Tự ái dân tộc • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Tự ái dân tộc

Ai cũng có lòng tự ái – tự yêu chính mình và chưa bao giờ lòng tự ái dân tộc lại trở thành đề tài được đặc biệt quan tâm đến vậy trong những tháng vừa qua. Liệu, lòng tự ái này đã được đặt đúng chỗ hay chưa và những ai mở miệng bảo rằng họ tự ái là người Việt liệu đã thực sự hiểu được nỗi niềm tự ái ấy là gì?

Khi một quốc gia vốn thân thiện, cởi mở như Singapore từ chối nhập cảnh với không ít phụ nữ Việt hay sự việc tham quan “Ngôi nhà Việt Nam” tại hội chợ Expo 2015 ở Milan (Ý) có vẻ như đã khiến nhiều người cho rằng uy tín người Việt đã và đang sụt giảm nghiêm trọng trên trường quốc tế. Đồng thời chúng cũng chạm đến lòng tự ái dân tộc của không ít người Việt.

Khi xấu xí trở thành thương hiệu

Hai sự kiện vừa được đề cập thực ra chỉ là hai giọt nước tràn ly. Từ nhiều năm qua, đâu đó đã có rất nhiều người Việt đăng đàn bộc lộ tâm trạng tủi hổ khi đến các nước tiên tiến đều dễ dàng bắt gặp biển cảnh báo bằng tiếng Việt hiển nhiên ai cũng hiểu chúng dành cho người Việt. Họ công khai nhắc nhở người Việt Nam những điều như ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng, tôn trọng không gian chung, không lấy cắp đồ đạc… Tại sao lại như vậy?, phải chăng chính chúng ta đang làm cho nhau bị muối mặt khi đi ra thế giới.

Cá nhân tôi trong những dịp công tác hay du lịch đến một số nước láng giềng như Thái Lan hoặc Singapore thì gần như luôn được và phải tận mắt trông thấy những người Việt “xấu xí” ở nơi công cộng. Không ít người Việt hồn nhiên nói cười, đùa giỡn đến mức náo loạn trên những khoang tàu diện ngầm (MRT) vốn dĩ lúc nào cũng chật như nêm, rất cần sự yên lặng. Đến khách sạn, sau khi dùng bữa sáng của mình lại rất “tỉnh” lấy phần ăn sáng của người khác bỏ vào giỏ xách riêng để dành làm bữa trưa, đến mức nhân viên khách sạn phải nhắc khéo.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ, chắc hẳn số người Việt bị mang tiếng oan bởi lỗi của những người đồng hương hay việc “con sâu làm rầu nồi canh” cũng không phải ít. Tuy nhiên, nếu nói chỉ có người Việt mới có những hành động đáng xấu hổ giữa nơi công cộng là cách nhìn quá phiến diện bởi tôi từng tận mắt chứng kiến nhiều anh tây khi nghé vào các quầy bán nước hoa đã tự tiện chọn loại nước hoa đắt tiền được trưng bày xịt lên cơ thể mình rồi thản nhiên bước đi. Hay các chàng trai tây balo chạy xe máy bạt mạng, thậm chí không ngại nhổ nước bọt trên đường hay các cô gái thản nhiên dẫm lên cỏ non nơi có bảng cấm…

Rõ ràng ở bất kỳ đâu cũng có người tốt và xấu, có những người được giáo dục, rèn luyện ý thức hành xử có văn minh hoặc kém văn minh hơn người khác. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao xấu xí lại trở thành một thứ “mác” vô hình gắn lên người Việt. Nó khiến nhiều người tiếc nuối, xót xa và tự ái dồn dập!

 Để lòng tự ái thôi bị tổn thương

Nhiều người khi ra nước ngoài sinh sống đã sớm nhận ra rằng không ở nơi đâu cuộc sống lại thoải mái và vô tư như ở Việt Nam chúng ta. Với xuất phát điểm thuần nông, ở đó mọi người luôn sống chan hòa, thoải mái với nhau và với môi trường xung quanh. Cũng ở đó, ranh giới giữa những cái tôi cá nhân gần như bị xóa nhòa thậm chí, ý thức về việc phân định ranh giới tài sản công với tài sản tư cũng kém rạch ròi.“Có vẻ như số đông người Việt vẫn cứ xem việc hiện thực hóa một lối sống đầy ý thức, trách nhiệm để lấy lại thiện cảm trong mắt bạn bè quốc tế là nghĩa vụ của… người khác chứ không phải mình.”

Khi đời sống xã hội phát triển, những người nông dân trở thành thị dân và rồi ngày càng có nhiều cơ hội leo lên máy bay để xuất ngoại giao thương, du lịch. Vấn đề chưa thể quên mang theo trong máu mình cái thói quen, nề nếp, lối sống, cách ứng xử có phần quá sức thoải mái, ít tôn trọng quyền riêng tư của người khác, đôi lúc còn tùy tiện nhận vơ của chung làm của riêng. Hệ lụy cho tới giờ đây là số đông bạn bè quốc tế đều đánh giá thấp lối sống, cách hành xử của nhiều người Việt.

Làm sao để cải thiện uy tín, để lòng tự ái dân tộc thôi bị tổn thương? Những câu hỏi này thực sự rất nan giải. Bởi như cá nhân tôi thấy có khi chính những con người Việt còn xấu xí kia lại chính là những người vẫn rất rôm rả bàn luận về vấn đề lòng tự ái dân tộc. Họ sẵn sàng mạt sát không tiếc lời những cô gái “có vấn đề” để dẫn đến không ít cô gái Việt khác cũng bị vạ lây, không thể nhập cảnh Singapore. Họ cũng sẵn sàng đồng tình với ý kiến của một du khách rằng hình ảnh “Ngôi nhà Việt Nam” nhếch nhác tại hội chợ Expo 2015 ở Milan cũng là cả một nỗi nhục quốc thể lớn lao. Trong khi nếu có dịp ra trường quốc tế, họ lại không mặn mà với việc ý thức giữ gìn hình ảnh của chính mình.

Rõ ràng ý thức về việc giữ gìn hình ảnh của bản thân, của dân tộc – cũng có nghĩa là lòng tự ái dân tộc của mỗi người Việt là có và tồn tại trong suy nghĩ của số đông nhưng không thường trực. Và có vẻ như số đông người Việt vẫn cứ xem việc hiện thực hóa một lối sống đầy ý thức, trách nhiệm để lấy lại thiện cảm trong mắt bạn bè quốc tế là nghĩa vụ của… người khác chứ không phải mình. Tôi tin rằng động thái tốt nhất để cải thiện tình hình, vực dậy uy tín của người Việt trên trường quốc tế không ở đâu xa xôi mà nằm chính trong tay của mỗi người.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment