“Đổi đời” với mục tiêu ngắn hạn: 5 “hạng mục” phải có trong kế hoạch thăng tiến sự nghiệp (Kỳ cuối) - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Đổi đời” với mục tiêu ngắn hạn: 5 “hạng mục” phải có trong kế hoạch thăng tiến sự nghiệp (Kỳ cuối)

Tiếp nối kỳ một với những bước chạm từ việc thay đổi hành vi và hình thành thói quen giúp bạn bước đến hai chữ “thành công”, kỳ hai của chuyên mục “Đổi đời với mục tiêu ngắn hạn” sẽ giúp bạn tìm ra 5 điều cần phải thực hiện nếu muốn tiến đến những đỉnh cao mới trong sự nghiệp?

Làm thế nào để thăng tiến sự nghiệp với các mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn?

1Khởi đầu bằng cách vẽ nên bức tranh sự nghiệp

Walt Disney từng bị sa thải vì bị cho rằng thiếu trí tưởng tượng. Oprah Winfrey từng bị người ta nhận xét rằng không thể làm được show trên truyền hình. Nếu cứ thế, sự nghiệp của bạn sẽ bị phá hủy bởi những người phản đối, những người muốn bạn mãi nhỏ bé mà không thể tiến lên được. Thực tế của những người thành công đều cho thấy họ luôn định sẵn cho mình một mục tiêu cho nghề nghiệp ở những bước khởi đầu, và sau đó tạo ra các nấc thang để đi lên từ nhiều mục tiêu ngắn hạn.

Một ví dụ có thể tham khảo đến từ Justin Dry – Giám đốc của VinoMofo, một công ty phân phối rượu có tiếng của Úc. Quá trình anh thiết lập mục tiêu của mình luôn bắt đầu bằng việc lập ra những kế hoạch trực quan nhất có thể. Anh chia sẻ: “Tôi sắp xếp các chi tiết trong kế hoạch của mình như một ô chữ puzzle mà tôi phải có nhiệm vụ giải được từng hàng từng cột trước khi có đáp án cuối cùng. Nó trông giống như tác phẩm của một người ngớ ngẩn với rất nhiều hình dạng kỳ lạ và những từ được nối thành hàng.”

Bạn có thể sử dụng giấy ghi chú dán lên tường, những tờ giấy khổ lớn hay sổ nhật ký để phác thảo ý tưởng và con đường phát triển bạn muốn đi. Đôi khi, bạn sẽ thấy nó thật lộn xộn và rối bời, nhưng đừng lo lắng, phác thảo ra càng nhiều ý tưởng càng giúp bạn tìm thêm được nhiều con đường đi khác biết đâu có tính khả thi hơn cả dự định ban đầu. Để bắt đầu bạn hãy dành 15 phút để trả lời cho câu hỏi: “Điều tôi hy vọng nhiều nhất cho con đường sự nghiệp của mình là gì?” Sau đó, viết ra những ý tưởng của bạn và đặt chúng ở nơi nào đó mà bạn sẽ thấy chúng hàng ngày.

hoàn thành mục tiêu ngắn hạn

2Nghĩ như một doanh nhân khởi nghiệp 

Trong khi việc lập kế hoạch cho một nghề nghiệp thành công bắt đầu với một quá trình lộn xộn và ngẫu nhiên như vậy để những viên ngọc ý tưởng có dịp được khai phá, thì bước tiếp theo là lấy những viên ngọc này ra và sử dụng chúng để định hướng cho bạn. Hãy nghĩ về bản thân (và sự nghiệp của bạn) như thể bạn là một vị giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp – một người có tầm nhìn rõ ràng về những gì bạn muốn và cách bạn sẽ đạt được nó. Thay vì chờ đợi sếp đưa ra mục tiêu, hãy chủ động và tự mình đặt ra mục tiêu mà bạn muốn vươn tới.

Bạn hãy bắt đầu bằng cách liệt kê những bước đi lớn và cần thiết để đạt được mục tiêu của bạn. Sau đó, chia nhỏ những bước đi này thành các bước nhỏ hơn với các hành động cụ thể cần làm để đạt được chúng. Các bước hành động này chính là quy trình thực hiện các mục tiêu ngắn hạn của bạn. Bạn cũng cần quy định một khoảng thời gian cụ thể để hoàn thành chúng và duy trì trách nhiệm tự giải trình với bản thân như thể bạn đang báo cáo với “cấp trên” của mình. Bạn có thể tự hỏi: “Những thay đổi khác biệt nào sẽ xảy ra khi tôi thực hiện các bước này?”, và rồi: “Sếp của tôi sẽ nhận thấy sự khác biệt nào khi tôi thực hiện các bước này?”

3Kích thích thay đổi thói quen hàng ngày 

Twyla Tharp (sinh năm 1941) là một vũ công và biên đạo múa huyền thoại đã kể về câu chuyện duy trì một thói quen chính xác được thiết kế để đánh lừa tâm trí của chính mình thành thói quen tập thể dục hàng ngày như sau:

“Tôi bắt đầu mỗi ngày của cuộc đời mình bằng một nghi lễ. Đó là, thức dậy lúc 5:30 sáng, mặc quần áo tập thể dục, đi bộ ra ngoài nhà, đón một chiếc taxi đến phòng tập thể dục để tập luyện trong hai giờ. Cả quá trình là vậy nhưng nghi thức không phải là việc kéo căng cơ và tập tạ mà tôi dồn cơ thể vào mỗi buổi sáng, mà nghi thức của tôi là việc leo lên chiếc taxi. Khoảnh khắc tôi nói với tài xế về địa điểm chở tôi đi, tôi đã hoàn thành nghi lễ buổi sáng của mình. Tôi sẽ không có được hoạt động rèn luyện cho cơ thể nếu tôi không thực hiện nghi thức “taxi” đơn giản đó.

Chính bởi chọn một nghi thức đơn giản chỉ là việc leo lên taxi mà tôi có thể dễ dàng thực hiện lặp đi lặp lại nghi thức đó mỗi sáng mà không thấy căng thẳng thay vì áp lực cho mình phải đi tập thể thao hàng ngày. Nó làm giảm khả năng tôi lười biếng và bỏ qua việc đi tập hoặc tìm cách làm khác đi.”

Câu chuyện này cho thấy bạn cần tìm ra được các điểm kích hoạt, hay nói cách khác là bước đi nhỏ nhất bạn sẽ làm để thúc đẩy bạn thực hiện những hành động quan trọng hơn như cách Twyla Tharp đã làm. Hãy xác định nghi thức “lên taxi” của bạn là gì nhé!

hoàn thành mục tiêu ngắn hạn

4Nói về khát vọng tương lai 

Cách làm việc của Melanie Perkins, doanh nhân công nghệ người Úc, CEO của Canva, một công ty chuyên giải pháp thiết kế và xuất bản đang phát triển mạnh là một ví dụ cho điều này. Cô được biết đến với việc “thường xuyên nói về tương lai” khi chia sẻ về công việc của mình.

Việc bạn nói ra viễn cảnh tương lai mà bạn mong đợi sẽ định hướng suy nghĩ của bạn theo hướng tập trung vào tương lai, củng cố cho bạn tầm nhìn, mục tiêu và tầm quan trọng của chúng trong kế hoạch của bạn. Ralph Waldo Emerson đã nói một câu nổi tiếng, đó là “Bạn chính là những gì bạn nghĩ.” Vì thế, điều bạn cần là:

  • Hãy tạo thói quen đọc lại mục tiêu của bạn mỗi ngày.
  • Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn sẽ đổi khác như thế nào khi bạn đạt được chúng.
  • Chia sẻ định hướng mục tiêu của bạn với những người quan trọng trong cuộc sống.
  • Hãy thì thầm tự nhắc nhở bản thân về các mục tiêu đã đề ra suốt cả ngày.

Nên nhớ, các cuộc trò chuyện bàn luận tập trung vào tương lai (với chính bản thân bạn và với những người khác) sẽ giúp xác lập nên những kỳ vọng của bạn. Điều này không chỉ tiếp tục thúc đẩy mong muốn của bạn mà còn thúc đẩy những kỳ vọng để đạt được nó.

5Quản lý sự kháng cự của tinh thần 

Khi bắt đầu nuôi dưỡng hy vọng, bạn sẽ kích hoạt cảm giác mong đợi, niềm tin rằng những gì bạn muốn không chỉ khả thi mà còn trong tầm tay. Hy vọng và kỳ vọng là hai động lực mạnh mẽ thúc đẩy bạn liên tục tiến tới vì một cuộc đời thành công.

Và khi bạn tiến tới trước với hy vọng ngập tràn, bạn đang định hướng bản thân về phía tương lai mà bạn khát khao. Điều này cũng có nghĩa bạn đang tránh xa những thứ mà bạn cho là đau đớn, bạn đang kích hoạt nỗi sợ hãi với những điều đó và tạo nên động lực mạnh mẽ giúp cho bản thân tiến bước mạnh hơn.

Có một câu chuyện mà bạn có thể xem là ví dụ cho điều này về một nữ quản lý có tên Sarah. Với công việc bận rộn quản lý một siêu thị, cô luôn cảm thấy mệt mỏi. Sau khi gặp bác sĩ, cô được khuyên rằng nên giảm cân vì trọng lượng nặng nề khiến cô mỏi mệt chứ không phải vì công việc. Để kích hoạt nỗi sợ hãi nhằm gia tăng động lực giảm cân cho Sarah, vị bác sĩ không chỉ cho cô hiểu hậu quả về sức khỏe có thể xảy ra khi không kiểm soát được cân nặng như đau tim hay bệnh tiểu đường. Ông còn “khuếch đại” những động lực tích cực, những kết quả về cuộc sống và công việc mà Sarah sẽ nhận thấy sau khi giảm cân. Ví dụ như quản lý cân nặng có thể giúp cô ấy làm việc hiệu quả hơn, hòa đồng hơn hoặc có thể quản lý áp lực công việc và các deadline…

Không cần chờ đợi đến một thời điểm nào đó để đạt được mục tiêu, bởi chẳng bao giờ có một khung thời gian hoặc điều kiện nào được gọi là hoàn hảo cả.

Để thực hiện điều này với việc thiết lập mục tiêu của riêng bạn, hãy nghĩ xem điều gì là quan trọng đối với bạn trong việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn. Hãy tự hỏi mình “Bạn nhận thấy điều gì sẽ khác đi trong cuộc sống của mình khi những thay đổi này xảy ra?”

Không cần chờ đợi đến một thời điểm nào đó để đạt được mục tiêu, bởi chẳng bao giờ có một khung thời gian hoặc điều kiện nào được gọi là hoàn hảo cả.

>>> Kỳ 1: “Đổi đời” với mục tiêu ngắn hạn: Bắt đầu từ thay đổi hành vi và hình thành thói quen

Comment