Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của màn hình và hình ảnh chính là độ phân giải. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ khái niệm này và những vấn đề xung quanh nó để chọn mua thiết bị công nghệ đúng nhu cầu
Độ phân giải là gì?
Chúng ta thường nghe nhắc nhiều đến “độ phân giải” của hình ảnh hay màn hình. Thực chất, khái niệm độ phân giải này được hiểu như là chỉ số điểm ảnh biểu hiện trên màn hình hay hình ảnh đó.
Điểm ảnh (hay còn gọi pixel) là nhân tố cấu thành hình ảnh. Rất nhiều điểm ảnh hợp lại sẽ tạo nên hình ảnh. Để dễ hình dung, bạn thử mở một hình ảnh bất kỳ trên máy tính, phóng to nhiều lần và thấy có những ô vuông màu, đó chính là pixel. Tất cả điểm ảnh trên hình ảnh này được gọi là độ phân giải hình ảnh. Một bức ảnh được chụp tùy loại máy ảnh mà có thể có đến vài trăm hay thậm chí vài triệu pixel theo chiều rộng và chiều dài.
Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây! |
Tương tự, màn hình các thiết bị điện tử, công nghệ như TV, điện thoại di động, laptop… được cấu tạo từ nhiều điểm ảnh, giúp hiển thị một hình ảnh hoàn chỉnh trên màn hình. Để dễ hình dung, bạn thử ghé mắt nhìn sát vào màn hình của một chiếc điện thoại giá rẻ, vì có độ phân giải thấp, tức ít điểm ảnh nên bạn rất dễ nhìn thấy nhiều ô vuông trên đó. Đó gọi là điểm ảnh cấu tạo nên hình ảnh trên màn hình thiết bị.
Độ phân giải chi phối kích thước điểm ảnh bằng cách xác định mật độ pixel tại một chỗ. Bạn sẽ nhìn thấy điều này đối với các thiết bị có thể tăng giảm độ phân giải màn hình: Khi tăng độ phân giải, điểm ảnh nhỏ cũng như dày hơn trên một diện tích hiển thị, dẫn đến hình ảnh đẹp, sắc nét và ngược lại.
Chẳng hạn, với màn hình có độ phân giải Full HD (1920×1080 pixel), tổng điểm ảnh là 1.920×1.080=2.073.600 điểm ảnh, gọi tắt là 2 megapixel. Ở độ phân giải này, hình ảnh hiển thị trên màn hình càng nhỏ càng đẹp và sắc nét vì mật độ điểm ảnh dày hơn.
Mật độ điểm ảnh trên màn hình các thiết bị công nghệ (TV, máy chiếu, điện thoại…) được tính bằng đơn vị ppi (pixels per inch). Riêng trong lĩnh vực in ảnh, độ phân giải không được tính bằng pixel mà bằng tổng điểm ảnh trên diện tích một inch vuông (dpi – dots per inch).
Khác biệt điểm ảnh giữa LCD và CRT
Màn hình CRT hiện không nhiều, thường thấy ở các TV đèn hình hay màn hình máy tính CRT. Trong khi đó, màn hình LCD (liquid-crystal display: tinh thể lỏng) lại rất nhiều và có hầu hết trên mọi thiết bị di động từ TV, laptop, điện thoại… Nguyên tắc tạo điểm ảnh của hai loại màn hình này khác nhau. Trong đó, CRT sử dụng huỳnh quang để hiển thị hình ảnh. Các tia lửa điện được phóng từ một ống phóng tia âm cực (CRT – Cathode ray tube) sẽ đập vào màn hình huỳnh quang để thể hiện điểm ảnh. Mỗi màu thể hiện trên màn hình được ghép từ ba màu cơ bản là đỏ, xanh lá và xanh dương. Còn LCD hiển thị hình ảnh dựa trên cấu trúc điểm ảnh cố định. Do vậy, khi mua thiết bị, bạn nên chọn loại có màn hình LCD với độ phân giải càng cao càng tốt để có chất lượng hiển thị đẹp hơn. Tất nhiên, độ phân giải càng cao đồng nghĩa giá cũng sẽ đắt hơn.
