Mỗi buổi tiệc đều mang ý nghĩa riêng của nó, và một trong những điểm cốt lõi làm nên dấu ấn của tiệc chính là trang phục của người dự tiệc. Hãy điểm qua một số phong cách thời trang của những năm 20 mang đậm phong cách Gatsby để có thể diện lên cho mình những thiết kế lộng lẫy và xa hoa nhất.
Văn hóa váy Flapper
Là cột mốc quan trọng của một thời kỳ lịch sử đầy biến động, thập niên 20 đã “từ chối” các chuẩn mực thẩm mỹ của thế kỷ trước, khiến chúng nhanh chóng trở nên lỗi thời. Lối ăn mặc trong thời kỳ này trở thành biểu tượng của một thế hệ phụ nữ tự do và đấu tranh cho nữ quyền. Thế kỷ XXI, vòng lặp của thời trang đã mang những chuẩn mực thẩm mỹ đó quay trở lại. Cảm hứng thời trang thập niên 20 trở thành “món ăn” tinh thần của các nhà thiết kế và thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.
Không chỉ là thời trang, những chiếc váy Flapper ra đời từ sự du nhập nền nhạc Jazz của Mỹ vào châu Âu còn là văn hóa của cả thập niên 20, lịch sử gọi thời kỳ này là “The Roaring Twenties” (Những năm 20 gào thét). Từ “Flapper” là tiếng lóng để ám chỉ những người của “thế hệ mới”, những phụ nữ phương Tây muốn xé bỏ rào cản truyền thống và trở nên bình đẳng, vô cùng phóng khoáng, táo bạo, tự do và quyến rũ.
Họ ưa thích những chiếc váy suông hạ eo mang phom dáng thẳng mượt không gò bó, để lộ cánh tay và cổ khoét sâu, eo trễ, che giấu đi đường cong cơ thể và phô diễn sự thướt tha, lả lướt khi di chuyển hoặc nhảy múa trong những điệu nhạc Jazz. Yêu kiều nhưng cũng rất “nam tính”, như cách mà người Pháp gọi những “cô gái Flapper” là “La Garçonne”, có nghĩa là những người phụ nữ thích làm đàn ông.
Màu sắc phổ biến của giai đoạn này thiên về tính tối giản với các gam màu đơn sắc trung tính. Trong khi đó, họa tiết lại ảnh hưởng bởi trào lưu chủ nghĩa siêu thực (Surrealism), Art Nouveau hay Art Deco. Chất liệu được ưa chuộng là nhung, ren, kim tuyến, chiffon…đính trang trí tua rua, sequins, lông vũ, hạt đá… khiến cho những chiếc váy Flapper trở nên cầu kỳ, tỉ mỉ và kiêu sa.
Phụ kiện cho nàng
Để hoàn hảo hơn khi diện những chiếc váy Flapper cổ điển và sang trọng ở buổi tiệc tối, phụ kiện là món không thể thiếu với các nàng.
Trang sức
Băng đô lông vũ, pha lê với hoa văn cầu kỳ, những chiếc vòng cổ hạt dài, trang sức ngọc trai, hoa tai đính đá hay vòng đeo tay bằng vàng… là những món phụ kiện điển hình thể hiện tinh thần Gatsby đậm nét nhất.
Đặc biệt, đây là thời điểm ngọc trai được nuôi cấy nhân tạo thành công khiến chúng trở nên thịnh hành, kiểu dáng đa dạng và giá cả phù hợp. Từ chiếc vòng cổ quấn nhiều vòng, hoa tai hạt tròn, hay vòng tay tỏa sáng, những món trang sức ngọc trai là điểm nhấn cho những chiếc váy flapper xúng xính điệu đà.
Bạn có biết:
Ngọc trai được mệnh danh là nữ hoàng của trang sức thập niên 20 bởi sự sang trọng lẫn địa vị mà chúng điểm tô cho chủ nhân của mình. Chuỗi ngọc ngoài việc giúp quý cô trở nên kiêu sa đài các còn là lời tuyên ngôn mạnh mẽ tựa đặc quyền dành riêng cho phái đẹp. Và dù là ngọc tự nhiên hay nuôi cấy vẫn vẹn nguyên sự độc đáo và huyền bí, những năm đầu thập niên 20, giới quý tộc vốn ưu ái chọn cách đeo ngọc thành vòng tầng cách đều nhau. Và ngày nay thông qua sự đa dạng màu sắc và độ dài của ngọc bạn hoàn toàn có thể gợi mở thông điệp mang cá tính của riêng mình.
Nón chuông
Được gọi tên theo hình dáng, chiếc nón cloche lần đầu tiên ra mắt vào năm 1908 bởi nhà thiết kế mũ Caroline Reboux. Tuy nhiên, mãi đến những năm thập niên 20 mới trở nên thịnh hành. Để đội được kiểu nón này là kiểu tóc đặc biệt, được sinh ra vốn dành riêng cho nó: tóc Eton crop đem đến cho quý cô vẻ đẹp cổ điển và tiểu thư đài các.
Giày
Sự kết hợp của váy Flapper cùng các kiểu giày quai chữ T đế thấp như Mary Janes hay giày Oxfords sẽ biến bạn thành một tín đồ thực thụ của thời trang thập niên 20. T-strap là kiểu giày điển hình của thập niên này với thiết kế bít mũi, gót cao vừa phải. Ngoài ra, các kiểu giày gót mảnh đã được sử dụng ở thời kỳ trước cũng được phối hợp với váy Flapper như Colonial pumps, Oxford, Galoshes,…
Khăn choàng
Niềm cảm hứng vô tận với phái đẹp trong thời kỳ này là chiếc khăn choàng cổ. Những mẫu khăn to bản thường được yêu thích sử dụng với họa tiết vẽ tay, hình học, paisley, Art Deco… Chất liệu được ưa chuộng là lụa, nhung, thêu ren cầu kỳ hoặc viền tua. Khăn lông thú cũng rất phổ biến, đặc biệt là trang phục buổi đêm. Bên cạnh đó là những mẫu khăn lụa mỏng được thắt nơ duyên dáng choàng vai hay dùng làm băng đô cái tóc.
Trang điểm
Phong cách trang điểm thịnh hành nhất thời kỳ này là chân mày mảnh dẻ, mắt đánh tạo khối với lớp nhũ lấp lánh, phấn má được thoa tán theo bầu má cùng son đỏ matte với đường viền môi trái tim. Mọi thứ sẽ hoàn thiện nhất nếu bạn diện kiểu tóc pixie hoặc tóc bob uốn xoăn ôm sát khuôn mặt.
Mua ở đâu?
- Trang sức ngọc trai Long Beach Pearl: Ô M27-M28, TTTM Vincom Đồng Khởi, 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM
- Trang phục và phụ kiện Karen Millen: Ô M31-M32, TTTM Vincom Đồng Khởi, 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM
- Giày Casadei: Ô L5-L6, TTTM Saigon Centre, 65 Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM
- Mỹ phẩm Image Skincare: 241Bis Hai Bà Trưng, P.6, Quận 3, TP.HCM
- Mỹ phẩm trang điểm Nars: TTTM Vincom Đồng Khởi, 72 Lê Thánh Tôn, Quận 1, TP.HCM
Biểu tượng vest 3 lớp
Hình ảnh người đàn ông vĩ đại Gatsby trong bộ phim The Great Gatsby luôn lịch thiệp, sang trọng trong những mẫu vest 3 lớp thẳng thớm nhạt màu, tóc chải chuốt bóng bẩy chính là biểu tượng của phái mạnh Mỹ trong những năm thập niên 20. Nhà mốt Brooks Brothers chính là nhà cung cấp trang phục cho toàn bộ những quý ông trong thế giới của The Great Gatsby. Có đến hơn 500 bộ trang phục của Brooks Brothers được dùng trong phim như bộ vest đuôi tôm, áo cardigan, dải cà vạt club tie đặc trưng của câu lạc bộ thượng lưu ở Mỹ, chiếc mũ rơm thắt băng lụa sậm màu…
Màu sắc tiêu biểu cho trang phục nam trong thời đại này cũng là những sắc màu trung tính nhạt như xám, trắng, ngà, nâu và pastel cùng với họa tiết kẻ sọc được các quý ông săn lùng và ưa chuộng.
Một bộ vest hoàn chỉnh thường bao gồm áo sơ mi, áo vest khoác ngoài, ghi lê không tay và quần tây ống suông trên chất liệu đặc trưng là linen, tweed,… và dĩ nhiên không thể thiếu các kiểu cà vạt hoặc nơ cổ đa chủng loại. Kiểu áo tuxedo cũng được phái mạnh những năm 20 ưa chuộng cho các đêm tiệc.
Ngoài ra, tùy theo sở thích và phong cách của mỗi người có thể kết hợp các màu sắc lại với nhau thay vì theo một tông màu, hoặc phá cách với kiểu áo cardigan thay vì áo vest truyền thống.
Phụ kiện cho chàng
Giống như các nàng phong cách “Flapper”, đàn ông cũng rất chú trọng đến phụ kiện. Nam giới thời đại này thường chọn những phụ kiện pha trộn giữa yếu tố hiện đại và cổ điển, nổi bật như khăn vuông bỏ túi, khuy măng sét tô điểm cho áo vest, mũ phớt fedora, mũ beret, mũ boater hay đồng hồ bỏ túi kèm dây chuyền treo lủng lẳng từ bên trong hay gậy đi bộ… Mọi chi tiết nhỏ nhất đều được các quý ông chăm chút vô cùng kỹ lưỡng.
Bỏ qua những đôi giày da lịch lãm, những đôi giày Oxfords đậm chất “vintage” và thời thượng sẽ giúp các quý ông hoàn thiện set đồ mang đậm nét đặc trưng của phong cách cổ điển thập niên 20.
Mua ở đâu?
- Trang phục và phụ kiện Brooks Brothers: Ô L19-L20, TTTM Saigon Centre, 65 Lê Lợi, Quận 1, TP.HCM
- Giày và phụ kiện Bonia: TTTM Crescent Mall, 101 Tôn Dật Tiên, P.Tân Phú, Quận 7, TP.HCM
Có thể bạn quan tâm: