Hội chứng... quên • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hội chứng… quên

Bạn chợt quên những dự định sắp làm, không nhớ nội dung cuộc trò chuyện gần nhất…? Hãy cẩn thận, có thể bạn mắc phải hội chứng quên, căn bệnh thời đại của người bận rộn.

“Chết thật, mình có hẹn với bạn mà sao lại quên?”, “Không biết giỏ xách để đâu rồi?”, “Công việc ngày mai là gì nhỉ?”… là những câu tự hỏi thường thấy của người mắc chứng mau quên.

NDN_Hoi chung quen_3

“Chết thật, mình có hẹn với bạn mà sao lại quên?”, “Không biết giỏ xách để đâu rồi?”, “Công việc ngày mai là gì nhỉ?”…

Tình trạng mau quên (đãng trí hoặc giảm trí nhớ) xảy ra do nhiều căn nguyên. Ngoài suy tuyến giáp, thoái hóa cột sống cổ, rối loạn tuần hoàn não, gen di truyền… giảm trí nhớ còn khởi phát do nhiều yếu tố khác tác động như: căng thẳng, bận rộn, lo lắng, trầm cảm, suy nhược cơ thể, được xem là hội chứng đãng trí thứ phát. Dạng bệnh lý này đòi hỏi phải tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và điều trị theo đúng phác đồ cụ thể, chủ yếu dựa vào biện pháp tâm lý. Trường hợp nặng có thể sử dụng một số loại thuốc giúp ngủ tốt, chống lo âu, trầm cảm và bồi dưỡng hệ thần kinh.  

Hiểm họa” thời đại

Theo bác sỹ Lê Quốc Nam (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), hiện nay, đãng trí thứ phát chủ yếu do làm việc căng thẳng. Khi quá bận rộn, phải suy nghĩ thường xuyên, các nơ ron thần kinh hoạt động liên tục, dẫn đến mất ngủ. Tình trạng này có thể kéo dài vài ngày, vài tuần và thậm chí nhiều tháng. Như vậy, thần kinh đã làm việc căng thẳng vào ban ngày, nhưng ban đêm lại không được nghỉ ngơi, khiến tế bào nơ ron kiệt sức, khả năng tập trung và ghi nhận lưu trữ cũng như truy xuất các thông tin mới bị giảm sút. Lúc này, tình trạng mau quên, đãng trí hoặc giảm trí nhớ sẽ xảy ra. Suy giảm trí nhớ tuy không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nhưng gây nhiều phiền toái trong công việc và sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, những người giữ vị trí cao trong công ty, suy giảm trí nhớ thực sự là một hiểm họa đôi khi phải trả giá bằng cả sự nghiệp.

NDN_Hoi chung quen_2

Khi quá bận rộn, phải suy nghĩ thường xuyên, các nơ ron thần kinh hoạt động liên tục, dẫn đến mất ngủ.

Trên thực tế, trí nhớ là quá trình hoạt động của não bộ để ghi nhận và lưu giữ thông tin cần thiết. Quá trình này đòi hỏi có sự tham gia của nhiều vùng não như: thùy trán, thùy thái dương, đồi thị, hải mã… Khi có sự tổn thương (tuổi tác, tai nạn) hoặc nhiều yếu tố ngoại cảnh (căng thẳng, lo âu, suy nhược) tác động đến một trong những vùng não kể trên, tình trạng đãng trí sẽ xảy ra, được phân chia thành ba cấp độ: tạm thời, lâu dài và mãi mãi.

Các triệu chứng thường gặp là không nhớ rõ nội dung thông tin vừa đọc; không tập trung khi nói chuyện với người khác; không nhớ những dự tính công việc; nhức đầu khi phải suy nghĩ… Trạng thái này kéo theo rối loạn lo âu khiến người bệnh do dự, xử lý công việc chậm chạp và không dám đưa ra những quyết định quan trọng.

—————————–

Biện pháp cải thiện hữu hiệu nhất của tình trạng giảm trí nhớ là tập luyện trí nhớ bằng cách sắp xếp công việc ổn thỏa để có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải ô chữ, tập yoga…

—————————–

Đừng coi thường!

Các bác sỹ chuyên khoa thần kinh cho rằng, nếu không được can thiệp hoặc điều trị dứt điểm, sau 3-4 năm, hội chứng suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành bệnh sa sút trí tuệ. Lúc này, người bệnh rơi vào tình trạng giảm khả năng xét đoán, định hướng không gian và thời gian, ngôn ngữ, tư duy nhận thức, hành động… Thông thường, hệ thần kinh phát triển bắt đầu từ trong phôi thai và hoàn thiện vào năm 25 tuổi. Mỗi ngày có hàng ngàn nơ ron thần kinh bị phá hủy mà không sinh sản thêm, vì thế sa sút trí tuệ thường rơi vào độ tuổi trung niên, nhất là những người có nhiều năm thường xuyên làm việc căng thẳng.

Bác sỹ Lê Quốc Nam cho biết, đến thời điểm này, đãng trí do tuổi tác chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào cho kết quả khả quan. Riêng giảm trí nhớ do căng thẳng, biện pháp cải thiện hữu hiệu nhất là tập luyện trí nhớ bằng cách sắp xếp công việc ổn thỏa để có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, giải ô chữ, tập yoga… Bên cạnh đó có thể hỗ trợ trí nhớ bằng những loại thuốc có tác dụng chống oxy hóa, bổ huyết dưỡng não như: vitamin E, ginko, biloba, hoạt huyết dưỡng não… Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sỹ, đặc biệt cẩn trọng với những sản phẩm được quảng cáo là có khả năng tăng cường trí nhớ. Xét về khía cạnh tích cực, những loại thuốc đó vẫn hữu ích cho các hoạt động của não bộ, giúp tuần hoàn máu não, cải thiện chuyển hóa các tế bào thần kinh. Song mặt trái của nó đã được kiểm chứng lâm sàng là có thể gây biến đổi tâm thần, ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của người dùng. Thậm chí, với một số loại thuốc, nếu dùng quá liều sẽ gây ra tình trạng hưng phấn quá độ, dễ bị kích động, mệt mỏi, suy kiệt, và nghiện khi sử dụng lâu dài.

NDN_Hoi chung quen_1

Sử dụng thuốc tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sỹ, đặc biệt cẩn trọng với những sản phẩm được quảng cáo là có khả năng tăng cường trí nhớ

Tự cải thiện trí nhớ

Hầu hết người bệnh suy giảm trí nhớ do làm việc bận rộn, căng thẳng ít biết rõ tình trạng của mình mà thường cho rằng, đó là hệ quả tất yếu do tuổi tác, dù họ mới 30-40 tuổi, độ tuổi não chưa có sự lão hóa nghiêm trọng. Đây thực sự là mối nguy hiểm cho những người mắc chứng… mau quên, vì không nhận thức rõ tình trạng bệnh sẽ khó có phương cách phòng ngừa.

Để đối phó với tình trạng suy giảm trí nhớ, phòng bệnh tốt hơn chữa bệnh. Dù bận rộn đến mức nào cũng nên hoạt động trí não hợp lý, phân bổ công việc vừa sức, tránh căng thẳng, luôn cập nhật kiến thức, giao tiếp xã hội… Ngoài ra, cần rèn luyện thể lực bằng cách tập yoga, thể dục để duy trì khả năng tư duy và suy nghĩ. Những bài tập hoạt động toàn thân sẽ thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường cung cấp oxy và dinh dưỡng cho não, từ đó phòng tránh và cải thiện được bệnh… quên.

Chế độ ăn uống cũng đóng vai trò trong việc tăng trí nhớ, nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều vitamin C, E, B1, B6, B12, kẽm, sắt, magiê… vào bữa ăn hàng ngày. Đồng thời tuyệt đối tránh các chất gây nghiện như: rượu bia, cà phê. Ngoài ra cũng cần rèn bản thân để có lối sống lành mạnh và khoa học.

Thực phẩm giúp cải thiện trí nhớ

  • Chuối, mít, cam… chứa gluscose cải thiện chức năng não hiệu quả; rau cải xanh, súp lơ, cà chua, bắp cải tím chứa nhiều vitamin A, B, magiê tăng cường trí nhớ tốt.
  • Ngũ cốc có hàm lượng cacbon hydrate cao và giàu vitamin có thể cải thiện trí nhớ, giảm lo âu, căng thẳng, làm cho não hoạt động tốt.
  • Cá hồi, cá thu, cá mòi giàu omega 3, DHA có khả năng cải thiện chức năng của các dây thần kinh.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

 

Có thể bạn chưa biết:

3 nguyên tắc vàng ăn uống

Chưa già sao tóc đã rụng?

Comment