Cuba, ngủ quên & thức giấc • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Cuba, ngủ quên & thức giấc

Chỉ vài tháng sau khi Mỹ tái lập quan hệ ngoại giao với Cuba, tôi đã có một chuyến công tác đến Havana. Ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi sau chuyến đi thực ra không phải là dải bờ biển mỹ lệ, những điếu cigar hảo hạng hay đám tôm hùm tươi rói. Điều làm tôi thích thú hơn cả là mảnh đất này đã tặng cho tôi một vé về tuổi thơ, về với thời bao cấp khốn khó nhưng hồn nhiên, nồng hậu.cu ba ngu quen va thuc giac 1

Mất… hành lý và cuộc sống của người dân Cuba

Havana chào đón tôi bằng cảnh chờ đợi bởi thủ tục nhập cảnh và kiểm tra an ninh. Chuyến bay của tôi đáp xuống Havana lúc 7 giờ tối nhưng phải đến 12 giờ đêm tôi mới xong mọi thủ tục. Nguyên do là nếu bạn chỉ mang theo một cuốn sách thôi thì nhân viên an ninh cũng lật từng trang xem có gì “bất ổn” bên trong không! Hành lý cũng được kiểm tra rất kỹ. Vì không có máy soi nên hải quan sẽ yêu cầu bạn bày toàn bộ đồ đạc trong vali, túi xách lên bàn để xem xét. Hành lý ký gửi bị thất lạc trong các chuyến bay đến Cuba là chuyện thường. Trong chuyến sang Cuba vừa rồi, cả lượt đi lẫn lượt về vali của tôi đều “chu du” đâu đó 5-6 ngày rồi mới trở về với chủ.

Xe cổ và kiến trúc Tây Ban Nha hiện hữu khắp mọi nơi. Những chiếc xe mui trần Chevrolet đủ gam màu sặc sỡ len lỏi khắp những nẻo đường. Những công trình kiến trúc, những tòa lâu đài, pháo đài mang kiến trúc thuộc địa tráng lệ… Tất cả cứ trôi như trong phim còn Cuba thì chẳng khác nào một bảo tàng di động. Xứ sở này, sau những năm đô hộ, chiến tranh rồi ngủ quên, vẫn cứ không thể không đẹp, cái đẹp của sự lộng lẫy trong ban sơ và hiền hòa.cu ba ngu quen va thuc giac 10cu ba ngu quen va thuc giac 4Ban đầu tôi thuê phòng trong ngôi biệt thự nằm giữa vườn cây rất đẹp với giá 35 Cuc/ngày. Phòng khá “xịn” với bồn tắm ốp đá, điều hòa, tủ lạnh, điện thoại, nhưng những thứ thiết yếu như bàn chải đánh răng, khăn mặt, xà phòng, phích nước… đều không có. Nhưng mấy hôm sau, nhờ sự chỉ dẫn của dân du lịch, tôi đã thuê phòng của nhà dân tại các chung cư với giá rẻ hơn, 25 Cuc/ngày mà lại tiện ra khu trung tâm.cu ba ngu quen va thuc giac 2Cũng nhờ có sự thay đổi này mà tôi có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống của người dân Cuba. Lương của một công chức bình thường như anh Mighen, chủ nhà trọ tôi thuê khá eo hẹp – chỉ khoảng 10 Euro/tháng. Tuy nhiên do tận dụng phòng cho thuê nên nhà anh khá “phong lưu” – có tủ lạnh, tivi, một chiếc cassette kiểu “cục gạch”, điện thoại di động màn hình trắng đen. Chỉ riêng phòng cho khách thuê có lắp cả điều hòa. Bữa cơm của gia đình anh Mighen cũng rất đạm bạc. Nhiều khi chỉ có cơm đen (gạo nấu với đậu đen) ăn cùng mấy miếng tóp mỡ. Trò chuyện với anh, tôi được biết, mỗi người dân Cuba được nhà nước bao cấp cho 1 chiếc bánh mì/ngày, 1 đùi gà/tuần, 6 quả trứng/tháng còn thịt bò với người dân Cuba thì quả là điều xa xỉ bởi chỉ người cực giàu mới dám mua ăn…cu ba ngu quen va thuc giac 8

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Kí ức về những bách hóa tổng hợp

Hơn nửa thế kỉ ngủ quên nên hàng hóa ở Cuba nghèo nàn. Nhưng hay cái là, nếu bạn đã từng có những kí ức về một thời bao cấp nghèo khó nhưng nồng hậu và thân tình thì Cuba sẽ khiến những kí ức đó sống dậy. Các cửa hiệu ở đây hệt kiểu mậu dịch quốc doanh, hệt những bách hóa tổng hợp của Hà Nội thập niên 80. Chúng thưa thớt, 9h mở cửa, 17h đóng cửa, chẳng biển báo, thứ duy nhất để bạn có thể “nhận diện” là những dòng người xếp hàng chờ đợi…cu ba ngu quen va thuc giac 6

Thế nhưng, cũng chính ở chốn này như khu chợ handcraft Almecenes San Jose cạnh pháo đài Morro Castle dọc ven biển Malecon, bạn lại có thể “sắm” cả một Cuba thu nhỏ về làm quà. Ở đây có đủ thứ về Cuba, từ những “đặc sản” cigar và rượu rum đến đồ thủ công, mũ áo, huy hiệu Che cho đến tranh của các họa sĩ Cuba…Almacenes San Jose, craft market in Havana Vieja, Cuba.

… và sự ngẫu hứng của người Cuba

Đến Cuba, đi bộ trên những con phố, bạn sẽ bất ngờ trước những ban nhạc đường phố. Họ thân thiện và cuồng nhiệt. Còn bạn rất có thể sẽ là một phần trong chuỗi biểu diễn của họ. Sự ngẫu hứng của âm nhạc, những điệu Salsa cuồng nhiệt, những sắc màu váy áo rộn ràng, sự thân thiện và hiền hòa của người dân nơi đây sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm khó quên. Ở đây không có chỗ cho câu nệ, cũng đừng ngại ngừng trước những cái bắt tay hay ôm hôn vào má chỉ sau vài hồi nói chuyện. Ở đây, âm nhạc, nhảy mùa là sống, là thở, là giao tiếp…cu ba ngu quen va thuc giac 3

Khi nào nên đến Cuba? “Viên ngọc Caribe” này quanh năm nắng ấm. Tuy nhiên thời điểm đẹp nhất để bạn đến đây là khoảng cuối thu đầu đông, từ tháng 9 đến tháng 12.

Visa: Nếu không đi theo tour mà du lịch tự túc thì bạn hãy đến Đại sứ quán Cuba (tại Hà Nội) hoặc Tổng lãnh sự quán Cuba (tại Tp.HCM) xin visa. Khoảng 1 tuần sau khi nộp hồ sơ (gồm: hộ chiếu, giấy đặt phòng khách sạn, vé máy bay, bảo hiểm du lịch) bạn sẽ nhận được visa.

Vé máy bay đến Cuba: Hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Cuba nên bạn phải quá cảnh qua một số nước châu Âu như Pháp, Nga… Bạn có thể chọn hãng hàng không Aeroflot sang Moscow (trong khoảng 10 tiếng), transit 10 tiếng, sau đó bay tiếp 23 tiếng nữa mới đến Havana. Nếu bay của Air France, bạn cũng mất chừng 10 tiếng để sang Paris, transit khoảng 4 tiếng rồi bay tiếp sang Havana (khoảng 17 tiếng nữa). Giá vé khứ hồi: Hãng Aeroflot khoảng 1800 USD và hãng Air France khoảng 2500 USD.

Ngôn ngữ: Người Cuba dùng tiếng Tây Ban Nha để giao tiếp. Sẽ rất có lợi nếu bạn biết chút ít tiếng Tây Ban Nha.

Đồng tiền: Cuba lưu hành hai loại tiền: đồng Cuc (Peso ngoại tệ) dùng cho du khách và tiền Peso nội tệ cho dân Cuba. Đến các quán ăn nhanh hay ra chợ mua rau quả, bạn có thể trả cho dân địa phương bằng Peso (rẻ hơn nhiều so với trả bằng Cuc). Nhưng với các dịch vụ dành cho dân du lịch như khách sạn, nhà hàng, siêu thị bạn phải thanh toán bằng Cuc.

Euro lợi thế hơn USD ở Cuba khi đổi sang tiền Cuc. Tuy nhiên, việc đổi ngoại tệ ở Cuba không đơn giản. Bạn chỉ có thể đổi tại sân bay hoặc ngân hàng ngoại thương. Tại sân bay bạn cần kê khai số ngoại tệ mang theo, thiếu tờ khai này bạn sẽ không được ra khỏi sân bay. Mệnh giá: 1 Euro = 1 Cuc, 1 USD = 0.8 Cuc, 1 Cuc  (Peso ngoại tệ)  = 25 Peso nội tệ. 

Phương tiện lưu thông: Chủ yếu là những chiếc xe tư nhân 4 chỗ cũ kỹ (sản xuất từ thập niên 50, 60 thế kỷ trước) được “độ” lại để chở 5 khách. Muốn đi xe bạn cần ra các trục đường chính đứng vẫy để tài xế ghé vào đón. Nếu biết tiếng Tây Ban Nha bạn chỉ phải trả 10 Peso nội tệ sau khi nói nơi cần đến, trong khi người nước ngoài sẽ phải trả tới 3 Cuc. Các thành phố lớn của Cuba cũng có xe buýt công cộng với giá vé rất rẻ: 30 xu (1 Peso gồm 100 xu). Tuy nhiên đi xe này “bão táp” tựa như đi xe đò thời bao cấp, chưa kể giờ giấc rất “cao su”.

Wifi: Trừ khi ở các khách sạn 4-5 sao, còn Cuba không có wifi free tại nơi ở. Tuy nhiên, ở các công viên, quảng trường, sảnh các khách sạn lớn luôn có người bán thẻ. Giá thẻ 2-3cuc/60 phút sử dụng trong 30 ngày.

 

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

 

Có thể bạn quan tâm:

Phiêu du với những sắc màu

Nơi hạnh phúc nhất thế giới

Mùa đông cổ tích

 

 

 

Comment