Lưu ý về độ phân giải khi mua thiết bị công nghệ
Trước tiên, bạn cần lưu ý tỉ lệ khung hình khi mua thiết bị, nhất là TV hay laptop. Tỉ lệ giữa chiều ngang và chiều dọc của màn hình CRT thường là 4:3. Với tỉ lệ này, hình ảnh hiển thị dạng vuông, không đẹp, nhiều nội dung hình ảnh và phim hiện nay sẽ bị “mất hai bên”. Tỉ lệ đang phổ biến có thể kể đến là 16:9 và 16:10. Trong đó, tỉ lệ 16:9 hiển thị các nội dung với chất lượng hình ảnh đầy đủ và đẹp nhất.
Tiếp theo là những chuẩn chính của độ phân giải đang được sử dụng trong các thông số sản phẩm. Những chuẩn này được quy định bởi Hiệp hội Điện tử (VESA). Những tên gọi của các chuẩn này tương ứng từng mức độ phân giải cho hình ảnh và màn hình, chi tiết như sau:
- VGA: 640×480 pixel, tỉ lệ khung hình 4:3
- SVGA: 800×600 pixel, tỉ lệ khung hình 4:3
- WVGA: 854×480 pixel, tỉ lệ khung hình 16:9
- WXGA: 1366-1280 pixel chiều ngang và 768-720 pixel chiều dọc khung hình, tỉ lệ 16:9
- XGA: 1024×768 pixel, mức này khá phổ biến, tỉ lệ khung hình 4:3
- UXGA: 1600×1200 pixel, tỉ lệ khung hình 4:3
- SXGA: 1280×1024 pixel, tỉ lệ khung hình 5:4
- SXGA+: 1400×1050 pixel, tỉ lệ khung hình 4:3
- WSXGA: 1920-1600 pixel chiều ngang và 1080-900 pixel chiều dọc khung hình, tỉ lệ 16:9
- QXGA: 2048×1536 pixel, tỉ lệ 4:3
- HD (hay HD 720p): 1280×720 pixel bắt nguồn từ truyền hình độ nét cao (HDTV), sử dụng 60 khung hình mỗi giây, tỉ lệ 4:3
- FHD (hay Full HD 1080p): 1920×1080 pixel, tỉ lệ 16:9
Trên thị trường hiện có các sản phẩm tiêu dùng hỗ trợ độ phân giải 4K, thường được gắn hỗ trợ Ultra HD hoặc Ultra High Definition. 4K thường có hai độ phân giải độ nét cao là 3840×2160 pixel hoặc 4096×2160 pixel. TV 4K được hiểu là tivi có độ phân giải cao gấp bốn lần so độ phân giải Full HD 1080p. Tuy nhiên, các sản phẩm hỗ trợ độ phân giải này hiện có giá rất cao.
Tùy theo nhu cầu mà bạn chọn sản phẩm có độ phân giải phù hợp. Với nhu cầu giải trí tại gia, bạn nên chọn TV có độ phân giải từ HD đến 4K. Hiện tại, HD hay Full HD đều có mức giá tương đối phù hợp túi tiền người dùng. Nếu mua thiết bị hỗ trợ làm việc, độ phân giải từ 1024×768 pixel là phù hợp, nhưng để không bị mỏi mắt khi sử dụng lâu, nên chọn mức cao hơn vào khoảng 1280×800 pixel trở lên.
Với thiết bị di động hiện nay, các dòng cao cấp đa số đã hỗ trợ HD hoặc Full HD trên kích thước màn hình từ 4 inches đến hơn 6 inches. Tuy nhiên, dù độ phân giải cao nhưng không phải thiết bị nào cũng có được chất lượng hiển thị đẹp và phù hợp với bạn nhất. Do vậy, bạn nên dành thời gian tham khảo và dùng thử tại các cửa hàng điện máy để chọn ra thiết bị ưng ý nhất.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN