Trước kỳ nghỉ dài • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trước kỳ nghỉ dài

Những ngày cận và sau các kỳ nghỉ dài luôn là nỗi ám ảnh của các “sếp”. Làm thế nào để giải quyết công việc trôi chảy trơn tru trước một kỳ nghỉ dài ngày mà không ảnh hưởng đến tâm trạng của cấp dưới? Đó là lúc cần vận đến tuyệt kỹ.56f0beb983418Tuyệt kỹ 1: Khuyến khích năng lực cá nhân

Đối mặt với một kỳ nghỉ dài cũng có nghĩa là đối mặt với lượng công việc tồn đọng cần giải quyết triệt để, đặc biệt là những hợp đồng còn đang vào giai đoạn nước rút. Để giúp team của mình hoạt động nhịp nhàng, bạn cần phát huy tối đa khả năng vốn có của từng người bằng cách sử dụng nhân lực đúng mục đích và “ghép hai mảnh tương thích” lại với nhau. Tức là, nhận ra điểm yếu của nhân viên để tìm cho họ đối tác có thể bổ sung điểm yếu đó. Mặt khác, bạn phải cho họ thấy, bạn đề cao năng lực của họ bằng cách giao cho họ trọng trách. Đừng quên cho họ thấy, quan điểm nhất quán của bạn: Tỏa sáng đúng thời điểm bằng năng lực và sự tận tụy sẽ đặt ra cơ hội thăng tiến trong tương lai.

Tuyệt kỹ 2: Hậu phương tốt

Hãy để cấp dưới tin tưởng rằng, bạn là hậu phương vững chắc nhất của họ, là cổ động viên lớn luôn nhiệt tình ủng hộ những sáng kiến, giải pháp mà họ đề ra. Thời gian eo hẹp và trách nhiệm nặng nề sẽ khiến nhân viên của bạn cảm thấy áp lực, stress và khó có thể trách được một vài lỗi nào đó. Bạn hãy luôn xuất hiện đúng lúc và cùng họ gỡ rối thay vì chỉ đứng ngoài cuộc và làm lớn chuyện. Sự hỗ trợ vô điều kiện của cấp trên giúp họ thêm tự tin. Mặt khác, sự ngưỡng mộ và cảm phục sẽ thúc đẩy họ chủ động hoàn thành công việc. Nếu không, bạn chỉ có thể nhận lấy sự hậm hực và bất mãn ngấm ngầm.

Tuyệt kỹ 3: Minh bạch các khoản thưởng

Ngoài khối lượng công việc ùn ùn kéo về, bạn cần biết nhân viên sốt ruột trông đợi khoảng thưởng trong những dịp Lễ, Tết này. Tùy vào tình hình của từng bộ phận mà có mức thưởng khác nhau, tuy nhiên phải luôn minh bạch và công bằng các khoản này. Công bằng không có nghĩa là ngang bằng do đó, cần có những giải thích hợp lý cho sự chênh lệch thưởng giữa các bộ phận. Một vài công ty giữ bí mật khoản thưởng giữa các nhân viên, tuy nhiên việc minh bạch này phần nào cho nhân viên thấy họ cần cố gắng thế nào để đạt mức thưởng này năm sau…

BYOD-Summer-HolidayTuyệt kỹ 4: Không bỏ lỡ tiệc cuối năm

Công việc đòi hỏi sự tập trung và có những lúc cao điểm phải làm đêm, làm thêm vào giờ nghỉ… vì vậy, một bữa tiệc đặc biệt được thiết kế dành cho các nhân viên vào ngày làm việc cuối là hợp lý và cần thiết. Việc nhìn thấy trước phần thưởng ở đích đến của công việc sẽ tạo được bầu không khí phấn khích lan truyền ở nhân viên. Sức mạnh của sự phấn kích này có thể làm tăng thêm tình đoàn kết cũng như tốc độ xử lý công việc. Hãy gợi ý rằng, họ có thể nhận được những phần thưởng bất ngờ ở bữa tiệc…

Tuyệt kỹ 5: Bật đèn xanh cơ hội thăng tiến trong năm mới

Sau kỳ nghỉ dài hơi cũng là thời điểm áp lực với người lãnh đạo, thứ nhất là nhiều nhân viên vẫn còn tâm trạng vui chơi chưa bắt nhịp với công việc. Thứ hai là một số nhân viên “rục rịch” tìm việc mới. Đứng trước nguy cơ công việc dậm chân tại chổ hoặc thiếu hụt nhân sự bất ngờ, người quản lý giỏi sẽ không vội khiển trách hoặc áp dụng biện pháp trừ lương… Hãy cho họ thấy những thành tích họ đã đạt được, đừng tiếc lời khen ngợi hoặc góp ý chân thành và bật đèn xanh về cơ hội thăng tiến trong tương lai. Hãy mở cho họ một đích đến mới, động lực mới chẳng hạn hứa hẹn thăng chức, tăng lương hoặc khen thưởng bằng một chuyến du lịch nhóm khi công việc hoàn thành sớm hơn dự kiến…

Học cách tha thứ

Trước sự chểnh mảng, lơ là của cấp dưới hay những sai sót vào giờ phút ngặt nghèo, bạn tưởng như không thể cho qua mà cần áp dụng biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, nó càng khiến công việc thêm rối. Là nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần rèn luyện kỹ năng tha thứ:

Phương châm 1: “Mắt nhắm mắt mở”, nói theo cách của người Việt là việc nào cho qua được thì cho qua xem như bạn chưa nhìn thấy những sai phạm đó nếu nó không gây tổn hại nhiều đến lợi ích chung.

Phương châm 2: Đồng cảm – giáo sư Manfred FR Kets de Vries phát triển nhân sự cấp cao của INSEAD cho biết, thiếu sự đồng cảm với nhân viên chính là rào cản của tha thứ. Bạn không nhìn thấu hết mọi góc cạnh của sự việc mà chỉ chăm chăm vào lỗi lầm của họ. Hãy một lần đặt mình vào vị trí của họ để thông cảm và tha thứ.

Phương châm 3: Đè nén sự ghen tị khi cấp dưới gặt hái thành công vì sự ghen tị là mồi lửa làm bùng phát ngay cả đám tro tàn giận dữ. Lưu lại sự ghen tức khiến bạn nhìn nhận sai sự việc, con người và khó có thể tha thứ dù sai lầm họ mắc chẳng đáng kể.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment