Người làm nghệ thuật cần mẫn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Người làm nghệ thuật cần mẫn

Với Việt Duy, ảo thuật là một môn nghệ thuật khó và vì càng khó nên độ chính xác càng phải cao thế nên sai sót hay sự cố là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, người nghệ sĩ làm nghệ thuật một cách cần mẫn này không xem đó là điều gì quá to tát bởi anh biết, trong ảo thuật, để thành công ngoài thần kinh thép, phải luôn có phương án thứ 3.

Quay ngược thời gian cách đây hơn 10 năm, chàng trai trẻ đất Ba Vì Việt Duy đã khăn gói vào Nam, chọn Sài Gòn làm nơi đất lành. Để có thể nuôi chí lớn và giúp bản thân vừa học vừa làm, anh chàng cử nhân quản trị kinh doanh tương lai đã chọn rất nhiều công việc khác nhau đù đó là việc phụ hồ, bán vé số, dạy võ hay làm bảo vệ đêm trên tàu du lịch Bonsai… Cũng từ những ngày làm bảo vệ, anh vừa có thời gian nghe luyện Anh ngữ vừa giúp đôi bàn tay liên tục rèn luyện những động tác linh hoạt, mềm dẻo với những màn ảo thuật cơ bản nhất. Dần dà, quản lý tàu nhận thấy anh có năng khiếu và cũng muốn tạo không khí cho các vị khách thưởng thức bữa tối nên cho phép anh biểu diễn dù vẫn mặc đồng phục bảo vệ. Anh thú thật, với ảo thuật vốn đã có niềm đam mê từ thủa nhỏ bởi anh luôn thắc và thích thú sự huyền dịu của bộ môn này. Tuy nhiên, phải nói rằng chính ánh mắt say mê tán thưởng của người xem cộng với sự may mắn và cơ duyên được gặp nhiều bậc thầy ảo thuật khác nhau đã giúp anh dần nâng cao khả năng của mình đồng thời quyết tâm học một cách chuyên nghiệp và bài bản. Anh đã lặn lội sang nhiều nước, tầm sư học đạo những bí kíp của thế giới kỳ lạ đó rồi đem kết hợp với sự khéo léo nhuần nhuyễn của chính mình.

Ngoài sự nhẫn nại, yêu thích Việt Duy cũng không ngại thổ lộ, quãng thời gian từng trải nhiều công việc, tiếp xúc với rất nhiều người với vô vàn tính cách khác nhau và đặc biệt, thời gian rèn luyện võ thuật đã cho anh một độ nhạy bén nhất định. Anh có thể cảm và nhìn thấu suy nghĩ của nhiều khán giả ngay khi biểu diễn, điều này không phải chỉ có thể rèn luyện mà thành. Sự nhạy bén tinh tường đó giúp anh nắm bắt tâm lý người xem, vừa khiến khán giả cảm thấy thoải mái lại ngay lập tức bị bất ngờ và dù biết rằng có thể mình đã bị lừa ở đâu đó nhưng không thể không khâm phục. Dù anh khiêm tốn không nói như chính phong cách biểu diễn giản dị, trang phục không quá trau chuốt, điệu bộ cũng không cầu kỳ nhưng chúng lại tạo cho anh nét duyên và quan trọng nhất chính là cái hồn có thể toát ra khi đứng trên sân khấu hoặc bị vây quanh bởi nhiều vị khách hiếu kỳ.

Dù đã trở thành cái tên quen thuộc được nhắc đến trong nhiều guide book của khách du lịch, được gặp không ít nhân vật nổi tiếng ở nhiều giới, được mời biểu diễn ở nhiều quốc gia nhưng điều đó không có nghĩa là ngừng lại. Anh vẫn cần mẫn học, sáng tạo, khao khát chinh phục những thành công cao hơn, không ngừng thách thức giới hạn của chính mình. Đó mới là điều khiến anh tự hào, anh là người làm nghề một cách chân chất và chân chính!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: Thanh Xuân – Photographer: Đại Ngô

Comment