Thay vì tập trung vào những chuyện lớn lao, những thứ có tính vĩ mô thì micromastery lại rèn luyện những kỹ năng, chuyên môn nhỏ nhặt, nhặt nhạnh kiến thức để tạo nên tổng thể lớn.
Chúng ta đều được khuyên là nên “học một thứ gì đó mới mỗi ngày”, nhưng liệu điều này đúng được mấy phần?
Nếu đã trưởng thành và làm một công việc tương đối lâu, đi chơi với vài nhóm bạn không đổi thì chắc chắn chúng ta sẽ không học được thêm những điều mới. Đây chính là lúc chúng ta nên làm quen với khái niệm “micromastery” – tức học các kỹ năng/chuyên môn nhỏ nhặt, thay vì chỉ tập trung vào một lĩnh vực nào đó. Kỹ thuật này cũng chính là nội dung chính của cuốn sách “Micromastery: Learn Small, Learn Fast and Find the Hidden Path to Happiness” (tạm dịch: Micromastery: Học Nhỏ, Học Nhanh và Tìm Ra Con Đường Bí Mật Đến Với Hạnh Phúc) được viết bởi tác giả Robert Twigger.
Những “tiểu kỹ năng” mà Twigger nhắc đến bao gồm bổ củi, làm sushi, trồng cây cảnh bonsai, làm trứng ốp-lết và tập viết chữ đẹp.
Đối với những người không muốn học gì mới, điều này có vẻ nản chí, đặc biệt là khi cuộc sống vốn đã bận rộn, khiến họ cảm thấy thậm chí còn không có thời gian để học và làm tốt hơn chính công việc mang lại thu nhập chủ yếu của mình. Tuy nhiên, như yếu tố “micro” đã gợi ý, việc này chỉ cần những bước đi rất nhỏ.
“Khi chúng ta già đi, ta ngừng quan tâm đến những điều mới vì không còn đủ thời gian và sức lực. Đây là một cái cớ “hợp lý” vì ai có thể trách ta khi nghe thấy cần “10.000” giờ để thành thạo một thứ gì đó… Nhưng với các tiểu kỹ năng, bạn chỉ cần bắt đầu bằng những bước nhỏ và dễ dàng và chúng không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn, nếu không muốn nói là làm nó tốt đẹp hơn”.
Twigger nghĩ ra công thức về nghệ thuật “micromastery” sau khi sống ở Nhật Bản 3 năm và tìm hiểu ý niệm “kata”, tức là chia nhỏ mọi thứ ra thành các thành phần có thể lặp lại và hoàn thiện được mà không cần đến tài năng. Nhờ phương pháp này, ông đã đạt được trình độ đai đen môn võ Aikido chỉ trong một năm, học được kỹ năng “cứu thương ở chiến trường”, chạy đua với bò tót và săn rắn khổng lồ – tất cả đều trong các chuyến công tác báo chí.
Tuy nhiên, sau khi từ Nhật Bản quay về ông lại bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết mất đến 7 năm liền, và điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của ông. Twigger lại tìm đến micromastery khi ông nhớ ra mình thích nấu ăn như thế nào lúc xem Masterchef.
“Tôi cảm thấy cuộc sống đang thoát khỏi mình”, ông chia sẻ. “Một trong những thứ mà tôi vẫn thích là nấu ăn nhưng tôi lại không giỏi… Nhưng sau đó tôi nhớ lại là có một bài test dành cho các đầu bếp, trong đó họ phải làm món trứng ốp lết thật ngon.
Vì thế tôi nghĩ: Tại sao không quên hết mọi thứ đi và bắt đầu với việc làm món trứng ốp lết thật ngon. Tôi bắt đầu hỏi han, đọc sách và xem trên Youtube và tiến hành thử nghiệm. Và đó là lúc micromastery ra đời”.
Theo Twigger, micromastery có thể góp phần vào hạnh phúc của bạn. Nhìn chung, khái niệm này nói về kết nối lại những thành tố nhỏ nhất của một tổng thể mà bạn muốn. Không hề có kết thúc và không chỉ có một cách để thành công.
Theo Trí Thức Trẻ
Có thể bạn quan tâm: