thực sự cởi mở với những góp ý mang tính chất xây dựng, họ phải tin tưởng chúng ta – về cơ bản những điều này phải xuất phát từ thái độ khách quan nhất. Khi có sự tin cậy, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bị tổn thương. Hãy chắc chắn rằng mối quan hệ của bạn và người đó khá ổn, đủ để họ không suy luận ý tốt của bạn lệch lạc sang một động cơ “bất chính”, hay có khi chính bạn không phải là người phù hợp để làm việc này?

“Có sẵn sàng chấp nhận kịch bản xấu nhất không?” Đây là câu hỏi tiếp theo mà bạn nên nghĩ đến. Liệu sự giúp đỡ này có biến mối quan hệ của bạn với người ấy tệ hơn không? Vì cho dù đối phương là sếp, đồng nghiệp hay cấp dưới, rủi ro trong mối quan hệ trong và ngoài công việc vẫn luôn tồn tại và mức độ nguy hiểm là khó có thể đo lường.

Đọc thêm: Củng cố niềm tin với nhân viên mỗi khi giao tiếp

Nếu bạn tin rằng bạn có thể giúp, hãy nói chuyện trực tiếp với họ. Nếu có thể, hãy đợi cho đến khi đồng nghiệp của bạn bày tỏ cảm giác thất vọng hoặc không hài lòng khi họ gặp rắc rối gây ra bởi sự vô thức của mình. Hãy hỏi xem liệu bạn có thể đưa ra một quan sát theo tinh thần khách quan nhất hay không. Nếu họ đồng ý, hãy quan sát hành vi cụ thể của họ, và nhận thức đã hạn chế thành công của họ như thế nào. Những góp ý khách quan dựa trên sự tin tưởng sẽ khiến bạn dễ dàng tiếp cận với người khác hơn.

Nhưng phải làm gì nếu họ không thay đổi?

Thất vọng là điều dễ hiểu khi bạn không thể giúp ai đó sửa đổi những khuyết điểm. Bạn cần nhớ rằng hiện tại họ như vậy, không có nghĩa họ sẽ không thay đổi trong tương lai. Hãy dành cho họ sự kiên nhẫn nhất định để giúp họ thay đổi khi họ bắt đầu nhận ra khuyết điểm của mình. Mặc dù không thể ép mình thấu hiểu sâu sắc về họ, ta vẫn có thể giảm thiểu tác động của họ đối với mình, thông qua việc dành cho người đó nhiều lòng vị tha hơn. Vì nếu vẫn giữ những cảm xúc tiêu cực, tâm trí của chúng ta chính là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất.

Cuối cùng, giống như một mối quan hệ biện chứng đầy tốt đẹp, quá trình giúp những người thiếu khả năng nhận thức bản thân sẽ giống như một tấm gương để chúng ta tự nhìn nhận lại mình, soi chiếu chính mình trong họ, không ngừng cải thiện nhận thức để sửa đổi lại chính ta.

Comment