Nhiều khi nói về hội nhập, chúng ta thường nói đến thị trường, tư duy, đến việc cắt giảm thuế quan nhưng không phải như vậy. Hội nhập không chỉ là về kinh kế mà là thể chế, tư duy, quan điểm phát triển, là luật chơi, không phải chỉ là vấn đề sân chơi.
Dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), diễn đàn Nữ Doanh Nhân – Sẵn sàng hội nhập do Tạp chí Nữ Doanh Nhân và Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC) phối hợp diễn ra cuối tháng 8/2015 đã đem đến nhiều thông tin chia sẻ bổ ích từ các vị diễn giả. Trong đó, bài phát biểu khai mạc của Đại diện ban tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI chứa đựng nhiều ý nghĩa đáng để suy ngẫm dành cho cộng đồng doanh nhân trong năm mới.
Chúng ta đang đứng trước cuộc hội nhập chưa từng có và Việt Nam là một trong những nước có tinh thần hội nhập mạnh mẽ từ rất sớm.
Nhiều khi nói về hội nhập, chúng ta thường nói đến thị trường, tư duy, đến việc cắt giảm thuế quan nhưng không phải như vậy. Hội nhập không chỉ là về kinh kế mà là thể chế, tư duy, quan điểm phát triển, là luật chơi, không phải chỉ là vấn đề sân chơi. Chấp nhận hội nhập, nghĩa là chấp nhận luật chơi toàn cầu, chấp nhận nền kinh tế thị trường toàn cầu: chơi luật chơi toàn cầu, trên sân chơi toàn cầu với các đối tác toàn cầu. Thành công lớn nhất trong quá trình hội nhập những năm qua chính là những cải cách thể chế theo hướng hội nhập. Và việc mở cửa thị trường, tận dụng những cơ hội xuất khẩu đầu tư là rất quan trọng nhưng chỉ là kết quả thứ hai đối với nền kinh tế.
Những năm qua, một số lĩnh vực kinh tế đã có bước phát triển đột phá nhờ vào quá trình mở cửa thị trường, nhất là khi gia nhập WTO. Mặc dù mới chỉ sử dụng được khoảng 30% các ưu đãi thuế quan, còn 70% chúng ta không tận dụng được nhưng nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá ở các ngành công nghiệp hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động như: dệt may, giày dép, điện tử, chế biến nông sản… Điều đó đã góp phần giải quyết vấn đề tăng trưởng, công ăn việc làm và vấn đề phát triển trong những năm qua. Tuy nhiên, ở thời điểm này có lẽ thách thức và cơ hội của hội nhập còn lớn hơn nhiều so với thời điểm 8 năm trước khi chúng ta gia nhập WTO.
“Chừng nào còn đứng ngoài chuỗi giá trị thì quá trình hội nhập không mang lại lợi ích đáng kể, thực chất cho nền kinh tế Việt Nam”.
Tôi ví hội nhập như cuộc hôn nhân giữa chàng trai FDI mang tên xuyên quốc gia với các cô gái quê ngây thơ, xinh đẹp mang tên kinh tế tư nhân và đứa con được mong đợi là những chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, những đứa con đó về căn bản chưa hình thành. Khu vực FDI và khu vực tư nhân trong nước vẫn chưa có cách nào thâm nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đó là một trong những điểm yếu cần khắc phục bởi phương thức phát triển trong điều kiện hội nhập là chuỗi giá trị. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể độc lập tham gia thị trường thế giới trừ một số sản phẩm có tính chất đặc sản, vì vậy muốn tồn tại phải tham gia các chuỗi với tư duy chuỗi là chìa khóa. Chừng nào còn đứng ngoài chuỗi giá trị thì quá trình hội nhập không mang lại lợi ích đáng kể, thực chất cho nền kinh tế Việt Nam.
Cuối cùng, đứng trước cuộc hội nhập này điều quan trọng nhất với các nữ doanh nhân là tiếp cận và nắm được thông tin về hội nhập. Thứ hai, phải phân tích tác động của những cam kết trong hội nhập, đặc biệt là những cam kết mở cửa thị trường và đổi mới thể chế tác động đến lĩnh vực kinh doanh của mình như thế nào. Thứ ba, phải xây dựng kế hoạch kinh doanh trong thế liên kết chuỗi với các doanh nghiệp khác. Thứ tư là hành động ngay lập lức thay vì chờ đến khi các hiệp định có hiệu lực vì doanh nghiệp sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ như: điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh nhắm vào những thị trường ưu đãi thuế quan; Cơ cấu nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; Tổ chức sản xuất trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu vệ sinh dịch tễ, môi trường, lao động…
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN