Ubud ru hồn lữ khách • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Ubud ru hồn lữ khách

Ẩn sâu trong lòng Bali xinh đẹp, dưới những tán cây đa bồ đề sum suê, với những mảnh ruộng mơn mởn lúa chín trải tràn triền núi xuống thung lũng, ngôi làng Ubud được coi là trung tâm nghệ thuật và tâm linh của hòn đảo thiên đường. Nằm tách biệt khỏi bãi biển sôi động và phố phường đông đúc, Ubud quyến rũ du khách bởi cuộc sống đời thường tĩnh tại mà đầy ắp chất nghệ sĩ. Ubud càng trở nên nổi tiếng sau khi tác giả Elizabeth Gilbert đến đây và viết cuốn Ăn, Cầu nguyện, Yêu

Ngôi đền Besakih 2.000 năm tuổi nằm dưới chân núi Gunung Agung là ngôi đền cổ nhất, lớn nhất và quan trọng nhất của xứ sở Bali

Khỏe khoắn và hạnh phúc

Với tên gọi bắt nguồn từ “ubad” trong ngôn ngữ Bali, có nghĩa là thuốc chữa bệnh, Ubud được biết đến như một ngôi làng thần bí chứa đựng năng lực “làm lành” mạnh mẽ. Huyền thoại Ubud bắt đầu từ khoảng thế kỷ VIII, khi các gia đình quý tộc ở Bali thường đưa người thân bị đau ốm đến Ubud để chữa trị, bây giờ truyền thống đó vẫn được duy trì. Ngày nay, không chỉ người dân trên đảo mà du khách từ khắp nơi trên thế giới đều mong muốn đến Ubud để xua tan mọi mệt mỏi và phiền muộn.

Ban đầu, du khách “săn lùng” Ubud như là một điểm du lịch tâm linh vì có 90% dân theo đạo Hindu sống trên đảo trong khi đa số người Indonesia theo đạo Hồi. Các ngôi đền, kiểu “vườn thờ” mà người dân xây dựng cho riêng gia đình mình theo kiến trúc Hindu-Bali đã tạo ra những khu làng ấn tượng và huyền bí. Và ngôi làng Ubud cũng là nơi các giáo viên yoga muốn đem học viên đến thiền định trong khung cảnh yên ả, trầm lặng. Nhưng cuốn sách Ăn, Cầu nguyện, Yêu và bộ phim cùng tên đã biến Ubud thành một thánh địa thực sự của sức khỏe và hạnh phúc.

Những tòa tháp Meru trong khu đền Taman Ayun, khu đền của hoàng tộc Dewa Mengwi tọa lạc ở Pura Taman Ayun, một trong những địa điểm nổi tiếng nhất Bali

Trong cuốn sách, người phụ nữ mang tâm hồn vỡ vụn sau những rắc rối về hôn nhân và tài chính, chị thực hiện cuộc hành trình tìm lại sự thư thái và cảm hứng cho cuộc sống. Cuối cùng, chị đến Bali và gặp được một Balinian (thầy lang Bali) tại Ubud, cuộc gặp này đem đến cho chị một ý nghĩa mới về đời sống tinh thần. Trong phim, cảnh sắc Bali và đặc biệt là ngôi làng Ubud hiện lên tuyệt đẹp, nơi ngôi sao Julia Robert tái hiện hình ảnh người phụ nữ ấy, tìm lại được niềm đam mê và khao khát được yêu, được hạnh phúc.

Tắm nước thiêng được cho là chứa đựng năng lực “làm lành” mạnh mẽ

Câu chuyện hoàn toàn có thật đó, cùng với trào lưu “well-being” (trạng thái khỏe mạnh và hạnh phúc) đã kéo thêm biết bao du khách đến với Ubud. Các spa và trung tâm sống khỏe, với kiến trúc phong cách nhà vườn Balinese độc đáo, tạo ra không gian chăm sóc sức khỏe thật tuyệt vời. Tại đó cung cấp những dịch vụ trị liệu và thư giãn đặc sắc, từ dưỡng tâm an thần xóa tan phiền não đến thanh tẩy cơ thể như rửa sạch đường ruột, khử độc gan… Vì vậy không hiếm du khách lưu lại Ubud hàng tháng trời để hưởng thụ cảm giác ngày càng khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Giữa cảnh sắc thiên nhiên và âm hưởng đời sống địa phương nơi làng quê Ubud, tinh thần mỗi người như được nâng niu, được tiếp thêm năng lượng.

Bay bổng và hứng khởi

Tôi đến Bali trong một dịp công tác tại Indonesia, và bị “sét đánh” khi ghé thăm Ubud. Ngay từ lúc ánh mắt chạm vào tấm biển chào mừng đến với ngôi làng, tôi biết mình đã “phải lòng”. Cảm xúc yêu mến càng lúc càng trào dâng khi chiếc xe chạy dọc theo con đường chính của làng. Biển hiệu của các gallery tư nhân, những cửa hàng mỹ nghệ của dân địa phương, như nam châm hút chặt lấy ánh mắt tôi. Vâng, nghệ thuật chính là điều quyến rũ nhất, quyến rũ hơn cả việc được thư giãn ở spa hay một món ăn ngon!

Nếu như trước đây tôi vẫn luôn phân biệt rõ ràng mỹ thuật (fine art) với mỹ nghệ (craft), thì khi đến Ubud, cái ranh giới giữa mỹ thuật và mỹ nghệ dường như bị xóa nhòa. Tất cả chỉ còn một từ chung: nghệ thuật. Tôi đê mê đi quanh ngôi làng nghệ thuật này. Sau khi thăm quan một gallery mỹ thuật to đẹp như một cái resort, tôi bị cuốn vào những dãy cửa hàng mỹ nghệ nhỏ ven đường.

 Các sản phẩm điêu khắc mang đậm phong cách Balinese

Các sản phẩm điêu khắc mang đậm phong cách Balinese

Hàng mỹ nghệ ở Ubud phong phú vô cùng, đến nỗi với tôi thì mỗi sản phẩm đó đều là một tác phẩm nghệ thuật. Tất cả mang một âm hưởng chung theo phong cách Balinese, song, không có một sự trùng lặp nào! “Buôn có bạn, bán có phường”, biển hiệu san sát, thế nhưng… không có hai gallery nào có kiểu tranh và tượng giống hệt nhau, không có hai cửa hiệu nào cùng bán một kiểu sản phẩm nội thất hay lưu niệm. Người Ubud bày hàng ra vỉa hè không có nghĩa đó là “hàng chợ”! Đường nét khác nhau, mà chất liệu càng khác. Chỉ một khuôn mặt Phật Thích Ca thôi, nhưng không có hai bức tranh nào trùng lặp, không có hai bức tượng nào giống nhau như từ một khuôn đúc ra… Vì vậy, Ubud thu hút rất nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật và những du khách ưa thích sưu tập những món đồ lưu niệm, đồ trang trí nội thất độc đáo. Tôi đã được nghe về điều đó, nhưng khi đến Ubud để chứng thực thì vẫn không khỏi trầm trồ, ngây ngất.

Tượng hai nhân vật trong truyền thuyết tình yêu được ví như Romeo và Juliet, Jayaprana và Layonsari

Tượng hai nhân vật trong truyền thuyết tình yêu được ví như Romeo và Juliet, Jayaprana và Layonsari

Vào thăm một nhà dân địa phương ở Ubud, ấn tượng càng mạnh về đời sống nghệ thuật nơi đây. Trong những ngôi nhà kiểu làng quê tuềnh toàng giản dị, là những con người hào hứng vẽ tranh, đúc tượng. Mỗi người dân là một nghệ sĩ, say mê sáng tác mỗi ngày. Chính xác là sáng tác! Bởi nghệ thuật đã ăn sâu vào đời sống, vào hơi thở của người dân Ubud, họ đem những ảnh hưởng từ tín ngưỡng, từ văn hóa địa phương đi vào những sản phẩm mỹ nghệ của mình, chứ không hề có sự “nhái”, “chép” ở đây. Tuy nam giới nhiều hơn, nhưng các bà các cô cũng không kém “nghệ sĩ tính” khi chuẩn bị những món đồ lễ giản dị mà giàu màu sắc để dâng lên thần thánh mỗi ngày, hay xúng xính với khăn áo đủ kiểu màu sắc, hoa văn… Tôi lặng lẽ ngắm những người dân quê này, ánh mắt họ thật sáng, nụ cười họ thật tươi, lời nói họ thật chất phác, nhưng sao mà tâm hồn họ bay bổng, đậm chất nghệ sĩ đến thế!

Tận hưởng và yêu

Du lịch đã “tàn phá” nhiều làng quê, nhưng không thể làm sứt mẻ Ubud một chút nào. Du khách tràn ngập khắp Bali suốt bao nhiêu năm nay, Ubud cởi mở đón tiếp và không ngừng phát triển dịch vụ theo ngành du lịch của toàn đảo. Tại Ubud và các làng lân cận, du khách có thể nghỉ tại hàng trăm resort lớn, khách sạn 5 sao, và hàng ngàn khách sạn nhỏ cung cấp dịch vụ lưu trú; cũng như dễ dàng tìm thấy nhiều spa đẳng cấp thế giới, nhiều nhà hàng chất lượng với đủ loại phong cách ẩm thực địa phương, ẩm thực Âu, Á… Nhưng tất cả những tiện nghi hiện đại ấy đều được “cài đặt” vô cùng hợp lý với cảnh quan chung, không hề làm ảnh hưởng đến dáng dấp của làng quê mà còn tạo cảm giác như chúng thực sự thuộc về làng quê này.

Quả thực, chất liệu cuộc sống ở Ubud quá tuyệt vời, cộng đồng dân cư với “tính cách Balinese” quá đặc sắc, đã tạo nên một vùng quê đầy phóng khoáng, thi vị. Nhưng điều đặc biệt đáng yêu hơn cả, chính là một Ubud vô cùng cá tính và tạo được ảnh hưởng tốt đẹp với những người khách ghé qua đây, một Ubud nổi bật giữa Bali nổi tiếng không phải bởi những điều quá mới mẻ và gây bất ngờ, mà là bởi chính những giá trị vốn có của mình.

Ruộng bậc thang

Kết thúc bài viết mà tôi không hề muốn kết thúc này, với cảm giác như lúc phải rời khỏi Ubud mà không hề muốn chia tay chút nào, tôi có một lời gợi ý với những người phụ nữ thân yêu của mình. Đến Bali, không thể không ghé Ubud! Nếu bạn luôn yêu thích được thư giãn trong không gian xinh đẹp và ăn những món ngon, hãy dành thời gian cho những quán cà phê của Ubud và đến nhà hàng Bebek Bengil thưởng thức món vịt chiên giòn cùng các món ăn Bali. Mà tuyệt vời nhất là thả mình vào một trong những bể bơi ngoài trời tuyệt trác của Ubud, nếu bạn có thể dành một hay hai đêm lưu lại ngôi làng này, để tận hưởng và để cảm nhận tình yêu cuộc sống!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment