Di chuyển luôn là một vấn đề cần được đặc biệt chú ý đối với phụ nữ khi mang thai, cho dù sử dụng bất kỳ phương tiện di chuyển nào, kể cả khi lái xe ô tô. Những lưu ý khi lái xe dành riêng cho bà bầu sẽ giúp phái đẹp cảm thấy an toàn hơn, kể cả khi phải di chuyển một mình.
Dù ở thai kỳ nào, an toàn cho thai nhi và bản thân người mẹ luôn là ưu tiên hàng đầu. Các hãng xe có mặt tại Việt Nam đã phát triển nhiều công nghệ an toàn và tiện ích dành riêng cho khách hàng nữ. Điển hình là các công nghệ của Mercedes-Benz và Chevrolet như Keyless Go – hỗ trợ mở cửa xe không dùng chìa; mở cốp bằng cách đưa chân vào dưới khoang hành lý; lọc không khí, cải thiện sức khỏe nhờ cân bằng ion, phân tán nước hoa qua điều hòa; hỗ trợ đỗ xe tự động, giúp đưa xe vào bãi đỗ an toàn, nhanh chóng; hệ thống cảnh báo điểm mù; cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước, sau; ga tự động… Bên cạnh đó, nhiều mẫu xe được phái đẹp đặc biệt ưa thích, như Mercedes GLA200 với sự tiện nghi và cảm giác lái tốt; Ford Fiesta đáp ứng được yêu cầu an toàn, không gian lưu trữ rộng rãi, mức độ thân thiện với trẻ nhỏ, dễ lái; hay Toyota Yaris 2017 với hệ thống chống bó cứng phanh ABS, hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA, giúp làm chủ chiếc xe một cách an toàn khi phanh gấp, đặc biệt trong điều kiện đường trơn trượt, cùng dây đai an toàn 3 điểm được trang bị trên tất cả các vị trí ghế ngồi trong xe.
Tuy nhiên, đối với thời kỳ nhạy cảm như trong thời gian mang thai, đừng chỉ ỷ lại vào những tiện ích, quan trọng nhất vẫn là chú ý đến những lời khuyên sau để phòng tránh tối đa những rủi ro trên hành trình.
Giai đoạn thai kỳ an toàn
Ba tháng đầu và ba tháng cuối khi mang thai là lúc nên hạn chế lái xe vì thai phụ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ, dẫn đến tình trạng không tập trung, dễ gây tai nạn. Trong đó, ba tháng cuối thường xuất hiện tình trạng chuột rút hay bụng cồng kềnh dễ gây nguy hiểm trong quá trình điều khiển. Từ tuần 14 đến tuần 28 là thời kỳ ổn định để lái xe, tuy nhiên, vẫn cần kiểm tra và theo dõi sát sao những thay đổi khác nhau của cơ thể. Nên mặc quần áo thoải mái, đi giày đế bằng khi lái xe.
Vị trí ngồi thoải mái
Vị trí khi lái xe là yếu tố an toàn quan trọng nhất. Thai phụ nên chú ý điều chỉnh để khoảng cách giữa bụng và tay lái càng xa càng tốt. Trước khi lái, hạ ghế ngả về phía sau, điều chỉnh gương chiếu hậu để tầm nhìn thuận lợi, đồng thời chân dễ chạm vào phanh và côn. Nên đặt một chiếc gối mềm hay một chiếc khăn ở lưng để giảm cảm giác đau đớn hay chịu tác động lực. Luôn kích hoạt chức năng túi khí, giữ khoảng cách từ bụng đến túi khí là 40 cm. Tốt nhất nên có túi khí cả ở đằng trước và hai bên để giảm thiểu tối đa các va chạm vào bụng.
Chú ý dây an toàn
Phần lớn những rủi ro không đáng có xảy ra là do đeo dây an toàn chưa đúng cách. Dây an toàn sẽ giúp giữ chặt những phần cứng của cơ thể, như phần thân trên, khung xương chậu, qua đó giúp bảo vệ phần mềm như phần bụng mang thai nhi. Việc đeo dây không đúng cách sẽ đặt nhiều áp lực lên bụng thai phụ. Dây an toàn nên được bám sát vào người. Khi thắt, vòng dây đai lưng xuống bên dưới bụng càng thấp càng tốt, phù hợp nhất là vị trí ngang xương hông, sẽ khiến cho phần bụng dễ chịu hơn và nâng đỡ thai nhi trong suốt hành trình. Tránh để dây an toàn áp vào bụng trên, vì sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi nếu có một cú nhấn ga mạnh hay phanh gấp.
Lưu ý trên hành trình
Nếu bắt buộc phải lái xe trên một quãng đường dài, hãy nghỉ giữa chặng, vận động tay chân, hoặc đổi tay lái cho bạn đồng hành (nếu có) trong suốt lộ trình. Khi gặp thời tiết xấu, hãy giảm tốc độ và điều chỉnh khoảng cách với các phương tiện lưu thông khác trong độ an toàn cho phép. Nên lái xe chậm rãi, tập trung cao độ và bình tĩnh. Việc mất kiểm soát sẽ khiến bạn không thể xử lý tốt các sự cố gặp phải. Hãy quan sát cả con đường trong trường hợp muốn chuyển làn, tránh việc lấn tuyến một cách đột ngột.
Quy tắc 3 giây kiểm soát tốc độ
Sử dụng “quy tắc 3 giây” để có khoảng cách an toàn với xe phía trước. Quan sát xe chạy phía trước vượt qua một điểm cố định trên đường và đếm 3 giây. Nếu xe bạn vượt qua điểm cố định ấy trước 3 giây, lúc đó xe bạn đang quá gần với xe phía trước.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Có thể bạn quan tâm: