Phụ nữ luôn có hằng hà sa số những sản phẩm làm đẹp để chăm chỉ thoa dưỡng cho làn da vào mỗi tối. Dùng kết hợp sản phẩm để bổ sung công dụng cho nhau sẽ đem đến kết quả tốt, nhưng không phải cứ “tấp” sản phẩm liên tục lên da là được. Bạn biết không, các bước dưỡng da cũng cần khoảng nghỉ!
Khi các chuyên gia làm đẹp gặp nhau, không có đề tài nào khiến họ tranh luận mãi không dứt bằng đề tài về thời gian nghỉ giữa mỗi bước trong quy trình chăm sóc da. Có người cho rằng các công thức sản phẩm hiện đại đều cho phép có thể được dùng hết sản phẩm này đến sản phẩm khác chỉ trong vài giây. Nhưng có người lại cho rằng để tận dụng và phát huy tối đa công năng của sản phẩm, cần đợi một chút thời gian trước khi thoa bước dưỡng tiếp theo. Vậy thật sự, lợi ích của việc chờ đợi giữa các bước là gì và tại sao lại phải thoa dưỡng da thành từng lớp?
Về cơ bản, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, tất cả các sản phẩm đều cần có khoảng thời gian đủ lâu sau khi thoa để có thể hấp thụ trọn vẹn vào da. Việc bôi lên da lớp này đến lớp kia liên tục mà không có khoảng nghỉ dễ gặp phải rủi ro sinh ra phản ứng hóa học, các thành phần giữa hai lớp dưỡng có thể tương tác với nhau và gây vón cục hoặc làm loãng đi sự cô đặc của sản phẩm.
Vậy chúng ta cần chờ đợi bao lâu là đủ? Trong khi một số chuyên gia khẳng định bạn nên dành ra từ 30 giây đến 15 phút khi thoa giữa các lớp dưỡng da, thì những người khác lại cho rằng việc thoa đủ lớp sản phẩm lên da quan trọng hơn. Họ có niềm tin rằng, nếu không có thời gian, việc bôi trực tiếp các sản phẩm khác nhau lên mặt cũng không gây hại da, tuy nhiên sẽ cần đến các động tác massage để sản phẩm hấp thụ hoàn toàn.
Có một sự thật mà ai cũng phải thừa nhận rằng, việc cần thiết phải có thời gian để chờ các sản phẩm hấp thụ hoàn toàn sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại sản phẩm chăm sóc da mà bạn đang sử dụng và sản phẩm bạn định thoa ngay sau đó. Bạn sẽ thực sự nên cho những dưỡng chất được nghỉ ngơi một lát giữa các bước chăm sóc da để tối đa hóa kết quả dưỡng da của mình như sau:
1. Serum dưỡng ẩm có chứa HA
- Dùng ngay sau khi rửa mặt và chờ vài giây!
HA hay còn gọi là Axit Hyaluronic là một thành phần quan trọng trong các loại sản phẩm có tính chất dưỡng ẩm. Gần như tất cả mọi chuyên gia đều đồng ý về việc nên dùng tinh chất dưỡng ẩm có HA ngay sau bước rửa mặt, nhưng cần phải để vài giây cho thấm rồi mới dùng bước kết tiếp. Tinh chất dưỡng gốc HA sẽ có lợi khi thoa lên làn da hơi ẩm ngay sau khi làm sạch vì chúng sẽ hút và ngậm nước từ đó cấp ẩm từ từ da như một miếng bọt biển.
Tuy nhiên, nếu sau đó không để tinh chất HA hấp thụ trong vài giây, những bước dưỡng da sau cứ xếp chồng lên sẽ có thể tích tụ nhiều đến mức tạo ra những quả bóng nhỏ trên da mặt. Điều này có nghĩa là sản phẩm đó không hề được hấp thụ vào da, gây ra sự lãng phí và quy trình chăm sóc da không được phát huy.
2. Dưỡng da có chứa axit
- Làm theo hướng dẫn sử dụng hoặc đợi 20 phút!
Khi nói đến các sản phẩm “treatment” có chứa nồng độ axit cao, việc nên đợi trong bao lâu hoàn toàn phụ thuộc vào công thức được hướng dẫn từ nhà sản xuất. Tuy nhiên, nếu không rõ về điều này, bạn phải ưu tiên sự an toàn cho da. Các chuyên gia đều khuyên rằng, trước khi thoa bước kế tiếp, bạn nên chờ khoảng 20-30 phút để đảm bảo da khô và giảm thiểu những tương tác không mong muốn giữa axit với các thành phần của kem dưỡng khác.
3. Tinh chất vitamin C
- Cần để thấm vào da trong 1-2 phút!
