Khi mọi người vẫn còn vương vấn những bãi cát vàng, biển xanh ươm nắng hay những bộ đồ họa tiết sặc sỡ, thì Đài Loan lại gõ cửa chào tôi với không khí se lạnh cùng những cơn mưa phùn đầy lãng mạn…
Trước khi khởi hành, nhiều người bạn đã khuyên tôi nên hoãn lại chuyến đi, vì thời tiết ở Đài Loan vào những tháng cận thu thường có bão và mưa giông không hề thích hợp để du lịch. Nhưng trải qua chuyến đi lần này, tôi nghĩ rằng, những gì mình đã trải nghiệm sẽ là điều khác biệt mà không ai có thể có chung cảm nhận. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đứng dưới hàng hiên để tránh cơn mưa rào bất chợt ở chợ Phụng Giáp, hay “hứng” ngọn gió bão thổi tung chiếc váy giữa khung trời ở phố cổ Thập Phần… Đó sẽ là một mùa thu không bao giờ quên đối với tôi.
Đáp chuyến bay từ TP.HCM đến Cao Hùng vào khoảng 12:00 trưa, tôi lựa chọn xe buýt để làm phương tiện di chuyển chính, với nụ cười thân thiện của bác tài cùng bầu không khí khô ráo khá giống Sài Gòn, những mệt mỏi sau chuyến bay dường như đã được giảm bớt, những háo hức, mong đợi khám phá đất nước xinh đẹp này lại vẹn nguyên trong tôi.
Lựa chọn chỗ ngồi bên cửa sổ, lướt qua mắt tôi là bầu trời trong, những tòa nhà thấp tầng mộc mạc cùng dòng người không quá đông đúc. Có lẽ mọi người sẽ nghĩ Đài Loan không giàu có cho lắm, nhưng điều đó hoàn toàn không đúng. Vốn là đất nước giáp biển, những ngôi nhà ở Đài Loan không quá chú trọng hình thức hào nhoáng, người dân xây nhà thấp, lựa chọn màu sắc tối cùng những vật liệu chắc chắn để tránh những ảnh hưởng từ gió biển. Có lẽ bạn sẽ khá bất ngờ khi biết rằng, Đài Loan có hàng trăm cơn động đất…mỗi ngày, nhưng với cường độ nhỏ và không quá nguy hiểm nên mọi người hoàn toàn có thể yên tâm. Thỉnh thoảng bạn sẽ thấy mặt đất thoáng run lên, nhưng đó chỉ là vài giây ngắn ngủi mà bạn còn chưa kịp cảm nhận. Đừng hoảng sợ nhé!
Điểm đến đầu tiên của tôi chính là ngôi chùa Phật Quang Sơn Tự, một kiến trúc vô cùng hùng vĩ và là niềm tự hào của người dân Cao Hùng. Nằm ở làng Đại Thọ thuộc ngoại thành, giáp với những con đường cao tốc rộng lớn, ngôi chùa sừng sững trong đất trời và là Thánh địa Phật giáo của đất nước Đài Loan.
Để tiếp cận bức tượng vàng đồ sộ của Đức Phât (bức tượng đồng cao nhất thế giới 108m) giữa bầu trời xanh thẳm, bạn phải cước bộ giữa trời nắng để vào cổng chính và đi qua Quán Chánh – con đường rộng với những tòa tháp Tam Bảo dọc hai bên. Dù là biểu tượng văn hóa, nhưng ngôi chùa lại sở hữu thiết kế độc đáo, không gian thanh tịnh với cây cối cùng hòn non bộ đầy an nhiên, một cơ hội tuyệt vời để cho ra những thước ảnh để đời.
