Dẫu cho bạn đã là một tay lái lụa hay đang chuẩn bị tậu xế hộp thì những quy tắc an toàn không bao giờ thừa và rất cần “ôn lại”. Bởi, nhiều khi, chỉ một khoảnh khắc thiếu an toàn đã phải đánh đổi bằng những cái giá quá đắt. Và một khi đã ngồi lên xe và ở vai trò người lái, an toàn là điều đầu tiên và trên hết bạn phải nhớ.
Quy tắc địa hình
Ngay cả ở những địa hình tưởng chừng an toàn nhất cũng vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm nếu bạn mất tập trung. Cho dù bạn đang lái xe ở đâu, trên đường cao tốc hay leo dốc, đổ đèo thì quy tắc đầu tiên của sự an toàn vẫn là ở sự tập trung.
Đường cao tốc:
Quả thật, đường cao tốc có quá nhiều điểm hấp dẫn, không giao lộ, không đèn đỏ, không người đi bộ, không xe máy cản trở. Nhưng cũng chính ưu điểm này mà một khi xảy ra tai nạn trên đường cao tốc lại rất thương tâm. Nên trên những cung đường thẳng tắp này, ngoài sự tập trung bạn hãy nằm lòng những quy tắc sau:
- Đảm bảo hệ thống phanh, đèn, lốp vẫn hoạt động tốt trước khi xuất phát.
- Hết sức cẩn trọng khi bắt đầu vào và thoát khỏi đường cao tốc. Chạy đúng phần làn của mình, tuyệt đối không lấn làn, quan sát các xe đang chạy và chạy đúng tốc độ quy định.
- Tuyệt đối tuân thủ quy tắc khoảng cách an toàn 50m và quy tắc 3 hoặc 5 giây. Nghĩa là, bạn hãy cách xe trước, sau ít nhất từ 4-6 vạch.
- Hạn chế những thao tác ngoài lái xe để không ảnh hưởng đến sự tập trung.
Đường đèo, núi:
Sự khó nhằn của lái xe đường đèo, núi thì ai cũng đã được nghe và không phải tài xế nào cũng đủ dũng cảm, kinh nghiệm để xử lý trên những cung đường nguy hiểm này. Nhưng dù bạn có cầm lái hay không trên những đoạn đường đèo cũng nên biết những quy tắc an toàn vì chắc chắn, nó sẽ ít nhiều giúp bạn an toàn hơn.
- Có đến 70% tai nạn xảy ra do sự mất tập trung. Lái xe đường đèo lại càng đòi hỏi người cầm lái phải tập trung cao độ.
- Trước khi xuất phát, bạn phải đảm bảo hệ thống phanh, đèn vẫn hoạt động tốt, bề mặt, áp suất lốp vẫn ổn, dầu nhớt thay đúng định kì.
- Chạy với tốc độ vừa phải để không phải sử dụng hệ thống phanh liên tục. Dẫu đã quá nhàm thì bạn vẫn cứ hãy nhớ quy tắc, lên số nào xuống số đó.
- Hãy dừng chân ở từng chặng để bạn được nghỉ ngơi còn xe thì được làm mát động cơ.
- Với những cung đường ngoằn nghèo, hãy bỏ qua quy tắc bám vạch đường. Nó rất nguy hiểm khi gặp xe ngược chiều vào vòng cua.
Quy tắc về thời tiết
Vẫn biết là khi thời tiết gây khó khăn cho người lái như sương mù, bão gió bạn sẽ hạn chế ra đường, tuy nhiên không phải lúc nào bạn cũng nắm thế chủ động. Và bởi thế, bạn cứ hãy đọc và nhớ những lưu ý dưới đây:
Mưa lũ:
Những cơn mưa xối xả gây ngập lụt ở các tỉnh miền Bắc vừa qua chẳng hạn, bạn sẽ làm gì nếu đang lái xe vào đúng vùng đang mưa lớn thậm chí ngập lụt. Dưới đây là những điều bạn hãy lưu tâm để bạn và những người trong xe an toàn đồng thời tránh những hư hại cho “người bạn đường” của mình:
- Xác định độ sâu, hãy nhớ, mực nước an toàn là không được phép vượt qua tâm (trục) bánh xe. Ngoài ra, bạn cũng cần phải xác định mực nước an toàn đối với bình ắc quy, lọc gió, các đường ống dẫn…
- Khi buộc phải qua các vùng nước ngập, hãy tắt hết điều hòa, loa đài… Hãy tuân thủ quy tắc, về số thấp, ga lớn hơn bình thường, giữ tốc độ vừa phải, tránh đi quá nhanh bởi nước sẽ vào gây hư hại nhưng nếu đi quá chậm, nước sẽ vào ống xả gây chết máy.
- Trong trường hợp chết máy khi ngập, hãy chấp nhận chứ đừng khởi động lại. Thay vào đó hãy tìm cách bảo vệ xe bằng cách tắt chìa khóa để bảo vệ các thiết bị điện tử đồng thời gọi ngay cho đội cứu hộ.
Dông, lốc:
Nếu chẳng may phải đối diện với những cơn dông, lốc bất ngờ thì đây chính là chỉ dẫn an toàn dành cho bạn:
- Cây cối sẽ đổ rất nhiều, cột điện, dây điện và các “vật thể bay” có thể sẽ gây nguy hiểm cho bạn. Nên tốt nhất hãy tìm một chỗ trú an toàn.
- Trong trường hợp buộc phải lái xe, hãy lái với tốc độ chậm, giữ chắc tay lái, quan sát và cố gắng tránh xe có trọng tải lớn vì nó sẽ gây ra những luồng khí xoáy rất có thể sẽ gây nguy hiểm cho bạn.
- Giảm tốc khi vào cua và xử lý phanh thật khéo.
- Tránh đỗ xe dưới gốc cây và cột điện.
Sương mù:
Khi phải lái xe trong điều kiện thời tiết sương mù, đặc biệt là tình trạng sương mù dày đặc luôn cần nhớ:
- Nhiều người vẫn hay nhầm tưởng đèn gầm (ánh sáng trắng) là đèn sương mù (ánh sáng vàng). Một khi xác định mình phải đương đầu với loại hình thời tiết này, hãy đảm bảo xe được trang bị đèn sương mù. Tuy nhiên, cánh lái xe vẫn truyền tai nhau mẹo nhỏ, dùng những miếng nilon màu vàng dán vào đèn pha để có tác dụng gần giống như đèn sương mù. Bởi trong điều kiện sương mù, ánh sáng trắng của đèn gầm và đèn pha sẽ bị tán và hấp thụ sáng nên không thể tăng khả năng quan sát.
- Sương mù cũng đồng nghĩa với đường sẽ trơn nên bạn hãy chú ý lái chậm và sử dụng phanh hợp lý, tránh phanh gấp.
- Không để kính chắn gió bị mờ, sử dụng chức năng sấy kính của điều hòa để kính luôn trong tình trạng trong suốt.
- Tuyệt đối không dừng lại giữa đường.
Lưu ý
Dây an toàn:
- Thắt dây an toàn ngay cả khi bạn ngồi ghế sau.
- Với trẻ em, hãy sắm những chiếc ghế phù hợp với xe của bạn. Vị trí an toàn nhất cho trẻ là ở hàng ghế sau với ghế riêng cho trẻ em và thắt dây an toàn. Việc bạn bế bé ngồi ghế trước cũng rất nguy hiểm một khi va chạm xảy ra, túi khí bung ra có thể gây sát thương lớn cho trẻ.
Điều hòa:
- Rất nhiều tai nạn do bị ngạt khí đã xảy ra khi bạn ngủ trong xe và bật điều hòa. Vì thế, hãy hạ kính xuống một chút để không khí lưu thông khi bạn ngủ trong xe và bật điều hòa. Ngoài ra, hãy đặt chuông đồng hồ khoảng chừng 30 phút – 1 tiếng để tránh tình trạng bị ngạt.
Góc phụ nữ
- Với các bà bầu, hãy hạn chế lái xe. Một khi lái, thắt dây an toàn là điều hết sức lưu ý. Hãy để nửa dây phía dưới ngang hông, bên dưới phần bụng, tuyệt đối không đặt trực tiếp lên bụng, nửa dây phía trên để giữa ngực.
- Phụ nữ thì không thể thiếu đôi giày cao gót nhưng khi lái xe, hãy thay bằng một đôi đế bệt để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người trên xe.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN