Trí tuệ của ngôn từ • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trí tuệ của ngôn từ

Nhận biết các ngôn từ cần giới hạn và cách diễn đạt nên dùng để tạo nên sự thú vị, chuyển hóa sự căng thẳng trong các cuộc trò chuyện là một trong các yếu tố không thể thiếu giúp bạn xây dựng mối quan hệ trong công việc lẫn cuộc sống. Không chỉ cải thiện các mối quan hệ, trí tuệ ngôn từ còn thể hiện được tầm nhìn và bản lĩnh nội tại. 

Học giả Plutarch của Hy Lạp đã từng khẳng định suy nghĩ, cá tính và thiên hướng của mỗi con người được hiển thị rất rõ qua ngôn từ họ dùng. Còn với Napoleon Hill – người khai sinh mảng văn học viết về thành công cá nhân trong thế kỷ 20, lời nói gieo hạt giống của sự thành công hoặc thất bại. Darlene Price – tác giả sách “Nói thuyết phục! Cách trình bày và đối thoại hiệu quả có viết:lời nói có uy quyền, nên được lựa chọn và nói ra một cách cẩn thận, vì chúng là ‘thứ thuốc phiện’ mạnh nhất được sử dụng bởi nhân loại như Rudyard Kipling cảnh báo”. Quả thật, những gì chúng ta nói với bản thân mình và người khác đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt được thành công. Dưới đây là 7 câu nói “tệ” nhất bạn nên cân nhắc loại bỏ khỏi từ điển đối thoại. Bởi, chúng sẽ ngăn bạn chạm đến thành công.

1“Anh ta là đồ ngốc”

Có một quy tắc lớn mà hầu hết tất cả những người thành công thường tuân theo: Luôn duy trì thái độ điềm tĩnh và tránh nói điều tiêu cực về người khác. Bất kể là do cảm xúc hay do hoàn cảnh, hãy tránh những lời chê bai hoặc phán xét, kể cả với công việc của bạn. Đây được xem là phản ứng của người chưa trưởng thành, đồng thời cũng là “mồi lửa” cho các cuộc chiến tranh có thể xảy ra sau đó.

2“Bạn luôn luôn…” hoặc “Bạn không bao giờ…”

Những cụm từ mang nghĩa tuyệt đối như “luôn luôn”, “không bao giờ” nếu song hành cùng những câu nói mang ý nghĩa không tích cực sẽ làm cho mối quan hệ của bạn tệ hơn. Khi tức giận, chúng ta hay áp đặt quan điểm của bản thân lên người khác và thậm chí đánh giá sai về họ. Câu nói này làm cho đối phương có ý phòng thủ và không muốn mở lòng chia sẻ với bạn, nhất là trong các cuộc thảo luận quan trọng. Với hoàn cảnh này, bạn có thể “bẻ chữ” cho câu nói của mình trở nên mềm mại hơn như “Có lẽ bạn làm điều này thường xuyên…” hoặc “Vì bạn làm điều này khá thường xuyên…” Cách nói như thế sẽ khiến đối phương dễ chấp nhận và mở lòng tiếp thu ý kiến của bạn hơn.NDN_Tri tue cua ngon tu

3“Thật không công bằng!”

Có một sự thật bạn cần học cách chấp nhận rằng cuộc sống công bằng theo cách của nó, không phải như bạn mong muốn. Một phụ nữ bản lĩnh và thành đạt hiếm khi nào phàn nàn hoặc than thở hoặc phụ thuộc vào sự công bằng của tạo hóa. Bằng cách tự động viên mình cũng như đồng nghiệp, nhân viên trong nhóm, cũng có thể bằng những buổi nói chuyện phiếm, tiệc nhẹ, hay trải lòng chia sẻ, phân tích cùng nhau những vấn đề đang còn tồn tại, sẽ là sự khích lệ không chỉ cho bản thân bạn mà cả những cộng sự để tìm ra giải pháp hoặc hướng đi mới trong tương lai.

4“Tôi không làm được” hoặc “Điều đó là không thể”

Những người gặt hái được ít nhiều thành công ban đầu luôn biết rằng, ranh giới của bản thân chỉ tồn tại trong suy nghĩ, nghĩa là do chính chúng ta đặt ra. Vì thế, đừng để nó ngăn cản bước đường bạn đang đi. Chướng ngại có thể xem là cơ hội cho bạn vận dụng sự sáng tạo và vượt qua nó. “Tôi sẽ tìm ra cách” hoặc “Tôi sẽ làm điều tốt nhất có thể” sẽ giúp bạn hướng đến điều tích cực và tiếp thêm động lực để vượt qua các giới hạn trong suy nghĩ.

5“Tôi đã có thể làm điều đó tốt hơn”

Một câu nói mang đầy tiếc nuối về điều bạn chưa thực hiện được, đúng không? Những con người thành công nhất không ít lần trượt ngã để tiếp tục bước tới trước, vững vàng hơn trên con đường sự nghiệp. Vậy thì, bạn có lý do gì để sợ hãi, hối tiếc và khước từ thất bại hay sai lầm?! Nếu phải đối mặt với điều này, hãy nghĩ đến nguyên nhân cản trở bạn: “tôi nghĩ rằng chính lý do xyz đã khiến kết quả không như mong đợi” sẽ như một lời nhắc nhở với bản thân; hoặc đơn giản là “tôi sẽ làm điều đó tốt hơn”.

6“Tùy bạn” hoặc “Cứ làm gì bạn muốn”

Khi ai đó hỏi bạn một vấn đề nào đó, tức là họ trân trọng ý kiến của bạn. Vì thế, hồi đáp bằng những  kiểu câu thiếu tính xây dựng như “Tùy bạn”, “Tôi đang bận” hoặc “Bạn hỏi ai khác đi” khiến mối quan hệ trở nên xấu đi. Thay vào đó, bạn có thể từ chối khéo ngay lúc đó và hẹn dịp khác trò chuyện với đối phương. “Tôi xin lỗi lúc này khá bận, cho tôi hẹn bạn…” có vẻ là một giải pháp hoàn toàn dễ chịu cho hoàn cảnh này.      

7“Tôi không có lựa chọn”

Luôn có rất nhiều cơ hội sẵn có dành cho bạn. Người thông minh luôn tìm cho mình cách tạo ra con đường riêng để đi đến thành công. Họ luôn nhìn thấy các lựa chọn, không phụ thuộc vào hoàn cảnh. Khi ta khẳng định mình không có sự lựa chọn trong một vấn đề nào đó nghĩa là chúng ta coi mình là một nạn nhân giải phóng khỏi tất cả mọi trách nhiệm. Thay vì vậy, hãy nói: “Tôi có một sự lựa chọn” hay “Đây là lựa chọn của tôi”.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

5 bí quyết hoàn thiện thương hiệu cá nhân

Lãnh đạo giỏi sẽ “biến hóa” giỏi

Comment