Một nụ cười tỏa sáng luôn là mơ ước của tất cả mọi người và đến thời điểm hiện tại, việc có được một hàm răng trắng đều không còn khó thực hiện. Tuy nhiên, giữa hai phương pháp dán sứ veneer hay bọc răng sứ được các nha sĩ sử dụng hiện nay, biện pháp nào sẽ phù hợp nhất?
Dán sứ veneer và bọc răng sứ đều là những phương pháp thẩm mỹ răng với mục đích làm răng trắng sáng, nhờ đó cải thiện nụ cười giúp chúng ta tự tin hơn. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng răng miệng, mỗi phương pháp sẽ có cách ứng dụng khác nhau mà chỉ có chuyên gia mới có thể chỉ định.
Tiếp nối chuyên mục Health Care về sức khỏe răng miệng kỳ trước, kỳ này Tạp chí Nữ Doanh Nhân đã mời bác sĩ Anna Trần – Founder & CEO Platinum Dental Group tư vấn cho độc giả những kiến thức rõ nét hơn về hai phương pháp thẩm mỹ răng đang rất được ưa chuộng hiện nay.
***
DÁN SỨ VENEER
Sử dụng mặt dán sứ (veneer) hay thường được gọi là dán răng sứ veneer là phương pháp thẩm mỹ răng thịnh hành trên thế giới hiện nay. Đây là phương thức phục hình răng bằng cách dán vật liệu sứ rất mỏng (chỉ dày khoảng 0,5 mm) ở mặt ngoài hay mặt nhai của răng nhằm thay đổi hình dạng, màu sắc của răng, mang lại kết quả thẩm mỹ mong muốn.
ƯU ĐIỂM
- Giảm tối đa việc mài răng:
Với mặt dán sứ siêu mỏng, phương pháp dán veneer giúp bảo tồn răng thật tối đa, không gây ảnh hưởng chức năng ăn nhai hoặc gây ê buốt. Các nha sĩ chỉ cần mài lớp bên ngoài răng rất mỏng từ 0,3 – 0,5 mm, thậm chí có thể không cần mài răng trong nhiều trường hợp.
- Không can thiệp tủy răng:
Việc không tác động đến tủy răng, không gây đau nhức chính là ưu điểm nổi trội của phương pháp này. Điều đó có nghĩa là tủy răng sẽ được bảo vệ tối đa.
- Tính thẩm mỹ cao, bền đẹp:
Bác sĩ Anna Trần cho biết, mặt dán sứ có màu sắc trắng sáng và cực kỳ mỏng nên sau khi dán, màu sắc từ răng thật sẽ ánh ra bên ngoài, tạo nên nét đẹp tự nhiên và rất giống răng thật. Bên cạnh đó, tuổi thọ của mặt dán sứ rất cao, có thể bền đẹp từ 10-15 năm nếu được chăm sóc đúng cách.
- Đảm bảo chức năng ăn nhai, không ảnh hưởng khẩu vị:
Một ưu điểm khác của mặt dán sứ là không gây vướng víu khi ăn. Cảm giác nhai của hàm gần như không thay đổi hay có sự khác biệt nào về khớp cắn so với trước khi dán.
- Không mất nhiều thời gian thực hiện:
Bạn chỉ cần đến nha khoa từ 2-3 buổi là đã hoàn thành phương pháp dán sứ veneer, rất tiết kiệm thời gian mà vẫn mang về hàm răng trắng sáng, nụ cười tự tin.
NHƯỢC ĐIỂM
Do độ mỏng của mặt dán sứ, đối với những răng nhiễm màu xám quá nặng, màu sắc răng sau khi dán có thể không đạt được độ trắng sáng như mong muốn.
ĐỐI TƯỢNG NÊN THỰC HIỆN
Kỹ thuật dán sứ veneer thường được các bác sĩ nha khoa khuyên dùng trong những trường hợp như răng khấp khểnh, mọc lệch ở mức độ nhẹ, răng bị ố vàng, nhiễm Fluor, Tetracycline nhẹ hoặc men răng xấu, răng bị mòn, không nhẵn bóng. Bên cạnh đó, răng bị thưa, hở kẽ hay bị mẻ, nứt vỡ nhỏ cũng được ưu tiên dùng biện pháp này, hoặc chỉ đơn giản là muốn cải thiện màu sắc răng nhưng muốn giữ răng gốc tối đa.
BỌC RĂNG SỨ
Bọc răng sứ (hay còn gọi là bọc mão răng) là kỹ thuật sử dụng vật liệu sứ để che phủ hoàn toàn phần răng thật nhằm phục hồi hình dạng, kích thước và bảo vệ răng trong một số trường hợp. Ngoài ra, phương pháp này còn được chỉ định để cải thiện độ thẩm mỹ cho răng.
ƯU ĐIỂM
Nhờ vào đặc tính che phủ tốt nên phương pháp bọc răng sứ đem đến tính thẩm mỹ cao. Phương pháp này cũng được nha sĩ tư vấn trong những trường hợp dán sứ veneer không hiệu quả.
NHƯỢC ĐIỂM
Theo bác sĩ Anna Trần, việc bọc răng sứ cũng không tránh khỏi những tác dụng phụ, và đòi hỏi phải được thực hiện đúng chỉ định và kỹ thuật, nếu không sẽ có những tác động có hại lên răng.
Cụ thể những tác dụng phụ có thể xảy ra là khiến răng nhạy cảm hơn. Đặc biệt đối với răng còn tủy, nếu mài quá nhiều hoặc che phủ không tốt, có thể dẫn đến viêm tủy, chết tủy. Nếu mão răng không được gắn khít sát với răng, có thể dẫn đến tình trạng tích tụ vi khuẩn, gây hôi miệng và sâu ngầm bên trong răng.
Một tình trạng nữa có thể xảy ra là viêm nướu răng, vừa giảm tính thẩm mỹ vừa gây chảy máu nướu và hôi miệng. Việc không được mài chỉnh khớp đúng còn có thể gây cộm khớp, làm bệnh nhân khó khăn khi ăn nhai, về lâu dài dẫn đến những vấn đề nặng hơn như chấn thương răng, hoặc rối loạn khớp.
ĐỐI TƯỢNG NÊN THỰC HIỆN
Những trường hợp nên bọc răng sứ là răng đã lấy tủy, thân răng bị đổi màu sau lấy tủy, hoặc răng đã bọc sứ trước đây nhưng không đạt. Đặc biệt, trường hợp răng bị nhiễm màu xám quá nặng mà phương pháp dán sứ veneer không thể mang đến màu sắc như mong muốn thì bọc răng sứ sẽ được chỉ định.
Có thể bạn quan tâm: