Phát triển du lịch biển từ lâu đã được xác định là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát kinh tế biển và chiến lược biển Việt Nam. Thế nhưng, sau nhiều năm phát triển, du lịch biển Việt Nam đã đi về đâu?
HƯỚNG ĐI RỘNG MỞ
Mỗi năm trên thế giới có hơn 500 triệu lượt khách đi du lịch quốc tế, tăng bình quân khoảng 3%/năm. Xu hướng du khách ngày càng ưa chuộng những sản phẩm du lịch “lưỡng tính”: nghỉ biển kết hợp với hội nghị, du lịch khen thưởng kết hợp thăm dò thị trường, nghỉ dưỡng ngắn ngày kết hợp casino, nghỉ ngơi tham quan di tích lịch sử kết hợp thăm trang trại trồng rau, chè và cây ăn quả, tổ chức các hoạt động giải trí trên biển…Trong đó, du lịch biển, du lịch bằng tàu biển, du thuyền luôn đóng vai trò quan trọng, hứa hẹn phát triển nhiều hơn trong những năm tới, tạo cơ hội cho nhiều quốc gia hợp tác phát triển dịch vụ này, và Việt Nam từ lâu đã không đứng ngoài cuộc.
Vớilợi thế có hơn 3.444 km đường bờ biển và khoảng 2.773 hòn đảo lớn, nhỏvới nhiều bờ cát trắng tinh, vịnh biển hoang sơ, những hòn đảo quanh năm tươi tốt, những rặng san hô lộng lẫy, vô số hải sản tươi ngon mang đậm bản sắc của từng vùng, trong đó 70% các khu, điểm du lịch hàng năm thu hút khoảng 48-65% lượng khách du lịch là liên quan đến biển, đảo, du lịch biển Việt Nam ngày càng được nhiều nước biết tới và nhận nhiều đánh giá tốt. Vịnh Hạ Long đã hai lần nhận được danh hiệu di sản thế giới và được bầu là 1 trong 7 kỳ quan mới. Đảo Phú Quốc đứng đầu và Mũi Né được xếp thứ tư trong top 10 điểm du lịch biển lý tưởng châu Á. Bãi biển Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Non Nước (Ðà Nẵng), Nha Trang (Khánh Hòa)… được nhiều du khách và các tổ chức quốc tế bình chọn vào top những bãi biển đẹp, quyến rũ nhất hành tinh.
Trên thực tế, tiềm năng du lịch biển đã được các doanh nghiệp du lịch Việt khai thác từ nhiều năm trước và được dự báo sẽ ngày càng phát triển, tập trung ở một số điểm đến ven biển như Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc… Sản phẩm du lịch biển ngày càng đa dạng với nhiều hình thức như: du lịch bằng tàu biển (cruise), du lịch lặn biển, khám phá các hệ sinh thái biển, mô tô nước, tàu lượn, dù lượn, lướt sóng, thuyền buồm, thăm di sản lịch sử – văn hóa, khám phá hệ sinh thái rừng – đảo – biển , du lịch mạo hiểm trên đảo…Một ví dụ cho sự phát triển du lịch biển ở Việt Nam có thể kể đến đảo Cô Tô (Quảng Ninh),năm 2012 đảo đã đón lượng khách du lịch gấp 5 lần dânsố trên đảo (gấp đôi tỷ lệ này ở Singapore) nhờ tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch mới và quảng bá du lịch, công khai giá cả và bảo đảm chất lượng dịch vụ điện, vận tải, ăn uống, nhà nghỉ…
TRỞ NGẠI, LIỆU CÓ VƯỢT QUA?
Phát triển du lịch biển là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát kinh tế biển và chiến lược biển Việt Nam. Chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập du lịch Việt Nam, du lịch biển góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nhiều ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường biển.
Tuy nhiên, mặc dù tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây nhưng tỷ trọng khách du lịch biển cũng chỉ chiếm tỷ lệ từ 4-5% trong tổng số du khách quốc tế đến Việt Nam. Nhiều vấn đề còn tồn tại trên con đường phát triển khiến du lịch biển vẫn chưa khai thác được hết thế mạnh sẵn có. Chính sách dành cho ngành du lịch của các địa phương có biển, đảo gặp nhiều trùng lắp, giẫm chân lên nhau, thay vì liên kết cùng nhau phát triển. Đặc thù riêng của từng địa phương cũng chưa được khai thác một cách bài bản dựa trên yếu tố cảnh quan, địa lý, văn hóa để tạo nên sự khác biệt thật sự đáng nhớ trong tâm trí du khách. Nếu hỏi một khách du lịch nào đó về sự khác nhau giữa các vùng biển Phan Thiết, Nha Trang hay Phú Quốc…, ngoài sự so sánh chung chung về cảnh quan, các bãi biển, con người, món ăn… thì khó mà có câu trả lời phân tích rõ ràng hơn từ góc độ trải nghiệm cá nhân. Thêm vào đó, số lượng và chất lượng các dịch vụ bổ trợ cho khách mua sắm, vui chơi… ở các vùng du lịch biển còn thiếu và yếu. Một số vùng biển còn tiềm năng lớn nhưng khó phát triển quy mô du lịch như Hà Tiên, Hòn Chông…do thiếu hạ tầng, dịch vụ hoặc giao thông vận chuyển không thuận tiện. An ninh trật tự và quản lý giá cũng là những vấn đề khiến ngành du lịch biển gặp nhiều khó khăn. Những mùa nắng nóng vào hè là cao điểm kinh doanh nên nhiều khu du lịch lên giá vào giờ chót quá cao so với ngày thường và không thông báo trước cho các doanh nghiệp lữ hành gây ra nhiều bất bình. Ngoài ra, trình độ nhân lực phục vụ trong ngành còn nhiều hạn chế về kỹ năng, ngoại ngữ cũng là một rào cản không nhỏ cho du lịch biển.
Đối với du lịch bằng du thuyền, tàu thuyền, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có cảng hành khách tàu biển chuyên biệt. Các tàu biển du lịch phải cập cảng chung với cảng hàng hóa nên chất lượng dịch vụ cũng như điều kiện kỹ thuật chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng cao của đối tượng khách này. Nhà nước cũng chưa có quy định nào dành cho hoạt động du thuyền, đồng thời các quy định về du lịch đường biển cũng chưa được chuẩn hóa giữa các tỉnh thành nên du thuyền muốn cập cảng và neo đậu phải trả rất nhiều loại phí khác nhau. Đó chính là lý do phần lớn du thuyền trong khu vực thường đi vòng và tránh Việt Nam khiến chúng ta mất nhiều cơ hội và doanh thu.
“Du lịch biển Việt Nam đi về đâu?” là câu hỏi khó không dễ trả lời. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Tổng Cục Du lịch đã có Đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020 và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 8-12-2014 về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Namtrong thời kỳ tới…, các doanh nghiệp du lịch hoàn toàn có quyền kỳ vọng ngành du lịch biển Việt Nam sẽ có hướng đi rõ ràng và rộng mở hơn trong thời gian tới.
TS. Nguyễn Minh Phong