Cách dưỡng vitamin C này nhận được sự đồng thuận cao từ tất cả các chuyên gia làm đẹp. Thời gian trung bình được khuyên dùng là chờ khoảng 1-2 phút sau khi thoa vitamin C mới nên dùng các loại dưỡng khác. Lý do vì vitamin C là một thành phần không ổn định, do đó các sản phẩm chứa vitamin C thường được pha chế rất cẩn thận để đảm bảo cho nó có tác dụng mạnh nhất có thể. Nếu muốn phát huy tối đa công dụng của thành phần này, bạn phải có cách dùng sao cho không được làm loãng nó. Vì thế tốt nhất hãy cho nó một vài phút để có thời gian thẩm thấu và khô lại trước khi “tấp” lên da những lớp dưỡng tiếp theo.
4. Tinh chất Retinol
- Để thời gian hấp thụ trong 10-20 phút!
Retinol là chất chống oxy hóa mạnh mẽ và điều quan trọng là phải cho phép nó hấp thụ hoàn toàn nếu bạn muốn tránh việc khiến làn da trở nên nhạy cảm. Vì thế, retinol cũng là một thành phần cần có thời gian nghỉ trước khi sử dụng sản phẩm khác. Thời gian lý tưởng dành cho retinol tốt nhất là khoảng 10-20 phút, tuy nhiên vẫn nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng của sản phẩm. Trong một số trường hợp, việc thoa kem dưỡng ẩm trước hoặc ngay sau retinol có thể có ích như một biện pháp hạn chế kích ứng và hấp thụ chất đệm ở những người có làn da nhạy cảm.
5. Chống nắng SPF
- Chờ 15-20 phút trước khi ra ngoài hoặc trang điểm!
Mặc dù việc bạn nhớ sử dụng kem chống nắng đã là rất tốt nhưng để SPF trong kem có thể bảo vệ được làn da bạn cần có khoảng thời gian lý tưởng cho nó lắng xuống sau khi thoa. Theo nguyên tắc chung, sau 15 phút, kem chống nắng sẽ hình thành một lớp bảo vệ hiệu quả cho da. Vì thế, những lời khuyên được các chuyên ra đưa ra là, các sản phẩm chống nắng chứa SPF phải được hấp thụ hoàn toàn trước khi trang điểm để không bị thay đổi hiệu năng cũng như không bị chùi bớt đi bởi những lớp kem khác.
***
Bạn đã có một “routine” dưỡng da lý tưởng?
Nếu muốn có một làn da sáng khỏe thì việc xây dựng thói quen chăm dưỡng là điều quan trọng. Nhưng giữa hàng trăm sản phẩm thật khó để tìm ra chế độ chăm sóc da sao cho tốt nhất. Các bác sĩ da liễu vẫn thừa nhận rằng, không có cách nào gọi là đúng đắn nhất để chăm da, nhưng vẫn có những điều cần lưu ý khi xây dựng “routine” hay còn gọi là quy trình chăm sóc da để tối ưu hiệu quả.
Điều đầu tiên, hãy nhớ luôn có đủ 3 nhóm sản phẩm theo trình tự đơn giản: Làm sạch – Điều trị – Dưỡng ẩm.
Trong đó, làm sạch có nghĩa là rửa mặt và dưỡng ẩm có nghĩa là dùng các sản phẩm có thành phần giữ ẩm cho da. Đối với khái niệm điều trị hay mọi người thường gọi là “treatment”, đây là những sản phẩm được dùng để nhắm đến cải thiện trọng điểm các vùng da có vấn đề như vitamin C, retinol, axit alpha hydroxy…
Bước 1: Làm sạch
Làm sạch da là bước đầu tiên quen thuộc của bất kỳ quy trình chăm sóc da nào. Việc làm sạch da giúp loại bỏ tạp chất và dầu thừa có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và xỉn màu da. Tuy nhiên, việc này cần được thực hiện một cách nhẹ nhàng. Làm sạch da quá thường xuyên hoặc dùng chất tẩy rửa quá mạnh có thể phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Những sản phẩm làm sạch da tốt sẽ có công thức làm sạch nhẹ nhàng nhưng không làm mất đi lớp dầu lành mạnh trên da. Tùy theo loại da, chúng ta nên chọn sản phẩm làm sạch như sau:
- Da dầu: Sữa rửa mặt tạo bọt hoặc dạng gel sẽ đảm bảo loại bỏ đầy đủ bụi bẩn và dầu thừa. Các thành phần như niacinamide và axit salicylic cũng cần thiết để giúp điều tiết và loại bỏ lớp bã nhờn này.