Tạm biệt ngôi chùa, xe mất hơn nửa tiếng để quay lại trung tâm Cao Hùng, tôi tiếp tục tham quan địa điểm nổi tiếng của khu vực, đầm Liên Trì. Giữa hồ sen xanh ngát, tháp Long Hổ hiện lên giữa đầm đầy rực rỡ với hai biểu tượng của Rồng và Hổ. Theo người dân địa phương, bạn hãy đi theo hướng “vào miệng rồng ra miệng hổ” để xóa tan những xui xẻo, buồn bực và chờ đón sự cát tường, may mắn đến với mình.
Sau hai địa điểm tham quan, tôi lựa chọn ghé thăm khu chợ nổi tiếng nhất Cao Hùng – chợ Lục Hợp. Khi đến đây, tôi đã liên tưởng nó với chợ Bến Thành, một khu chợ dành cho khách du lịch đúng nghĩa.
Không khó để tìm những món ăn ngon cùng trà sữa – món đồ uống nổi tiếng tại nơi đây. Mọi hàng quán đều bày bán rất nhiều thức ăn và mặt hàng phong phú. Hàu chiên trứng, sinh tố đu đủ hay mực khổng lồ là những món bạn chắc chắn phải thử đấy! Đặc biệt, bạn sẽ thấy rất nhiều bảng hiệu tiếng Việt, thậm chí còn được chào mời bởi các người bán hàng bằng khả năng nói tiếng Việt khá thông thạo nữa.
Chia tay Cao Hùng, ngày tiếp theo tôi di chuyển về địa phận tỉnh Nam Đầu để tiến vào Đài Trung, và ngang qua khu vực hồ Nhật Nguyệt, nơi bạn không thể bỏ qua. Ắt hẳn vẻ đẹp “bồng lai tiên cảnh” chốn này sẽ khiến bất cứ ai cũng phải xao xuyến. Có nhiều hoạt động tại khu hồ diễn ra dành cho khách du lịch, bạn có thể lựa chọn ngồi tàu lênh đênh giữa lòng hồ hay đạp xe vòng quanh con đường đẹp như mơ được phủ đầy bởi cây cối và hàng nước phản chiếu trong vắt, dường như mọi thứ nơi đây đều khiến lòng người thanh thản và yên bình lạ lùng.
Vài hạt mưa rào bất chợt đổ xuống nhưng không một ai muốn quay đầu bỏ lại nơi này, mọi người dường như đều nán lại vì cho rằng mình chưa cảm nhận đủ vẻ đẹp của nơi được mệnh danh là hồ trên núi đẹp nhất Đài Loan.
Rảo bước ra khỏi khu hồ và đi về phía Bắc, bạn sẽ bắt gặp ngay Văn Võ Miếu. Lẫn trong tiếng nhạc hát rong của những người bản địa trước cổng chùa, khu miếu hiện lên giữa quang cảnh trời nước bao la.
Văn Võ Miếu gây ấn tượng du khách bởi hệ thống kiến trúc bên triền đồi được trải dài từ thấp đến cao. Những trần mái được trang hoàng lộng lẫy, với họa tiết điêu khắc nổi bật, dẫu cơn mưa ngày càng nặng hạt và khiến khung cảnh trở nên trắng xóa, ngôi miếu vẫn đẹp nổi bần bật với “tấm áo rực rỡ”. Nếu là người tin vào tâm linh, đừng quên tìm hiểu cách giải quẻ ở khu chánh điện và nhận tờ tử vi báo hiệu tương lai.
Trong cái nắng chiều tà, tôi về trung tâm Đài Trung và chứng kiến hàng người đông đúc cùng những hoạt động giải trí đầy sôi động. Không còn nét mộc mạc và yên bình của Cao Hùng, Đài Trung lại thích hợp với giới trẻ hơn bởi không khí trẻ trung, quang cảnh hiện đại và những tòa nhà cao chót vót.
Về đến thủ phủ của Đài Loan – Đài Bắc, tôi lựa chọn ghé thăm điểm đến luôn nằm trong “top list” là đền tưởng niệm Tưởng Giới Thạch. Cũng trong cái nắng gắt, khu đền hiện lên như hòa lẫn vào màu trời bởi sắc xanh và trắng đầy trang nhã.
Đi tháng máy lên tầng trên, tôi có cơ hội quan sát cảnh tượng đầy uy nghiêm – buổi lễ đổi gác của những chàng lính ngự lâm trước bức tường đồng lớn của Tưởng Giới Thạch. Cứ sau 60 phút, lính gác sẽ được thay đổi và thực hiện động tác đổi gác, hãy lên sớm và giành vị trí đẹp nhất cho mình để chứng kiến màn biểu diễn đậm chất văn hóa và lịch sử này nhé!
Tạm rời phố xá nhộn nhịp, tôi di chuyển về khu vực Dã Liễu và qua đêm tại khu suối nước nóng nổi tiếng. Du lịch không chỉ là trải nghiệm, mà còn là cơ hội để nghỉ dưỡng và xóa tan tất cả những mệt mỏi, căng thẳng, còn gì tuyệt vời hơn khi được ngâm mình trong làn nước ấm thiên nhiên và nhắm mắt nghỉ ngơi sau một ngày tham quan bạn nhỉ.
Dọc về trung tâm Đài Bắc ngày hôm sau, tôi dừng chân tại công viên địa chất Dã Liễu – một địa danh thực sự cuốn hút bất cứ du khách nào khi đặt chân đến.
Dòng nước biển xanh ngắt với những mỏm đá hình thù độc đáo bởi sự xâm lấn của biển tạo nên một công viên độc đáo bậc nhất thế giới. Để cảm nhận hết vẻ đẹp của nơi này, hãy đến ba khu vực chính và chiêm ngưỡng những phiến đá nổi tiếng nhất như tượng Queen’s Head (đầu nữ hoàng) hay một số hình ảnh đặc sắc như Mushroom (Đá nấm), Candle (Đá nến) hay Pearl Rock (hòn ngọc trai), v.v…
Mặc kể cơn mưa rả rích, tôi vẫn kịp ghé qua làng cổ Thập Phần để tự tay viết lên những câu chúc và thả chiếc đèn lồng của chính mình.
Sáng ngày cuối cùng sau những điểm đến đầy kỷ niệm, tôi lựa chọn chinh phục tòa tháp cao nhất Đài Loan và cao thứ hai thế giới – Taipei 101. Với bảy màu quang phổ thay đổi tương ứng mỗi ngày cùng lớp bảo vệ nhiệt dày có thể chịu được động đất và va đập lên đến 7 độ Richter, Taipei 101 là biểu tượng bất di bất dịch của bất cứ người dân xứ Đài nào.
Ngoài tham quan, bạn còn có thể lựa chọn những món quà là đặc sản trứ danh tại tòa tháp để mang về tặng cho người thân, bạn bè, hoặc nếu là người ưa thích chinh phục độ cao, hãy tiến lên tầng 89 của tòa tháp và phóng tầm mắt về toàn cảnh Đài Bắc tráng lệ, gợi ý bạn nên đi vào buổi tối để thấy sự hiện đại và tráng lệ của nơi này.
Không như Hồng Kông xa hoa hay Trung Hoa hùng mạnh, Đài Loan hiện lên trong mắt tôi là đất nước của sự yên bình, khung cảnh thơ mộng và những con người đầy tình cảm. Tôi đã có dịp thu nhặt cho mình những bài học trải nghiệm đầy quý giá trong hành trình tuổi trẻ, đó là bước chân đến một đất nước hoàn toàn mới với nền văn hóa đầy khác biệt nhưng vẫn cảm nhận được sự thân thuộc từ những con người nơi đây, len lỏi trong ánh nắng trên chuyến bay về nước. Giây phút cuối cùng khi ngoái lại chào tạm biệt, ý nghĩ sẽ quay trở lại và dành nhiều thời gian khám phá hơn tựa như một lời chào tôi gửi đến mảnh đất dung dị, đẹp đẽ này.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Text & Images: Hong Dang