Để lái xe không còn là nỗi ám ảnh - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Để lái xe không còn là nỗi ám ảnh

Những lần thực hành và thi lấy bằng lái xe cũng không thể giúp phái đẹp gạt qua nỗi sợ hãi mỗi khi chính thức cầm lái lưu thông trên đường.

Có khá nhiều phụ nữ thường rơi vào tình trạng “tài xế giấy”, nghĩa là dù đã sở hữu bằng lái nhưng chưa bao giờ đủ tự tin lái xe ra đường. Hầu hết các tai nạn do tài xế nữ gây ra là do đạp phanh chậm, không kiểm soát được tốc độ, không quan sát khi chuyển làn, giữ khoảng cách an toàn giữa các xe khi lưu thông… Nguyên nhân là do sự khác nhau trong tính cách của phụ nữ và đàn ông như năng lực về cảm giác không gian; ít quan tâm đến cơ chế, kỹ thuật của xe; tần suất lái xe ít, không hiểu biết về máy móc hay khả năng phản ứng tốc độ và hành động kém. Tuy nhiên, tự lái xe sẽ giúp bạn chủ động, rèn luyện kỹ năng cá nhân cũng như tự tin hơn trong cuộc sống hằng ngày. Đầu tiên, bạn cần dành thời gian thực hành nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, hãy áp dụng những biện pháp sau để khắc phục sự sợ hãi, đặc biệt từ những lần đầu ngồi sau vô lăng.

Tip 1: Hiểu rõ người bạn đồng hành

Trước tiên, hãy dành thời gian để tìm hiểu những bộ phận cơ bản và cách vận hành của chiếc xe. Điều đó có nghĩa là bạn phải hiểu đó là xe số sàn hay số tự động, vị trí từng bộ phận, nút bấm, chiều dài đầu xe… Bạn có thể sẽ mất một khoảng thời gian dài để tập làm quen, nhưng còn hơn cảm giác lạ lẫm hay lúng túng khi ngồi trên xe của mình. Trước khi lái xe, kiểm tra động cơ, phanh, vô lăng, đánh đèn… đảm bảo các chi tiết đều hoạt động ổn định nhằm giảm thiểu tai nạn không cần thiết. Sau cùng, hãy tự học một số thao tác sửa chữa cơ bản nhất như thay lốp dự phòng, kiểm tra dầu máy, hay dự đoán “bệnh” qua các tiếng lạ của động cơ. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, bớt hoang mang khi xe gặp sự cố, hoặc ít nhất để miêu tả chính xác hiện trạng cho thợ sửa chữa xe. Kể cả khi đã đỗ xe, hãy chắc chắn rằng các cửa sổ đã được đóng kín, không để lại đồ vật có giá trị trong xe, vị trí đỗ xe trong tầm nhìn hoặc luôn có người trông coi.

Tip 2: Để bản thân thoải mái khi lái xe

Khi đã ngồi yên vị sau vô lăng, đầu tiên bạn cần điều chỉnh lại ghế ngồi cho vừa tầm mắt và vô lăng. Hãy tựa lưng sát ghế, đặt thẳng tay lên đỉnh vô lăng, khi đã cảm thấy lòng bàn tay tiếp xúc vừa tầm với vô lăng, tiếp tục chỉnh lại các thành phần khác như gương chiếu hậu trong và ngoài, vị trí vô lăng, vị trí ghế theo tư thế chuẩn. Tầm nhìn tới gương chiếu hậu được cho là hợp lý khi bạn có thể nhìn thấy toàn bộ khung cảnh phía sau. Khi lái xe, tốt nhất nên mang theo giày bệt đế mềm. Mang giày cao gót khi lái xe sẽ khiến phụ nữ khó kiểm soát chân ga và chân phanh, mặt khác dễ gây ra hiện tượng đau nhức chân, bong gân, trật khớp. Đừng quên thắt dây an toàn, nhả phanh tay và vào ga nhẹ. Đảm bảo rằng đầu gối không quá cong khi ngồi thẳng vì có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành bàn đạp chân.

Tip 3: Chuẩn bị cho hành trình an toàn

Trước khi bắt đầu hành trình, hãy chọn cho mình lộ trình mà bạn cảm thấy biết rõ và thoải mái nhất. Để tránh bị phân tâm khi đang lái xe, hãy sử dụng chế độ Bluetooth cho các cuộc trò chuyện trên xe, không mở nhạc quá lớn và không trang điểm kể cả khi xe đang dừng đèn đỏ. Đối với xe số tự động, chỉ dùng chân phải để đặt vào phanh và ga, dùng chân trái làm điểm tựa để tránh tuyệt đối hiện tượng nhầm chân ga – phanh. Nếu vẫn chưa đủ tự tin, luôn nhớ: “Buông ga thì đạp thắng, buông thắng thì đạp ga”. Cạnh đó, những chiếc xe khác không phải lúc nào cũng đỗ đúng với khoảng cách an toàn mà bạn được học, hay xe máy hai bên sườn sẽ chen ngang và tạt đầu xe bạn bất cứ lúc nào. Dù vội đến đâu, hãy dành khoảng 5 giây để quan sát và mở cửa từ từ trước khi bước xuống xe để tránh va chạm với những xe đi sau. Nếu cẩn thận, chuẩn bị sẵn camera hành trình để tự bảo vệ mình trước những tai nạn ngoài ý muốn.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Có thể bạn quan tâm:

Giữ an toàn khi lái xe trong thai kỳ

Xử lý xe bốc khói

Comment