- Da mụn trứng cá: Sữa rửa mặt tạo bọt nhẹ nhàng với các thành phần trị mụn như axit salicylic, axit glycolic, benzoyl peroxide hoặc lưu huỳnh là lựa chọn tốt nhất.
- Da khô: Nên dùng các loại tẩy trang có công thức dưỡng ẩm như ceramides, glycerin, axit hyaluronic và dầu thực vật. Nếu da nhạy cảm, hãy thử chỉ dùng mỹ phẩm làm sạch da vào ban đêm và dùng nước vào buổi sáng.
- Da nhạy cảm: Hãy thử dùng nước tẩy trang dạng Micellar. Đây là một chất tẩy rửa cực kỳ dịu nhẹ bao gồm các hạt nhỏ gọi là Micelle có tác dụng bẫy các tạp chất và loại bỏ chúng mà không làm khô da.
Bước 2: Điều trị
Ở bước này, trước khi dùng serum điều trị chuyên biệt, bạn có thể cần một loại nước làm mềm da như toner, là sản phẩm dưỡng da dạng nước, thoa lên da khô sau khi rửa mặt. Những dạng nước dưỡng như toner có thể là không bắt buộc, tuy nhiên đây là một cách tuyệt vời để làm mới da, loại bỏ mọi cặn bẩn còn sót lại và cân bằng độ pH. Ngoài ra, các dòng toner hiện đại đã không còn chứa cồn làm khô da mà thay vào đó có nhiều thành phần tăng cường có thể giúp da sáng mịn hơn. Tùy theo loại da, chúng ta lựa chọn toner như sau:
- Da mụn trứng cá: Toner có chứa axit hydroxy, bao gồm axit salicylic và axit lactic, sẽ giúp tăng cường tái tạo tế bào.
- Da khô hoặc nhạy cảm: Hãy tìm toner dưỡng ẩm hoặc một loại tinh chất mở dưỡng không chứa cồn, có thành phần như glycerin và axit hyaluronic làm dịu da.
- Da hỗn hợp: Chọn các sản phẩm tẩy da chết nhẹ nhàng, tăng cường hydrat hóa và chứa chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và trà xanh để chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương da.
- Da dầu: Hãy tìm các chất có tác dụng làm se khít lỗ chân lông để giúp giảm tiết nhờn.
Sau khi dùng toner, ngôi sao của bước điều trị chính là các dòng tinh chất cô đặc. Bạn cần những loại serum chứa một lượng lớn các thành phần hóa học mạnh mẽ được cô đặc, để vừa có thể điều trị các vấn đề da vừa có thể bảo vệ da. Từ nếp nhăn đến đốm nâu và nhiều mối lo ngại khác, serum có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với loại khác chỉ cần bạn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Ví dụ, sẽ có loại sử dụng tốt nhất vào buổi sáng, trong khi một số khác lại lý tưởng cho ban đêm, cũng như khoảng cách dùng giữa các lớp “treatment” là khác nhau. Bước điều trị này nếu biết cách dùng đúng và đều đặn sẽ tạo ra sự khác biệt lớn theo thời gian về sức khỏe, vẻ ngoài và sự lão hóa trên làn da.
Cụ thể, loại serum thích hợp dùng buổi sáng thường có chất chống oxy hóa, ngăn chặn hình thành gốc tự do và giảm dấu hiệu lão hóa. Trong đó, vitamin C được coi là chất chống oxy hóa tiêu chuẩn vàng cần được sử dụng ở bất kể độ tuổi nào. Việc dùng vitamin C vào buổi sáng còn có thể giúp giảm thiểu tăng sắc tố và các đốm nâu.
Ngoài ra, bạn cũng nên thử thêm các loại tinh chất chống lão hóa có thành phần sau để giải quyết nếp nhăn, đường nhăn và hơn thế nữa:
- Axit Hyaluronic: Đây là thành phần có đặc tính hút độ ẩm vào da, chống khô, xỉn màu và làm căng mọng da.
- Niacinamide: Một dạng vitamin B3 có tác dụng làm sáng và đều màu da, tăng cường sản xuất collagen và làm dịu viêm da.
- Retinoids: Một thành phần kích thích sự thay đổi tế bào để tăng sản xuất collagen và giảm nếp nhăn cũng như sắc tố. Retinol nên được dùng tốt nhất vào ban đêm.
- Peptide: Được tạo thành từ các axit amin, chúng là thành phần cấu tạo nên collagen và có thể thúc đẩy quá trình sản xuất collagen để làm mịn các nếp nhăn và tăng độ săn chắc cho da.
Trong các loại dưỡng điều trị, đừng quên những sản phẩm dành cho vùng mắt. Dưỡng mắt khác với dưỡng mặt vì chúng được đặc chế dành riêng cho vùng da mắt mỏng manh, nơi lão hóa nhanh hơn các phần còn lại trên khuôn mặt, và do đó cũng được xếp vào loại dưỡng “điều trị”. Nếu mắt bạn có đường nhăn, nếp nhăn, thiếu độ săn chắc, quầng thâm hoặc bọng mắt, những sản phẩm mang tính điều trị mắt chắc chắn là một lựa chọn tốt.
Để giải quyết quầng thâm, hãy tìm kiếm niacinamide hoặc vitamin C. Đối với bọng mắt, hãy sử dụng công thức có chứa caffeine. Đối với các nếp nhăn và tình trạng chảy xệ, hãy tìm các công thức có chứa peptide và retinol. Ngoài ra, vitamin K có thể giúp làm sáng quầng thâm dưới mắt và axit hyaluronic giúp dưỡng ẩm cho da khô. Lưu ý khi thoa dưỡng mắt là bạn nên dùng ngón áp út để lực tác động nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương vùng da này.
Bước 3: Dưỡng ẩm
Bước cuối cùng là kem dưỡng ẩm cho da mặt, giúp giữ cho da mềm mại, ngậm nước và củng cố hàng rào bảo vệ da. Nếu bạn có làn da nhờn hoặc dễ nổi mụn, hãy chọn loại kem dưỡng ẩm nhẹ hơn vào ban ngày, chẳng hạn như dạng gel để thấm nhanh và không bị vón cục khi trang điểm. Nếu da khô, hãy thử loại có công thức đặc hơn, chẳng hạn như kem.
Các bác sĩ da liễu đều khuyên dùng kem dưỡng ẩm cho mọi loại da suốt quanh năm, vì dưỡng ẩm là yếu tố rất quan trọng giữ cho làn da trẻ trung và khỏe mạnh. Khi chọn công thức dưỡng ẩm dựa trên loại da, bạn nên lưu ý như sau:
- Da khô: Nên dùng một loại kem giàu chất làm mềm và chất giữ ẩm, có ceramide và chất khóa ẩm để làm dịu tình trạng khô da.
- Da nhờn hoặc dễ nổi mụn: Hãy tìm loại kem dưỡng nhẹ hoặc công thức dạng gel có gắn nhãn “không gây mụn” hoặc “không chứa dầu”.
- Da nhạy cảm: Tìm kiếm các công thức không gây dị ứng và không chứa các chất gây kích ứng tiềm ẩn, như hương thơm và cồn.
Tiếp đến, hãy quan tâm đến kem chống nắng. Các bác sĩ da liễu đều đồng ý rằng kem chống nắng là bước quan trọng nhất trong mọi quy trình chăm sóc da dành cho mọi loại da và độ tuổi. Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân số 1 khiến da bị lão hóa sớm. Nếu đang điều trị tăng sắc tố mà không sử dụng kem chống nắng hàng ngày, điều đó giống như bạn cứ tiến hai bước rồi lại lùi một bước vậy.
Bạn hãy thoa kem chống nắng phổ rộng SPF 30 hoặc cao hơn như bước cuối cùng trong quy trình chăm sóc da buổi sáng, cho cả vùng cổ và mu bàn tay, trong thời gian tối tiểu là 15 phút trước khi ra ngoài. Nếu muốn giảm thiểu các bước trong quy trình, bạn có thể sử dụng các loại kem dưỡng ẩm có chứa sẵn SPF chống nắng.
Có hai loại công thức chống nắng bạn cần biết:
- Kem chống nắng hóa học được làm từ các thành phần hóa học như avobenzone và homosalate, có tác dụng hấp thụ tia UV khi tiếp xúc với da.
- Kem chống nắng vật lý (hay còn gọi là kem chống nắng khoáng chất) có chứa các thành phần khoáng như oxit kẽm và titan dioxide, có tác dụng phản chiếu tia UV ra khỏi da. Kem chống nắng vật lý thường để lại màu trắng trên da hơn là kem chống nắng hóa học.
Một số sản phẩm chống nắng là kết hợp cả hóa học và vật lý. Theo loại da, bạn nên chọn như sau:
- Da nhạy cảm: Dùng kem chống nắng chứa oxit kẽm nguyên chất và khoáng chất (mặc dù cũng có nhiều loại kem chống nắng hóa học không gây kích ứng).
- Da dầu: Hãy tìm công thức chống nắng dạng gel không chứa dầu, không gây mụn.
- Da khô: Tránh dùng kem chống nắng dạng xịt hoặc gel có chứa cồn.
Bài viết đã được phát hành trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân số 145.2024 | Text: Mai Anh | Image: NVCC
Có thể bạn quan tâm: