Du lịch văn hóa và văn hóa du lịch • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Du lịch văn hóa và văn hóa du lịch

Khi nhận ra “món” du lịch văn hóa ngày càng được thế giới yêu thích, nhiều người không khỏi giật mình với một câu hỏi: Văn hóa du lịch của dân mình có ảnh hưởng tốt, xấu thế nào đến nồi canh ngon của ngành du lịch văn hóa nước nhà?

editedMảnh đất vàng?

Tục ngữ Việt Nam có câu: Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Tuy vậy, văn hóa đi du lịch của người Việt không chỉ là văn hóa đi “học khôn”. Người Việt ngày nay chủ yếu đi du lịch để ăn chơi, mua sắm, chụp ảnh đẹp đăng lên Facebook… giống bất cứ người nước ngoài nào. Nhưng phải công nhận rằng, kiểu du lịch mà người Việt thích nhất vẫn là đi chơi kết hợp với đi lễ.

Từ lâu, người Việt hay thích tổ chức thành nhóm, thành đoàn cùng đi chơi kết hợp đi lễ. Hay nói đúng hơn, người ta thích lấy cớ đi lễ để được đi chơi, như thể chỉ có đi “chơi suông” thì là một việc gì đó đáng xấu hổ. Có lẽ cũng cần phải thông cảm với những người Việt xưa, đặc biệt là các chị em phụ nữ, vốn quen được khen là yên phận, là cần cù chịu khó, hay lam hay làm. Chẳng thể nào mà những người như thế lại hân hoan thể hiện mình cũng thích phung phí thời gian cho các chuyến đi chơi vô thưởng vô phạt. Lại nữa, truyền thống lúa nước “trăm hay không bằng tay quen” cho phép người ta chỉ cần răm rắp rập khuôn những gì sẵn có, cứ quanh quẩn với xóm làng, cần gì tốn kém tiền bạc mà đi đâu xa xôi.

Xã hội phát triển theo chiều hướng khác đi, dần dà những quan niệm cũ mờ dần, song có vẻ những dư âm của thời đại cũ vẫn ảnh hưởng lên phông nền văn hóa của các thế hệ mới. Chuyện đi “học một sàng khôn” ngày nay đã được “khoán” cho mảng du học, nhưng du lịch thường niên và thu hút nhất vẫn theo một chủ đề: đi lễ. Cứ mỗi dịp năm mới âm lịch, nhìn người Việt nô nức du xuân đi lễ chùa là biết.

Vừa vui chơi lại khẩn cầu được may mắn, tội gì không kết hợp! Hiểu được cái nét văn hóa du lịch của người Việt như thế, nhiều tour đi chơi Hong Kong, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… hay bao gồm chương trình đi lễ. Nếu không có cái khoản lễ bái, thể nào nhiều bà nhiều cô cũng hỏi han, tranh thủ tự tìm đến những ngôi chùa, đền có tiếng linh thiêng. Đấy là đi nước ngoài, còn ở du lịch trong nước thì quá dễ để ví dụ. Nghe nói ở đâu có đền, chùa linh thiêng, người ta kéo nhau đến lễ bái, cầu khấn. Đặc biệt là các dịp lễ hội, người đi lễ nườm nượp.

Thử xem qua thống kê mới nhất của Cục Văn hóa Cơ sở, thuộc Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, cả nước có 7.966 lễ hội diễn ra mỗi năm, với nhiều lễ hội quy mô lớn thu hút hàng triệu lượt người tham gia như: lễ hội Đền Hùng (4 triệu khách), lễ hội Yên Tử (1,5 triệu khách), lễ hội Bà Chúa Xứ (2,5 triệu khách)… Nghe thật đáng vui mừng! Quả là một nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào để khai thác cho ngành du lịch văn hóa.

edited featured

Văn hóa và văn minh

Đã nói về du lịch văn hóa người ta hay nhắc đến văn hóa du lịch và sự văn minh. Liệu rằng những người thích du lịch văn hóa có hiểu được hết văn hóa du lịch mà bất cứ du khách nào cũng phải hiểu. Nó không chỉ là nhập gia tùy tục mà còn thể hiện được trình độ hiểu biết và thái độ cư xử có văn hóa. Vậy mới có chuyện, người Việt hay bị “chê” ồn ào ở nơi công cộng, vào chốn linh thiêng không để ý trang phục thế nào, ngay cả những cửa hàng bán đồ lưu niệm nước ngoài cũng ghi bảng tiếng Việt để ngăn thói quen tiện tay của không ít người… Thế nên, một lần nữa người ta lại lạm bàn về cái sự văn minh, hay văn minh lúa nước với những suy nghĩ làng xã vẫn cứ ám ảnh chưa nguôi lên nhiều thế hệ mới? Có lẽ không, vì suy cho cùng cách hành xử là của con người và ai cũng có quyền chọn mình sẽ trở thành người như thế nào!

Lại nói về những lễ hội hiến tế gây “sốc” kiểu như lễ hội “chém lợn”, lễ hội “đập đầu trâu”, lễ hội dẫm đạp lên nhau để “cướp” ấn, “cướp” lộc… vẫn có sức hút với khá đông đảo người dân địa phương, nhưng liệu sẽ gây ấn tượng thế nào với du khách bốn phương? Đó là câu hỏi làm đau đầu những người làm du lịch văn hóa. Với tài nguyên trên 7.000 lễ hội dân gian ở Việt Nam, hình thức du lịch văn hóa sẽ làm thỏa mãn những người có nhu cầu khám phá nền văn hóa và tất cả những yếu tố lịch sử, tín ngưỡng, nghệ thuật, ẩm thực…  tạo nên nền văn hóa riêng có mang đậm tính địa phương của dân bản xứ. Nhưng không phải là không có cơ sở khi nói rằng, lễ hội dân gian là “con dao hai lưỡi” – nếu thể hiện được nét đẹp của văn hóa địa phương thì sẽ ngày càng thu hút thêm du khách trảy hội, nếu nhộm nhoạm, tạo cảm giác thiếu an toàn, hay có không ít hành xử gây phản cảm thì còn ai dám góp mặt. “Con dao hai lưỡi” này quả thực đòi hỏi những người muốn sử dụng nó phải có kỹ năng “chơi” dao làm sao để khỏi đứt tay.

Nói đến văn hóa là nói đến con người, văn hóa là của con người và thuộc về con người. Thôi thì ta cứ ưu tiên người nhà trước, còn người lạ để sau. Dân mình rủ nhau đi chơi kết hợp đi lễ, hoan hỉ trảy hội, vui vẻ nội bộ với nhau cũng ấm cúng lắm rồi; còn các khách khứa thích hay không thì tùy. Cứ cho là du lịch văn hóa còn nhiều thứ để khai thác chứ đâu chỉ bấu víu vào lễ hội. Nhưng, chỉ sợ là, đến người nhà còn không chịu nổi cái văn hóa của nhau!

***
“Đã nói về du lịch văn hóa người ta hay nhắc đến văn hóa du lịch và sự văn minh. Liệu rằng những người thích du lịch văn hóa có hiểu được hết văn hóa du lịch mà bất cứ du khách nào cũng phải hiểu”
***

Bài viết và hình ảnh độc quyền từ Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Thế giới ẩm thực Ý tại ‘căn bếp’ Tavola

Trải nghiệm không gian làng Pháp tại Bà Nà Hills

 

Comment