Hai từ “trách nhiệm” luôn có sức nặng riêng khiến chúng ta bối rối. Có người sẽ thấy sợ hãi và trốn chạy nó, nhưng có người lại chủ động chấp nhận và gánh vác nó.
Theo định nghĩa của trang Wiktionary tiếng Việt, trách nhiệm là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình. Nó là sự ràng buộc về lời nói, hành vi của bản thân, đảm bảo điều mình làm là đúng đắn và phải chịu hậu quả (nếu có).
Vậy tại sao chúng ta lại sợ hãi và chần chừ không dám nhận lãnh trách nhiệm? Đó có thể do thói quen thích sự dễ dàng, thoải mái, do ta không chắc chắn về kết quả cuối cùng ở tương lai hay thậm chí thể hiện sự non trẻ, yếu ớt về mặt nhận thức và năng lực. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng phải có tinh thần chịu trách nhiệm, đầu tiên là với sự tồn tại của chính mình; sau đó đến trách nhiệm với gia đình, mọi người xung quanh và cuối cùng là trách nhiệm với xã hội, hành tinh nơi mình sống. Việc hoàn thành những trách nhiệm này thường là kết quả của sức mạnh tinh thần kết hợp hành động quyết đoán, kiên trì.
***
3 cấp độ của trách nhiệm và cách làm chủ nó
Theo chia sẻ của Stephen Covey – một nhà giáo dục người Mỹ, tinh thần “trách nhiệm” có thể chia thành 3 cấp độ phụ thuộc vào mức độ quan tâm và tham gia của mỗi người với trách nhiệm đó. Cụ thể, đó là: Reactive Responsibility – Chịu trách nhiệm phản ứng; Proactive Accountability – Chịu trách nhiệm chủ động và Creative Responsibility – Chịu trách nhiệm sáng tạo.
1.
REACTIVE RESPONSIBILITY – Chịu trách nhiệm phản ứng
Đây là việc chịu trách nhiệm bằng cách phản ứng với một vấn đề, tình huống, sự kiện đã xảy ra hoặc bạn biết nó sắp xảy ra. Lúc này, bạn bị cuốn vào những gì đã và đang hiện diện mà không thực sự làm chủ tình hình. Điều này có thể ví như việc bạn cố gắng dập lửa bằng từng xô nước nhỏ thay vì trang bị các biện pháp phòng cháy chữa cháy.
Đó có thể là lúc bạn nhận thấy team mình sắp không đạt KPI và hối thúc mọi người làm thêm giờ để kịp “chạy số”. Ví dụ khi team Social đăng tải một bài viết lên Facebook mà không được kiểm duyệt cẩn thận gây khủng hoảng truyền thông, ảnh hưởng hình ảnh thương hiệu. Bạn nhận ra cơn bão lớn sắp đổ nhưng do chủ quan hoặc do bất ngờ trước tác động của nó, bạn chỉ kịp chèn chống nhà cửa khi mọi thứ đã quá muộn.
Có thể thấy, đây là những phản ứng theo kiểu thụ động, biến mình trở thành “nạn nhân” của vấn đề thay vì chịu trách nhiệm một cách triệt để, chủ động cho những gì có thể xảy ra. Mẫu câu quen thuộc của người phản ứng thụ động thường là:
● Tôi không nhận thấy điều đang xảy ra…
● Tôi đã cố gắng giải quyết, nhưng…
● Tôi cảm thấy bất lực trước việc…
● Tôi quên cảnh báo anh về việc…
2.
Proactive Accountability – Chịu trách nhiệm chủ động
Đúng như tên gọi, chịu trách nhiệm chủ động có nghĩa là bạn chủ động hoặc cố gắng hết sức để ngăn chặn mọi thiệt hại trước khi nó xảy ra. Lúc này, bạn sẽ lập kế hoạch hành động, kiểm soát tình hình, quản trị rủi ro, lên kịch bản phản ứng cho mọi tình huống để tối ưu hóa kết quả cuối cùng. Một khi chọn chủ động ứng phó với tình huống, bạn cũng góp phần giảm thiểu thiệt hại đáng tiếc trong thực tế.
Đó có thể là khi người CEO lường trước những diễn biến của thị trường do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lên phương án kinh doanh cho từng tình huống cụ thể. Chịu trách nhiệm chủ động cũng thể hiện rõ trong phạm vi gia đình, đó là khi bạn đăng ký gói khám sức khỏe tổng quát cho cả nhà mỗi 6 tháng một lần để tầm soát vấn đề y tế.
Để thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống, điều quan trọng là bạn phải có sự quan tâm và đảm đương vai trò tham gia tích cực, chuẩn bị cho cả tình huống tốt nhất và xấu nhất. Những mẫu câu quen thuộc của người chủ động chịu trách nhiệm thường là:
● Tôi cần hành động ngay lập tức…
● Tôi là người chịu trách nhiệm cho tình huống này…
● Tôi đang tìm phương án thay thế tốt nhất nếu…
● Đừng lo, chúng ta có thể cùng nhau vượt qua vấn đề này bằng cách…
3.
Creative Responsibility – Chịu trách nhiệm sáng tạo
Về cơ bản, đây là hình thức tiếp nhận trách nhiệm một cách chủ động nhưng với mức độ sáng tạo cao hơn. Đó là khi chúng ta vận dụng tầm nhìn và năng lực sáng tạo để gánh vác trách nhiệm trong công việc và cuộc sống. Mức độ này không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà còn tạo động lực cho thay đổi và phát triển trong tương lai. Ví dụ, do dịch bệnh Covid-19 nên ngành du lịch và thời trang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thay vì chỉ chủ động đưa ra các giải pháp hiển nhiên như chuyển mũi nhọn từ du lịch nước ngoài vào du lịch nội địa hay đẩy mạnh bán hàng online thay vì offline, các doanh nghiệp hiện nay còn có nhiều giải pháp vô cùng sáng tạo để giúp khách hàng nâng cao chất lượng trải nghiệm. Đó là chương trình đi du lịch hoặc xem show trình diễn thời trang qua thực tế ảo (Virtual Reality) hay sử dụng thiết bị không người lái (Drone) để giao hàng nhanh chóng, giảm thiểu tiếp xúc.
Chịu trách nhiệm sáng tạo không những mang lại lợi ích cho cá nhân, gia đình mà còn giúp phát triển xã hội ở mức độ cao hơn. Những mẫu câu quen thuộc mà người sáng tạo trong việc chịu trách nhiệm thường dùng sẽ là:
● Tôi sẽ sáng tạo câu trả lời khác biệt cho vấn đề này…
● Tôi là người sáng tạo nên sẽ chọn cách giải quyết khác biệt…
● Tôi đang nghĩ đến một vài cách giải quyết đột phá cho…
● Sao chúng ta không thay đổi góc nhìn và sáng tạo giải pháp khác…
Việc chọn cách chịu trách nhiệm thụ động, chủ động hay sáng tạo trong cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của bạn. Chúng sẽ góp phần đưa bạn đến những chân trời khác biệt mà mình hằng ao ước. Như Les Brown – Nhà diễn thuyết và tác giả nổi tiếng người Mỹ từng nói: “Hãy nhận lấy trách nhiệm cho cuộc sống của mình. Chính bạn là người sẽ đưa mình đến những nơi bạn muốn chứ không phải bất kỳ ai khác.”
Bài: NDN tổng hợp | Ảnh: Matheus Viana, Cottonbro
Có thể bạn quan tâm: