Cùng căn nguyên từ căn bệnh trầm cảm đáng sợ nhưng ảnh hưởng trực tiếp và hiển hiện rõ ràng thông qua các chỉ số sức khỏe vật lý, hội chứng rối loạn ăn uống đang dần trở thành mối nguy nhắm đến nhiều phụ nữ trẻ hiện đại.
Là tập hợp của những rối loạn phức tạp, hội chứng chỉ những thói quen ăn uống thất thường, xuất phát từ rối loạn ám ảnh cưỡng chế cân nặng, dáng người, đặc thù nghề nghiệp hay những yếu tố bất thường về tâm sinh lý, và có thể là từ môi trường xung quanh. Chính vì những nguyên nhân như vậy, đây là căn bệnh thường gặp ở các phụ nữ trẻ, những người thường chịu ảnh hưởng của các quan niệm về ngoại hình. Các hình thức phổ biến nhất của rối loạn ăn uống bao gồm:
Chán ăn tâm lý (Anorexia Nervosa)
Hội chứng này thường biểu hiện qua nỗi sợ đến ám ảnh về việc tăng cân, không muốn duy trì trọng lượng cơ thể ở mức khỏe mạnh, luôn cố gắng hạn chế số lượng thức ăn, nghĩ bản thân thừa cân kể cả khi thực tế họ bị thiếu cân. Về lâu dài, chứng này có thể gây tổn thương não bộ, suy đa tạng, loãng xương, các vấn đề về tim và vô sinh, thậm chí là nguy cơ tử vong.
Chứng ăn & nôn mửa (Bulimia Nervosa)
Biểu hiện của hội chứng này là việc ăn vô độ lặp đi, lặp lại, sau đó lại tự nôn mửa, và cuối cùng là không ăn bất cứ thứ gì trong thời gian dài, do lo sợ bị tăng cân hoặc cảm thấy không hài lòng với vóc dáng cơ thể hiện tại. Vòng tuần hoàn ăn vô tội vạ rồi lại ép đào thải ra thường xuyên có thể gây ra các vấn đề về đường ruột, tích nước, các vấn đề về tim do mất cân bằng điện giải.
Chứng ăn vô độ (Binge eating disorder)
Những người mắc chứng này thường sẽ mất kiểm soát trong việc ăn uống của mình, nhưng không kèm theo hành động ép buộc đào thải. Vì vậy, họ có thể bị béo phì và có nguy cơ mắc các bệnh khác, đồng thời thường xuyên trải qua cảm giác tội lỗi, đau khổ liên quan đến việc ăn uống.
***
➩ ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN ĂN UỐNG, HÃY ÁP DỤNG! ⇦
Mặc dù đã có lịch sử y tế đến 200 năm cùng hệ thống phân loại, mô tả chi tiết, với biến chứng y học nguy hiểm nhất là tử vong nhưng nhiều người vẫn cho rằng đây là một căn bệnh tưởng tượng và giả vờ. Ngay khi nhận thấy người thân hoặc chính mình có những biểu hiện trên, càng sớm càng tốt hãy áp dụng các biện pháp chăm sóc và giám sát y tế (tùy theo mức độ bệnh), lên chỉ định dinh dưỡng cụ thể cho từng bữa ăn và áp dụng những liệu pháp sau:
Liệu pháp EMDR
Do gốc rễ căn bệnh có liên quan đến chấn thương, rối loạn stress posttraumatic (PTSD) và rối loạn ăn uống, liệu pháp can thiệp lâm sàng này được xem là khá hiệu quả. Nguyên lý của biện pháp này dựa trên thói quen lưu giữ những dấu hiệu, âm thanh, suy nghĩ và cảm xúc thuộc về những chấn thương tâm lý. Bệnh nhân buộc phải tập trung nghiền ngẫm về điều này, đồng thời đánh mắt từ phải sang trái, lúc này bộ nhớ về những cảm xúc tiêu cực sẽ dần biến mất. Dù không điều trị trực tiếp, nhưng EMDR sẽ giúp chữa lành nguyên nhân gây ra cho những người bị rối loạn ăn uống.
Liệu pháp DBT
Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) là một loại liệu pháp tâm lý kết hợp các phần của liệu pháp hành vi nhận thức với các nguyên tắc chánh niệm. DBT đã được chứng minh là một phương pháp hiệu quả để thúc đẩy những thay đổi cần thiết liên quan đến rối loạn ăn uống và do đó có thể được sử dụng như một chiến lược điều trị hành vi, giúp bệnh nhân dần hình thành trở lại ý thức ăn uống, kiểm soát tình trạng rối loạn hiện tại, phát triển bản đồ dinh dưỡng phù hợp cho mục tiêu điều trị. Đầu tiên, bệnh nhân cần xác định những quan niệm không đúng đắn, sau đó thực hành kỹ năng đối phó và tập luyện cách đương đầu hoặc tránh những tình huống gợi nhớ bệnh.
Liệu pháp gia đình
Hay còn gọi là phương pháp tiếp cận Maudsley, các bác sĩ sẽ dùng thành viên gia đình, đặc biệt là cha mẹ như một nhân tố tham gia tích cực vào quá trình điều trị. Sức ảnh hưởng của những người thân thiết cũng như sự quan tâm sát sao của họ trong nhiều trường hợp sẽ giúp bệnh nhân hồi phục và cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng hơn.
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu là liệu pháp trò chuyện hoặc tư vấn tâm lý, bao gồm thảo luận về chứng bệnh và các vấn đề liên quan với chuyên gia sức khỏe tâm thần. Đây được xem như một phần điều trị cơ bản vì nó đem đến cơ hội cho bệnh nhân có thể giải quyết và hồi phục từ những biến cố trong tâm hồn, học được những kỹ năng và phương pháp đối phó lành mạnh hơn để diễn tả cảm xúc, giao tiếp và duy trì các mối quan hệ với quan niệm tích cực.
Sử dụng hormone
Oxytocin là một hormone tự nhiên trong cơ thể. Ngoài vai trò trong việc điều chỉnh nhận thức xã hội và hành vi, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng oxytocin dạng xịt mũi có thể tác động đến não, làm giảm cảm giác thèm ăn ở những người mắc chứng bulimia.
Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Xem thêm: