Khi tổ ấm… lạnh - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Khi tổ ấm… lạnh

Ngày, chồng đi làm, vợ đến công ty, con vào lớp. Đêm, chồng ôm ti vi, vợ khư khư máy tính, con học bài… Tổ ấm vốn không hiếm người mà bỗng dưng… lạnh

CHUYỆN KỂ CỦA Ô-SIN

Mới đến giúp việc cho gia đình chị N.T.H (Q.3) được ba tháng, Hoa (23 tuổi) đã năm lần bảy lượt đòi chuyển chỗ làm vì lý do “buồn chịu không nổi”. Vì bận công việc đột xuất ở quê nhà, một người quen của Hoa đã giới thiệu cô đến làm ở đây. Nghe nói ông bà chủ khá thoải mái và chẳng hay xét nét, Hoa bèn nhận lời. Bắt tay vào, Hoa mới thấy những điều mà người quen của mình nói hoàn toàn đúng, không sai lấy nửa lời. Và, mọi chuyện bắt đầu có vấn đề với cô cũng chính từ sự thoải mái và tự do ấy…

Footpath and gate

Công việc hàng ngày của Hoa cũng như bao người giúp việc khác. Nhưng chẳng biết những ai kia đó có như Hoa không, mỗi ngày cô chỉ “đụng” mặt từng thành viên trong gia đình nhà chủ được đúng hai lần vào buổi sáng và chiều. Sau khi dùng điểm tâm, ai nấy rời nhà để đi làm, đến trường cả ngày. Trở về nhà lúc trời chạng vạng tối, dùng cơm xong, mỗi người chọn một góc riêng, say sưa với việc của mình. Tất cả đều diễn ra trong âm thầm và lặng lẽ, nếu có nói chuyện thì cũng chỉ là những câu hỏi cũ rích như: “Ký được hợp đồng không anh?”, “Công việc của em tốt không?”, “Con lo học cho giỏi vào!”…

Trong gia đình đã thế thì với Hoa, những câu đối thoại cũng kiệm và chóng vánh hơn. Chỉ đến khi Hoa xin nghỉ việc, bà chủ mới phá lệ cho câu chữ nhiều hơn để bảo cô tiếp tục ở lại làm. “Em đã quen sống với sự thân thiện và vui vẻ như ở quê rồi, còn nơi đây chuyện ai nấy làm, chẳng mấy khi hé răng nói với nhau, buồn muốn chết… Thế nhưng không hiểu sao mỗi lần nghe bà chủ kêu ở lại, em lại mủi lòng. Bà chủ nói chuyện hay lắm…!” – Hoa cho biết.

Để giải quyết sự buồn chán ấy, mỗi khi hoàn tất việc nhà, Hoa thường ra ngồi trước cổng nhìn ra đường phố tấp nập hoặc tán gẫu cùng những người hàng xóm…

TUY GẦN MÀ XA

Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các đô thị kéo con người vào những kế hoạch tồn tại, lợi danh, toan tính. Theo đó, mối dây thân tình dường như dần bị nới lỏng, xa cách và tiềm ẩn những nguy cơ bị phá vỡ mà không có tiền bạc nào có thể cứu vãn hay níu giữ được…

