Hồ sơ Panama: các chính phủ bắt tay điều tra trốn thuế • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hồ sơ Panama: các chính phủ bắt tay điều tra trốn thuế

Nhiều chính phủ trên thế giới tuyên bố sẽ truy ra những người giàu, quyền thế và nổi tiếng đã mở tài khoản ngân hàng ở nước ngoài để trốn thuế – theo BBC.

Động thái trên là phản ứng ngay tức thì trước báo cáo quy mô lớn có tên gọi Hồ sơ Panama của Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ, trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ).

ICIJ cùng với báo Sueddeutsche Zeitung (Đức) và hơn 100 hãng tin khác đã thực hiện cuộc điều tra suốt 1 năm về 11,5 triệu tài liệu ghi lại quá trình hoạt động gần 40 năm (1977 đến tháng 12/2015) của hãng Mossack Fonseca (Panama), tiết lộ hoạt động tài chính của một loạt nhân vật giàu có và thế lực trên thế giới, có thể đã trốn thuế.

Khoảng 12 đương kim hoặc cựu nguyên thủ quốc gia và ít nhất 60 người liên quan đến họ được đề cập trong Hồ sơ Panama như Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi… Một số nhà lãnh đạo khác có người thân hoặc phụ tá bị nêu tên.

Bức kí họa trên tờ Sueddeutsche Zeitung

Bức kí họa trên tờ Sueddeutsche Zeitung

Tiến hành các cuộc điều tra

Tổng thống Pháp François Hollande ngày 4/4 gọi những tài liệu bị rò rỉ là “tin tốt”. Ông nói: “Những cuộc điều tra sẽ được thực hiện, những vụ án sẽ được mở ra và những phiên tòa xét xử sẽ được tổ chức”. Bộ Tài chính Pháp ngày 4/4 khẳng định chính phủ nước này sẽ tìm cách tiếp cận các tài liệu trên và trừng phạt những đối tượng trốn thuế.

Cùng ngày, nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết sẽ mở cuộc điều tra tương tự liên quan đến Hồ sơ Panama. Những tiết lộ từ Hồ sơ Panama đang khiến nhiều nhân vật nổi tiếng tại Tây Ban Nha trở thành tâm điểm dư luận. Đáng chú ý nhất là nhân vật hoàng gia Tây Ban Nha, Công nương Pilar de Borbon. Các nhân vật nổi tiếng khác là đạo diễn Almodovar và siêu sao bóng đá Lionel Messi (người Argentina nhưng đang chơi cho câu lạc bộ Tây Ban Nha Barcelona).

Cơ quan giám sát tài chính Thụy Điển (FSA) cũng cho biết đã liên hệ với cơ quan chức năng tại Luxembourg để yêu cầu cung cấp thông tin liên quan đến cáo buộc cho rằng ngân hàng Nordea (Thụy Điển) đã giúp một số khách hàng tạo tài khoản tại các “điểm trốn thuế” ở nước ngoài. Người đứng đầu FSA, ông Christer Furustedt, nhấn mạnh việc ngân hàng Nordea liên quan đến vụ bê bối trốn thuế là “vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”. Trước đó vào tháng 5/2015, ngân hàng này đã bị phạt 50 triệu crown liên quan đến các hoạt động rửa tiền.

Vụ rò rỉ thông tin gây chấn động trên toàn thế giới

Vụ rò rỉ thông tin gây chấn động trên toàn thế giới

Trong khi đó, Cơ quan giám sát thị trường tài chính Áo (FMA) cho biết đang điều tra liệu các ngân hàng Raiffeisen và Hypo Landesbank Vorarlberg có vi phạm quy định về chống rửa tiền hay không, sau khi các ngân hàng này có tên trong các tài liệu bị rò rỉ của công ty Mossack Fonseca.

Nhà chức trách Na Uy cũng đã bắt đầu điều tra các ngân hàng lớn để xác định vai trò của họ trong việc lập ra những tài khoản ở nước ngoài.

Cơ quan thuế New Zealand tuyên bố đang làm việc chặt chẽ với các đối tác hiệp ước thuế để có chi tiết đầy đủ về bất cứ công dân New Zealand nào trong diện nộp thuế và có thể dính vào các giao dịch do hãng luật Mossack Fonseca thực hiện.

Tại Ukraine, các nhà lập pháp yêu cầu quốc hội điều tra cáo buộc cho rằng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã chuyển công ty bánh kẹo Roshen đến quần đảo Virgin (Anh) vào tháng 8/2014 để tránh thuế trong thời điểm đỉnh cao chiến sự giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine. Tổng thống Poroshenko ngày 4/4 khẳng định không làm gì sai.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley ngày 4/4 tuyên bố những ai không thực hiện theo đề nghị của chính phủ vào năm ngoái, tiết lộ những tài khoản che giấu ở nước ngoài, giờ sẽ thấy “hành động phiêu lưu như vậy là cực kỳ đắt giá”.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đang xem xét báo cáo của ICIJ và “coi tất cả những cáo buộc khả tín có thể có liên hệ với Mỹ hoặc hệ thống tài chính của Mỹ là nghiêm túc”.

Tối ngày 4/4, hàng ngàn người dân Iceland đã xuống đường biểu tình đòi chính phủ và Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức. Ông Gunnlaugsson được cho là đứng tên thành lập công ty vỏ bọc Wintris ở đảo Virgin (Anh), đây là sự kiện gây chao đảo chính quyền Iceland, quốc đảo chỉ có hơn 300.000 dân.

Biểu tình ở Iceland

Biểu tình ở Iceland yêu cầu Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson từ chức.

Trước đó, Cục thuế vụ Úc cho biết đang điều tra hơn 800 công dân, là những khách hàng giàu có của hãng luật Mossack Fonseca, về hành vi có thể là trốn thuế.

Mossack Fonseca thanh minh

Chính phủ Panama ngày 4/4 tuyên bố “không tha thứ” cho bất kỳ giao dịch không minh bạch nào và cam kết sẽ “hợp tác mạnh mẽ” với bất kỳ cuộc điều tra pháp lý nào –AP đưa tin.

Trong khi nhiều nước bắt đầu cuộc điều tra riêng về cáo buộc trốn thuế “khủng”, các nhân vật có tên trong Hồ sơ Panama đồng loạt phủ nhận họ có hành động sai trái.

Ngày 4/4, hãng luật Mossack Fonseca cũng mạnh mẽ phủ nhận vi phạm bất kỳ luật nào. Giám đốc hãng, ông Ramon Fonseca, cho biết cơ sở dữ liệu của hãng bị tấn công và coi vụ rò rỉ tài liệu là “chiến dịch quốc tế chống lại quyền riêng tư”. Ông Fonseca nói với Reuters rằng hãng luật Mossack Fonseca chuyên về lập các công ty ở hải ngoại và trên thực tế đã hình thành hơn 240.000 công ty như vậy. Fonseca lưu ý đa số các công ty này được sử dụng cho “mục đích hợp pháp”.

Theo TBKTSG Online

Comment