Đã có ai đó từng nói với bạn chưa? Rằng những chùm hoa màu trắng miền Tây Bắc trong ngần thuần khiết cũng biết vươn mình khoe sắc rạo rực, cũng là gam màu trong sáng nhất mà tạo hóa đã ban tặng nơi núi rừng vào những ngày hơi xuân vương khắp nơi nơi…
Mùa Xuân tựa như một nàng tiên dịu hiền ghé đến “mở hội” đầu năm và mang cho vạn vật nguồn nhựa sống căng tràn đầy mãnh liệt. Có lẽ chính vì vậy mà cỏ cây hoa lá cứ chen nhau “trẩy hội” mỗi độ xuân về, bằng những bộ áo màu rực rỡ nhất của riêng mình. Đó là sắc vàng tươi của cánh mai, là màu hồng ngời của hoa đào hay đỏ thắm của đóa đồng tiền như những biểu tượng quen thuộc của sắc xuân. Ấy vậy mà không phải chỉ có những gam màu này mới thật sự làm sáng rỡ khắp cả đất trời vào xuân. Cũng có những khoảng trời, những cánh rừng và cung đường như bừng sáng tinh khôi chỉ bởi một màu trắng biếc của các loài hoa miền đồi thẳm.
Sắc trắng mang vẻ đẹp mùa xuân nguyên sơ ấy đã và đang hiện diện giữa Tây Bắc thênh thang trùng điệp, nơi luôn biết cách kéo gọi những đôi chân viễn phương yêu xê dịch và khám phá phải tất bật đổ về. Khi ngày Đông lạnh giá dần rục rịch chuyển mình trên khắp đất nước để đón khí Xuân ấm áp muôn hoa tươi sắc, thì Tây Bắc khi ấy cũng chộn rộn ngân lên “tình khúc” của ngàn hoa tinh khiết. Là hoa cải, là hoa mơ, hoa mận, là loài ban trắng khiến không gian rực sáng và tươi đẹp đến nao lòng. Màu trắng ấy cứ nối nhau trải khắp bao bậc ruộng, triền đồi hay ghé sát vách hiên của những mái ngói rêu xanh gỗ khốc mà đón mời Xuân, sóng bước và hẹn ngày trở lại của mùa Xuân rừng núi.
Ai có thể bảo những đồng hoa cải miền Mộc Châu (Sơn La) đua nở vào khoảng cuối tháng 11 đến tận giữa tháng 12 là để vui cùng những đợt gió lạnh mùa đông thổi xiết miền Tây Bắc. Nhưng cũng có thể đó chính là lời đón mời hân hoan mà thiên nhiên gửi nhắn đến mùa xuân tươi đẹp từ nơi bạc ngàn những bông hoa cải nhỏ. Khi nụ hoa li ti đầu tiên né nở rồi “réo rắc” nhau rộ khắp và giăng kín cả một vùng cao nguyên bát ngát thì mọi khung cảnh dường như đã từ trong mơ mà bước ra đời thực – giấc mơ về một mùa xuân êm dịu.
Những bông cải đón xuân ấy mang vẻ đẹp của núi đồi rộng mở, hiền hòa mà tươi mới, nhẹ nhàng mà cũng đầy ắp nguồn sống. Lúc vào mùa, hoa cải trắng Mộc Châu lại ngập khắp những lối đi nơi thị trấn nông trường Mộc Châu, các bản Thung Cuông, bản Áng, bản Búa hay Pa Phách và đôi khi đẹp đến ngỡ ngàng dưới hơi sương và màn mây ghé qua đùa vội. Màu hoa trắng hanh hao ấy đã “gây thương nhớ” và có lẽ sẽ càng “đượm tình” khi ta nhìn ngắm lâu hơn, bước đi hòa mình giữa cánh đồng hoa xen lá hay để mặc cho cải vướng khẽ vào nơi bàn tay đang dang rộng.
Hoa cải líu xíu như lấp lửng giữa cảnh sắc chan hòa của từng thảm đồi, từng cánh rừng, tuy một màu hoa trắng xóa miền Mộc Châu Tây Bắc nhưng lại sáng rỡ chẳng thua kém một bảng màu đa sắc nào mừng Tết đến Xuân về. Và khi đồi núi trắng ngần mùa hoa xuân, vẻ đẹp ấy khiến cho ta bỗng nhiên phải dừng chân để xúc cảm và thấy mình trở nên quá đỗi nhỏ bé để cảm nhận bởi nét xuân ngời mãnh liệt ấy. Bởi theo chân những cánh đồng hoa cải trắng xóa, hành trình của nàng Xuân dường như đã bắt đầu tự rất sớm rồi.
Dường như ngay sau khi những ruộng cải trắng vừa khép lại màn chào xuân rực rỡ của mình, ta đã thấy những cây hoa mơ, hoa mận ở cao nguyên Mộc Châu cũng bắt đầu chộn rộn vươn nụ xinh trải khắp. Thường bắt đầu từ khoảng 2-3 tuần trước Tết Nguyên Đán hay cuối tháng Một và kéo dài đến tháng Hai, núi đồi Mộc Châu lại truyền tin nhau bừng lên sắc trắng tinh khôi của những thung lũng hoa mận, hoa mơ bung nở trong nắng mới.
Mơ phủ kín núi rừng Mộc Châu sớm hơn đôi tuần rồi cùng với hoa mận sánh bước, khoác trên mình những chiếc áo trắng tinh khiết giữa bao dải đồi xanh thẳm. Bước trong ánh nắng vàng rọi xuống ngọn cỏ non, men trên sườn đồi hay con dốc ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, người lữ khách rồi sẽ bắt gặp những khu vườn hoa mơ và thung lũng hoa mận nở trắng muốt chen những lộc chồi xanh ươm như được vẽ lên nền mây trời. Hoa mận và hoa mơ đẹp nhẹ nhàng, cánh hoa ôm bọc như bảo vệ nhụy vàng nhưng chỉ cần cơn gió mạnh thôi, cũng đã có thể “thổi” hoa bay tít lên không trung êm ái. Điểm tô cho những cành nhánh khẳng khiu và gốc cây có phần cằn cỗi, vẻ đẹp mong manh mà vẫn mạnh mẽ khi nở thành chùm dày và cố kết lấy nhau của loài hoa ấy thật dễ khiến lòng ta bất chợt nao nao và thổn thức chút ngẫm suy giữa bao la đồi núi.
Nếu như năm nay mận nở sớm nơi thung lũng Mu Náu thì ở thung lũng Nà Ka vốn nổi tiếng với hàng trăm héc-ta mận nở trắng muốt vừa hé nụ như để chờ chân ai đến thăm khi hoa rộ sắc nhất. Trong không khí ngày Tết, sẽ tuyệt biết mấy khi được hít hà hơi thở của Tây Bắc, của Mộc Châu dưới những tán hoa mơ, hoa mận bừng trắng, vây quanh gốc cây vẫn còn đó màu cải trắng lưa thưa sót lại. Rồi khi trước mắt mở ra bao hình ảnh dung dị của cuộc sống bình yên nơi đây, ai có thể dửng dưng mà không bồi hồi, mà không quý mến những đẹp đẽ và đáng yêu của mùa xuân nơi vùng cao mà các đồng bào vẫn từng ngày vui sống?
Mùa nối tiếp mùa, hoa nối tiếp hoa và những chuyến đi cũng cứ thế nối tiếp nhau vượt dặm đến với vùng đất Điện Biên miền Tây Bắc. Nếu Sa Pa có tiết “hậu xuân” thơ mộng với những gốc đào nở muộn khoe sắc thì Điện Biên trong những ngày tháng Hai, tháng Ba sẽ dần khép lại hành trình của nàng Xuân với một màu hoa trắng ngút ngàn của loài ban huyền thoại. Khi những trận mưa xuân thôi rơi nặng và thời tiết dần ấm áp, đó cũng là lúc núi rừng Điện Biên rợp màu hoa ban với sắc trắng trong ngần mà thuần mộc đến lạ kỳ. Dù có những màu hoa đỏ điểm vào nhưng ban trắng vẫn lên ngôi tựa như nữ hoàng của núi đồi khi đến mùa rộ nở. Ban nở trắng ở khắp những vùng Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa…, và người ta vẫn cứ bảo Điện Biên tháng Ba “trắng trời hoa ban” là vậy.
Cây hoa trắng thân mộc miền Tây Bắc này chẳng mọc ở những khu vườn hay thung lũng như mơ mận, chẳng mọc thẳng mà khẳng khiu, uốn khúc và chia cành phân nhánh. Ban trắng rắn rỏi vươn lên và nở khắp những vách núi lưng đồi, rồi nở rộ ven hai bên những cung đường về bản quanh khúc. Những cánh hoa màu trắng ngời thanh khiết điểm xuyết vân tím và nhụy hồng hé mở dịu dàng ở khắp mọi nẻo đường như muốn gửi lời chúc xuân nồng hậu nhất đến với không gian rừng núi, bản làng và cả những trái tim đã trót cảm mến màu hoa ấy.
Hoa ban trong tiếng Thái có nghĩa “hoa ngọt”. Trong tâm thức của người Thái, hoa ban hàm chứa khát vọng tình yêu và hạnh phúc khi gắn với chuyện tình trong trắng, thủy chung giữa nàng Ban và chàng Khum. Rồi khi rộ nở giữa trời xuân như loài hoa biểu tượng của Điện Biên lịch sử, sắc trắng tinh khôi và mùi thơm dịu nhẹ của hoa ban khiến người lữ khách chợt nhận ra rằng, mùa xuân trên mảnh đất Điện Biên không chỉ hào hùng mà còn nên thơ và tươi đẹp. Hoa ban nở rộ cả trên những câu thơ bài hát của nhà văn, nhạc sỹ chứ chẳng phải chỉ tô sắc nơi những cánh rừng Tây Bắc. Hoa ban cũng tạo nên nguồn cảm hứng cho bao mùa lễ hội mang những giá trị văn hóa và sắc màu riêng biệt nhất của miền. Có lẽ chính vì nét đẹp ấy, vì vẻ ban sơ thuần khiết ấy, mà hương sắc hoa ban lại thêm rực rỡ vào mỗi độ xuân chín. Đến Điện Biên để nói lời hẹn gặp lại với mùa Xuân kế tiếp hẳn sẽ là trải nghiệm tuyệt vời để chứng kiến thêm những ô trời tuyệt tác của đất nước và cảm thức cùng vạn vật… Về Điện Biên, nhớ phải kịp mùa trời rợp trắng hoa ban!
__________________________*
Người dân coi hoa ban như thức ăn, vị thuốc và một loại nông lịch để phát nương vào lúc hoa nở và tra hạt khi hoa tàn.
*__________________________
Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Độc giả đang đọc bài viết “Đi qua những mùa hoa thương nhớ với gam màu ban sơ vùng Tây Bắc” tại chuyên mục Du lịch & Ẩm thực của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm:
Du lịch xứ Puno để “truy tìm” vẻ đẹp văn hóa dân gian Nam Mỹ
Lombok – thiên đường du lịch mới mang lằn ranh kỳ diệu giữa “thực” và “ảo”