"Xem luôn, mua ngay": Chiêu mới của thời trang cao cấp • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Xem luôn, mua ngay”: Chiêu mới của thời trang cao cấp

Sự cạnh tranh và công nghệ phát triển khiến Burberry, Tom Ford… muốn xóa sổ truyền thống 6 tháng đợi sản phẩm ra thị trường để tung mọi thứ lên mạng.

Ngành công nghiệp thời trang, với giá trị ước tính khoảng 1,2 nghìn tỷ USD trong năm 2015, hoạt động theo một quy tắc bất di bất dịch: các nhà mốt phải chờ 6 tháng sau khi trình diễn mới tung sản phẩm ra thị trường.

Trong 6 tháng, dựa trên đơn hàng nhận được, hãng sản xuất số lượng tương ứng cũng như chuẩn bị chiến dịch quảng cáo, bán hàng theo tháng. Cuối cùng, sản phẩm được xuất hiện tại các cửa hiệu và trang bán hàng trực tuyến. Theo các tạp chí thời trang, 6 tháng là khoảng thời gian hợp lý giúp các nhà mốt cao cấp hạn chế áp lực cũng như rủi ro của việc sản xuất đồ hàng loạt nhằm phục vụ nguồn cầu tăng đột biến từ thị trường. Thế nhưng với sự bùng nổ của công nghệ số, mạng xã hội và các thương hiệu giá rẻ như Zara, H&M… các nhà mốt cao cấp phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn, điển hình là việc bị lấy cắp mẫu.

Hầu hết mẫu quần áo dành cho mùa mới của họ đều bị nhãn hàng giá rẻ copy ngay sau buổi ra mắt. Chúng được sản xuất hàng loạt và tung ra thị trường sớm hơn tới tận bốn tháng so với lịch trình chung. Chưa kể, với mức giá bán thấp hơn vài trăm lần, sản phẩm của thương hiệu cao cấp khi ra mắt gần như không còn lợi thế.

Burberry và Tom Ford là hai tên tuổi tiên phong thay thế “quy tắc 6 tháng” xưa cũ bằng mô hình bán hàng “See Now Buy Now” (xem luôn, mua ngay).

Burberry tuyên bố từ tháng 9, các thiết kế mới sau khi được giới thiệu sẽ có mặt ở showroom ngay lập tức, đồng thời xuất hiện ở các cửa hàng bán lẻ một thời gian ngắn sau đó. Tom Ford thì chọn cách ra mắt thiết kế muộn hơn bình thường. Thay vì trình diễn vào tháng 2 hàng năm, hãng chờ tới tháng 9 mới giới thiệu bộ sưu tập Thu Đông 2016 rồi tung luôn sản phẩm ra thị trường.

Những động thái của Tom Ford và Burberry đã gây ra cuộc tranh cãi nảy lửa trong giới chuyên môn cũng như cộng đồng yêu thời trang trên thế giới.

Burberry và Tom Ford là hai thương hiệu khởi đầu chiêu thức kinh doanh mới này.

Burberry và Tom Ford là hai thương hiệu khởi đầu chiêu thức kinh doanh mới này.

Phía ủng hộ tin rằng bước tiến này giúp các nhà mốt hạn chế tối đa rủi ro bị nhãn hàng giá rẻ ăn cắp thiết kế cũng như tận dụng hiệu ứng sau show. Thêm vào đó, khách hàng có thể theo dõi các bộ sưu tập mới mọi lúc mọi nơi trên mạng. Họ không cần những tấm vé mời để tới tận điểm diễn hay chờ hàng tháng để cập nhật trên báo chí. Theo đó, chẳng còn lý do nào để bắt khách hàng chờ tới 6 tháng cho một sản phẩm mà họ có thể tìm mua tương tự với giá rẻ hơn rất nhiều chỉ vài tuần sau buổi giới thiệu.

Tập đoàn LVMH đang sở hữu các thương hiệu Dior, Louis Vuitton… có phần cởi mở với xu hướng này. Họ thử nghiệm hình thức bán hàng mới cho hãng Loewe. Trong khi một số ông lớn thời trang gồm Francois Henri Pinault – chủ tịch tập đoàn Kering – vốn sở hữu các thương hiệu như Saint Laurent, Gucci hay Alexander McQueen, lại thận trọng.

Gucci vẫn đứng ngoài cuộc chơi mới mẻ này.

Gucci vẫn đứng ngoài cuộc chơi mới mẻ này.

Francois Henri Pinault tuyên bố tạm thời không có bất cứ thương hiệu trực thuộc tập đoàn của mình gia nhập xu hướng “Xem luôn, mua ngay”. Ông cho rằng 6 tháng chờ đợi có ý nghĩa nhất định đối với các thương hiệu cao cấp, không phải chỉ dừng lại ở mỗi vấn đề doanh thu. Sự chờ đợi của khách hàng cho thấy khát khao được sở hữu sản phẩm của họ tới đâu và giấc mơ về sự xa hoa, sang trọng mà mỗi nhãn hàng mang lại như thế nào.

Karl Lagerfeld – giám đốc sáng tạo kiêm “người hùng” một thời của Chanel – cũng không mấy mặn mà với trào lưu bán hàng mới. Ông cho biết ngành công nghiệp thời trang không chỉ có nhà mốt và người mua. 6 tháng được đưa ra là để nhà mốt chế tác mọi sản phẩm một cách tỉ mỉ, tạp chí thời trang có những tấm hình quảng cáo lộng lẫy và người tiêu dùng suy nghĩ thật kỹ trước khi bỏ ra một số tiền lớn để sở hữu sản phẩm. “Sự thay đổi này sẽ biến nền công nghiệp thời trang thành một mớ hỗn độn”, ông cho biết.

Karl Lagerfeld cũng không mấy hào hứng với chiêu thức mới này.

Karl Lagerfeld cũng không mấy hào hứng với chiêu thức mới này.

Trong thực tế, bất cứ sự thay đổi nào cũng cần thời gian để kiểm nghiệm kết quả. Dù muốn hay không, mô hình “Xem luôn, mua ngay” đang trở thành một bước chuyển mới của thời đại. Theo Guardian, hầu hết nhà mốt lớn nhỏ từ hai kinh đô thời trang New York và London đã lần lượt tham gia trào lưu bán hàng này. Các chuyên gia tiên đoán dù sớm hay muộn, Milan và Paris cũng sẽ phải xem lại quan điểm của mình và thay đổi.

Tuy vậy, điều này không đồng nghĩa với việc ngành thời trang cao cấp phải lật đổ mọi giá trị cũ mình từng tôn vinh để chạy theo thị hiếu hiện đại.

Karl Lagerfeld từng bộc bạch: “Bạn biết đấy, thế giới thay đổi từng ngày, dù không phải lúc nào cũng tốt lên. Chúng ta phải bước theo để đuổi kịp thời đại. Nhưng sẽ luôn có cách, chứ không phải đạp đổ hết cả một hệ thống lâu đời. Bên cạnh sáu bộ sưu tập truyền thống, Chanel còn có một bộ sưu tập “Capsule” không hề được trình diễn, chỉ khi có mặt ở cửa hàng, báo giới, người tiêu dùng, thậm chí cả nhân viên mới biết nó đã ra mắt. Có thể sắp tới tôi sẽ trình làng một bộ sưu tập online và chỉ bán cho khách hàng trực tuyến. Họ có thể mua ngay khi các sản phẩm ra mắt, đó cũng là một ý hay, phải không?”

Theo VnExpress

Comment