To am lanh

Khởi đầu từ hai bàn tay trắng, vợ chồng chị N.T.H đã dần xây dựng được cơ ngơi khang trang. Nhà ba tầng mặt phố rộng thoáng, cả vợ lẫn chồng đều có vị trí nhất định trong sự nghiệp, con gái học trường quốc tế. Nhưng những năm tháng nghèo khó, cơ cực đã in hằn trong tâm trí của chị. Đến nỗi đôi lúc, chị tưởng những thứ mình sở hữu như một giấc mơ vàng son, có thể tan biến lúc nào chẳng hay. Thành thử, chị lao vào làm, vun đắp cho cơ ngơi thêm bề thế, sự nghiệp thêm vững chãi. Tất cả những chuyện “tề gia nội trợ” như: đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc và đưa đón con… chị giao hoàn toàn cho người giúp việc. Tất cả thời gian chị đều dành cho công việc và xây dựng hình ảnh trên thương trường. Nhìn bề ngoài, sự lộng lẫy, kiêu sa, hãnh tiến… của chị là niềm ngưỡng vọng của bao người. Sống trong chăn mới biết có rận hay không, ở đời, chẳng có điều gì hoàn hảo. Và, chị cũng thế. Vào một ngày mà theo chị là âm u và bão bùng dù trời Sài Gòn hôm ấy gay gắt nắng, chị phát hiện một sự thật phũ phàng: chồng mê “nhân ngải”. Chị thấy đất trời như sụp đổ dưới chân mình, hụt hẫng, choáng váng… Trong cơn bấn loạn, chị xót xa khi nghĩ rằng, nghèo mà đồng vợ đồng chồng, còn hơn giàu mà sinh lòng bội phản. Chị bỗng ước dại: “Giá mà…”.

CÔNG CUỘC “THẮP LỬA”

Căn nhà của chị N.T.H vốn đã yên ắng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, sau sự vụ “nhân ngải”, lại càng vắng lặng. Đến độ, lúc đang rửa chén, cô giúp việc Hoa đã không nén nổi tiếng thở dài đánh thượt và lẩm bẩm: “Nhà gì mà trước đã buồn, giờ càng buồn. Lúc nào cũng như thế này làm sao chịu nổi đây trời!”.

arch (26)_resize

Vô tình đi ngang qua, câu thở than ấy đã lọt vào tai chị… Sau khi thốt đủ lời oán trách và nhận vô số những phân bua lẫn tâm tư của chồng, chị và anh giao ước cho nhau khoảng lặng trước khi đi đến một quyết định cuối cùng. “Anh nhận ra em xinh đẹp hơn xưa nhiều lắm. Có vợ như thế, người chồng nào không thích, không tự hào. Thế nhưng, vẻ đẹp ấy chẳng còn thuộc về riêng anh nữa và em đã đổi khác nhiều, rất nhiều. Nếu ngày xưa, anh, con và cả căn nhà đều lưu dấu bàn tay chăm chút của em. Còn bây giờ…”, lời chồng nói vẫn văng vẳng trong tâm trí chị. Phải, những lời anh nói đều đúng. Bấy lâu nay, chị đã thay đổi và anh đổi thay. Thế thì bây giờ, chị phải tiếp tục thay đổi…

Mỗi ngày, chị bắt đầu bằng việc chở con gái đi học rồi mới đến công ty. Trong suốt quãng đường tuy ngắn ngủi đó, chị có thời gian trò chuyện cùng con gái. Ban đầu, con gái khá dè dặt và phòng thủ trước thái độ được xem là bất bình thường của mẹ. Nhưng dần dà, chị trở thành chỗ dựa tinh thần đáng tin cậy của con gái. Từ chuyện thích cậu bạn lớp lớn đẹp trai đến những việc rất “con gái”, con gái luôn kể và hỏi ý kiến của mẹ.

Kế đến, chị quyết định không mang việc về nhà đồng thời chia sẻ trách nhiệm cho những người đáng tín. Buổi tối, chị chẳng còn chong đèn xem tài liệu hay ôm khư khư máy tính nữa. Thay vào đó, chị giúp con gái ôn bài, cùng chồng xem một chương trình tivi mà cả hai đều thích… Cuối tuần, chị làm những món ăn ngon để thưởng thức tại nhà hoặc đem theo trong chuyến dã ngoại cùng gia đình. Cứ thế, tổ ấm của chị dần ấm lên trông thấy.

“Nhà có yên, việc mới lành”, chị chia sẻ.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

Vợ ơi, anh không “thở” được!

Comment